- Việt Nam đã có tỷ phú đầu tiên được xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn tin rằng còn rất nhiều tỷ phú nữa chưa lộ diện. Đó là các doanh nhân sở hữu rất nhiều tài sản, doanh nghiệp, ngân hàng nhưng chưa được ghi nhận vì chưa lên sàn hay chưa công bố chính thức. Vì thế, họ đã ‘qua mặt’ hay đúng hơn là chưa được Fober ghi nhận.


Ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Tập đoàn Geleximco

Các dự án BĐS của tập đoàn này trải ở khắp nơi trong khu vực miền Bắc và toàn là những dự án khổng lồ, trong đó nhiều cái gắn với những quy hoạch mở rộng của thủ đô Hà Nội.

Tập đoàn đang đầu tư xây dựng một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Hạ tầng, BĐS cũng là một thế mạnh của Geleximco với nhiều dự án đô thị: Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai - Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; Láng - Hòa Lạc kéo dài tại Hà Nội; 02 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao; các trung tâm thương mại…

Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của rất nhiều các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC…

Ông Đào Hồng Tuyển

Năm 1997, Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc Đào Hồng Tuyển lập ra một trong những dự án được coi là điên rồ nhất thời đó: Đầu tư 80 tỷ đồng mua đất để lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại sẽ được khai thác 98 ha đất trên đảo.

Dự án khởi động đúng lúc kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, có thời điểm không thể huy động cũng như vay thêm vốn từ ngân hàng, bạn bè xa lánh do sợ ông vỡ nợ, phá sản. 3 năm sau, con đường ra đảo hoàn thành, trở thành biểu tượng chinh phục thiên nhiên của người Quảng Ninh lúc bấy giờ.


15 năm sau đó là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo".

Trong một lần chia sẻ, ông Tuyển nói: "Giá đất ở đây là khoảng 14 triệu đồng/m2, chỉ cần bán 300 ha là sẽ có khoảng 2 tỷ USD". Chúa đảo Tuần Châu chia sẻ, để biến một trong những làng chài nghèo nhất Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX trở thành vùng đất "vàng ròng" như hôm nay, ông đã vượt qua "cả một rừng chông gai và một biển đau thương".

Trên dư luận hiện vẫn đồn đoán về tài sản hai tỷ USD của ông dù ông chưa bao giờ khẳng định điều đó.

Theo TS Alan Phan dự đoán, một vài năm nữa Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một vài tỷ phú đô la. Mặc dù ông không muốn nhắc tới tên một ai nhưng TS Alan Phan khẳng định “bảng vàng” tỷ phú đô la ghi danh thêm một số doanh nhân Việt.

Tạp chí Forbes định giá tài sản của các cá nhân dựa trên cổ phiếu của họ trong các công ty nhà nước và tư nhân, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Tuy nhiên, theo TS Alan Phan ở Việt Nam tài chính còn thiếu minh bạch. Người ta chỉ nhìn thấy cái bề nổi mà không ai biết tài chính ngầm (nợ) của doanh nhân.

Forbes tính toán dựa trên tài sản nổi tức là giá trị cổ phiếu, tỷ giá trên thị trường hiện tại, sở hữu công ty có tài sản bao nhiêu, cổ phần bao nhiêu nhưng họ không tính nợ nần. Trong khi đó, ở Mỹ việc tính toán tài chính khá minh bạch nợ nần được công bố rõ ràng và rất chuyên nghiệp.

“Chúng ta chỉ biết người ta giàu vì nhiều cổ phiếu, cổ phần nhưng chẳng ai biết người ta đã vay bao nhiêu tiền để mua cổ phiếu, góp cổ phần”, TS Alan Phan nói: “Tôi biết còn nhiều người giàu hơn ông Vượng rất nhiều. Chỉ tính tiền mặt của họ đã là một con số khổng lồ nhưng người ta ẩn danh. Sau việc ông Vượng lọt vào tốp tỷ phú thế giới sẽ có thêm nhiều người Việt nữa xếp vào vị trí này”.

Minh Linh