Hội nghị Thượng đỉnh biến đổi khí hậu ở Paris vừa kết thúc, tình trạng ô nhiễm không khí lại mịt mù phủ dày thủ đô Trung Quốc, lan tràn qua các thành phố từ tây qua đông và từ bắc xuống nam, trở thành vấn nạn cho cả nước này.

Vấn nạn và biện pháp đối phó tạm thời

Chưa bao giờ tình trạng báo động ô nhiễm không khí ở mức cao nhất tại thủ đô Bắc Kinh lại liên tiếp xảy ra sát nhau đến vậy. Lệnh báo động đỏ lần đầu mới phát ra ngày 07/12/2015 đã lập lại lần thứ hai trong ngày 19/12/2015.

{keywords}
Bắc Kinh chìm trong màn khói mù dày đặc ngày 21/12/2015, sau lệnh báo động đỏ lần thứ hai. Ảnh: REUTERS.

Tình trạng ô nhiễm nặng nề đó không chỉ xảy ra ở thủ đô của Trung Quốc mà lan tràn rất nhanh sang các thành phố khác rải rác trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Các nhà quan sát cho biết, trong ngày thứ Hai 21/12/2015, một lớp khói mù rộng đến 660 ngàn km vuông, tức là rộng gấp 40 lần thành phố Bắc Kinh, đã bao phủ phần lớn miền Bắc Trung Quốc.

Trước tình trạng này, nhà cầm quyền Bắc Kinh chỉ mới đưa ra được một số biện pháp chống đỡ tạm thời và cấp bách. Chẳng hạn, ba ngày sau khi ban hành lệnh báo động đỏ lần thứ hai, họ ra thông báo tạm ngưng hoặc giảm bớt sản xuất 2.100 nhà máy lớn nhỏ để giảm bớt làn khói mù dày đặc đang bao phủ thành phố Bắc Kinh.

Ngoài ra, trong thời gian báo động đỏ có hiệu lực, chính quyền thành phố Bắc Kinh hạn chế phân nữa số xe hơi lưu thông trên đường, quy định luân phiên lưu thông các xe mang biển số chẳn và mang biển số lẻ (ngoại trừ xe bus, taxi, xe chạy bằng điện, xe cứu thương…), đồng thời tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.

Các trường học và vườn trẻ ở Bắc Kinh được lệnh đóng cửa trong hai ngày 21 và 22/12. Học sinh sẽ được truy nạp các bài học và bài tập qua mạng Internet. Người già và trẻ nhỏ thì được khuyến cáo ở trong nhà, hạn chế ra đường.

Ngoài thủ đô, khói mù, hay tỷ tỷ hạt siêu bụi (dùng từ khoa học) bao phủ cả 70 tỉnh thành khác, bao gồm tỉnh Hà Bắc (bao quanh Bắc Kinh), tỉnh Hà Nam ở miền nam và tỉnh Sơn Đông ở miền đông. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết khói mù trải rộng từ Tây An xuyên qua vùng trung tâm quốc gia, tràn vào Bắc Kinh, sau đó kéo đến Thẩm Dương và Cáp Nhĩ Tân ở vùng đông bắc.

Trong đợt “bão tố” này, Thành phố Thượng Hải ven biển phía đông nam Bắc Kinh, từ ngày 15/12/2015 cũng chìm trong một lớp sương mù ô nhiễm dầy đặc chưa tùng thấy từ đầu năm đến giờ. Theo Reuters, chính quyền thành phố đã đưa ra báo động màu da cam, tức mức cao thứ 3, và khuyên những người sức khỏe yếu không nên ra ngoài, và đóng kín cửa sổ, vì chất lượng không khí nằm ở chỉ số chuyên môn y học 300 và bị đánh giá là rất "nguy hiểm".

Sau Thượng Hải tiếp đến Thiên Tân, một thành phố cảng khác ở miền đông bắc Trung Quốc cũng lần đầu tiên bị ban bố mức báo động cao nhất, lệnh báo động đỏ vì ô nhiễm không khí. Lệnh này áp dụng từ 0h00 ngày 23/12 đến 6h00 ngày 24/12/2015.

Trong thời gian này, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm chính bị cắt giảm sản xuất đòng thời với các chiến dịch làm sạch môi trường được tiến hành liên tục tại các khu vực trung tâm thành phố. Xe ô tô lưu thông trên đường phố cũng luân phiên ngày chẵn-lẻ theo biển số xe. Các cơ quan công quyền và doanh nghiệp áp dụng khung giờ làm việc linh hoạt, trong khi các hoạt động ngoài trời và các công trường xây dựng tạm dừng. Trong ngày 23/12/2015, các nhà trẻ, trưởng tiểu học và trung học đóng cửa.

Các biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí lan rộng gần như khắp nước kể trên chỉ có thể được xem là tạm thời với rất nhiều hạn chế, Một số công trình nghiên cứu đã cho thấy: Do “ô nhiễm không khí mà mỗi năm ở Trung Quốc có đến 1,6 triệu người chết sớm”. Và Bắc Kinh nằm trong những vùng ô nhiễm nghiêm trọng nhất trên Trái Đất. Tình trạng ô nhiễm không khí như vậy quả là rất nghiêm trọng và các biện pháp khắc phục chỉ mang tính đối phó trước mắt. Tình trạng đó vẫn còn là vấn nạn khi chưa tìm thấy nguyên nhân chính xác của nó để giải quyết tận gốc.

Nguyên nhân chủ yếu và con đường khắc phục

Để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình hình ô nhiễm không khí trầm trọng như ở Trung Quốc hiện nay, các nhà nghiên cứu đã lần tìm ra các dẫn liệu chính xác và cơ bản nhất.

Từ hiện tượng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc điểm ra ở phần trên đây, có thể thấy tính hệ thống rõ ràng.

Thứ nhất, tuy vùng xảy ra ô nhiễm không khí khá rộng, nhưng “dữ dội” nhất là thủ đô Bắc Kinh và vùng xung quanh, nơi dày đặc các khu công nghiệp. Xa hơn về phía nam Trung Quốc, chẳng hạn Thượng Hải cũng là những địa điểm nằm giữa các vùng công nghiệp. Thứ hai, mùa xảy ra ô nhiễm không khí đều rơi vào cuối năm, mùa đông lạnh giá.

Các đặc điểm không gian và thời gian rút ra trên đây trùng với các số liệu điều tra của các nhóm chuyên gia khí tượng thủy văn.

Quả vậy. Trước hết, về mặt không gian hay địa điểm, các loại khí thải độc hại phát ra chủ yếu từ các vùng công nghiệp xung quanh thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải, vùng công nghiệp ở các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông…

Thứ đến, về mặt thời gian hay thời điểm, trong một năm các nhu cầu sưởi ấm gia tăng vào mùa đông, bấy giờ việc sử dụng điện tăng rất mạnh. Trong lúc, ở Trung Quốc phần lớn điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than; chiểm khoảng 70% tổng sản lượng điện toàn Trung Hoa. Riêng với các vùng miền Bắc Trung Quốc, tỷ lệ này lên tới 90%.

{keywords}
Bản đồ phát triển nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, gồm các nhà máy đang hoạt đông (màu tím), đang xây (màu xanh) và sắp xây dựng (màu đỏ)với các con số chỉ số lò phản ứng. Ảnh: World-Nuclear.

Ngoài ra, những năm gần đây, trong tình hình hình kinh tế phát triển, số xe hơi cá nhân lưu thông trên đường phố, đặc biệt ở thủ đô Trung Quốc cũng ngày càng tăng và góp phần phát ra các loại khí ô nhiễm độc hại.

Rõ ràng, sự so sánh các chứng liệu ở trên có thể đi đến những kết luận có cơ sở khoa học rằng: Từ nhiều năm, chính quyền Bắc Kinh chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng, mà không quan tâm khía cạnh môi trường. Tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề hiện nay là hậu quả của chính sách phát triển kinh tế mấy thập niên qua ở Trung Quốc, đặc biệt chính sách phát triển tràn lan ngành nhiệt điện than, nguồn phát thải chủ yếu khí độc hại CO2.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới hiện nay sản lượng nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 40% tổng điện năng. Và tỷ lệ này ở Mỹ là 39% chỉ riêng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiểm kỷ lục với con số trên 65%.

Rõ ràng, đến nay Trung Quốc là quốc gia có lượng khí thải carbon gây ô nhiễm cao nhất thế giới. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng nhận ra điều này và đang có những chính sách năng lượng sạch mới. Vị đại điện của Trung Quốc Xie Zhenhuan, theo ZING.VN, đã cho biết: Dù sẽ rất khó khăn, nước này (TQ) cam kết thay đổi hệ thống năng lượng và cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030.

Và sự thay đổi năng lượng diễn ra như thế nào? Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, các nguồn năng lượng sạch được chú ý hiện nay là các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời … và điện hạt nhân.

Và Trung Quốc đang triển khai mạnh ngành công nghiệp điện hạt nhân hùng hậu, đang xây dựng một loạt các nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước (xem bản đồ với các nhà máy điện hạt nhân trên đất nước Trung Hoa).

Với con đường đi mới, Trung Quốc đang hy vọng sớm thoát ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bầu không khí cao nhất trên thế giới. Đến lúc đó hẳn người dân Trung Quốc sẽ giải thoát được cảnh sương mù ô nhiễm ập đến mỗi mùa đông về.

Trần Minh

TIN LIÊN QUAN