Lý giải vì sao kinh doanh gas giả "sống khỏe", đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, làm gas giả siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn bán ma túy, nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban pháp chế Hiệp hội gas Việt Nam, cho rằng việc phát hiện sự gian dối của công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Điện Quang (Khu công nghiệp Cái Lân - thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cũng chỉ là kết quả của sự vào cuộc tích cực của Hiệp hội Gas Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ quyền lợi các hội viên của mình.
Theo Hiệp Hội Gas, đến nay, cơ quan này đã có trong tay danh sách hàng loạt các công ty có hành vi sai phạm trong quá trình đấu tranh, phòng chống sản xuất, kinh doanh gas trái pháp luật. Cụ thể, khu vực phía Bắc số lượng các thương nhân cấp 1 không đủ điều kiện kinh doanh theo nghị định 107/NĐ-CP lên tới gần 30 cơ sở. Cá biệt, có những địa phương như Thanh Hóa có tới 4 thương hiệu gas vi phạm được đưa vào “tầm ngắm” của Hiệp hội. Hầu hết tình trạng, hành vi, vi phạm phổ biến vẫn là không đủ số lượng chai thuộc sở hữu doanh nghiệp.
Lập danh sách theo dõi, nhưng Hiệp hội lại không có chức năng xử lý vi phạm, vì thế mỗi khi phát hiện sai phạm cơ quan này gửi tới cơ quan chức năng, sau đó chỉ biết “dài cổ” ngóng trông thông tin xử lý.
Công ty Điện Quang với xưởng sản xuất lậu đến 4 vạn bình gas ngay trong khu công nghiệp Cái Lân. |
Lý giải vì sao kinh doanh gas giả "sống khỏe", ông Thành cho biết: làm gas giả là siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn bán ma túy, nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn. Việc cắt tai, mài vỏ, hoán cải bình tạo thương hiệu bình mới cho mình cũng chỉ nhằm mục đích sang chiết lậu, tạo nên những bình gas thiếu số lượng, kém chất lượng. Những hành vi đó góp phần hạ giá thành sản phẩm, nhằm đánh gục người tiêu dùng bằng gas giá rẻ.
Bà Hoàng Thị Đào, một nông dân tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: đôi khi những người nông dân như bà điều kiện tiếp cận thông tin hàng hóa còn ít, cứ thấy gas rẻ là mua nên việc vô tình tiêu thụ gas giả là khó tránh khỏi. Với những người nông dân như bà Đào, hoàn toàn không khái niệm về thương hiệu gas an toàn, chất lượng.
Trao đổi với chúng tôi về những sai phạm trong kinh doanh, một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) cho hay: việc quản lý những mặt hàng, đặc biệt những mặt hàng kinh doanh có điều kiện như mặt hàng gas đang hết sức khó khăn. Cụ thể, ngoài những thông tư, nghị định chung, việc sửa đổi, bổ sung tạo ra rất nhiều văn bản, ấn chỉ liên qua, điều này đòi hỏi cán bộ thực thi công vụ phải thường xuyên cập nhật để nắm bắt. Quá trình theo dõi, phát hiện sai phạm và để kết luận được cán bộ QLLT đôi khi phải viện dẫn tới 1 cặp tài liệu.
Trở lại hành vi sai phạm trong quá trình đấu tranh, phòng chống sản xuất, kinh doanh gas trái pháp luật tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Trung Thành cho biết thêm, vụ việc xảy ra nhiều nhưng xử lý cũng chưa thấm tháp gì, chính điều đó đang tạo ra những kẻ hở để việc gian dối có đất sống. Cũng theo ông Thành, sự chủ động của doanh nghiệp, hiệp hội cũng chỉ là vấn đề đầu tiên, để giải quyết thấu đáo, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng, nhằm trả lại sự công bằng cho doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
(Theo Công Thương)