Theo cảnh sát Nhật Bản, số người Việt bị bắt vì trộm cắp hàng siêu thị ngày càng tăng, chiếm 40% những vụ người nước ngoài trộm cắp. Riêng trong tháng 1-2014, tỉnh Fukuoka bắt giữ 5 nhóm trộm cắp người Việt.

Ngày 28-2, người phát ngôn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), ông Lê Trường Giang, đã chính thức lên tiếng về việc báo chí Nhật Bản đưa tin tiếp viên của hãng này bị nghi ngờ dính líu đường dây tiêu thụ hàng trộm cắp của người Việt Nam ở Nhật Bản. Ông Giang khẳng định đến nay, không có thành viên phi hành đoàn nào của VNA bị tạm giữ để điều tra trong vụ án mà báo chí Nhật Bản đưa tin. VNA cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu hợp tác điều tra chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản về vụ việc này.

Trước đó, nhật báo Sankei ngày 27-2 đưa tin một phụ nữ được cho là tiếp viên của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị tình nghi liên quan đến việc tiêu thụ hàng trộm cắp tại các siêu thị Nhật Bản.

{keywords}
Tiêu thụ hàng lậu, hàng trộm cắp... đang làm xấu hình ảnh tiếp viên hàng không Vietnam Airlines

Theo nhật báo Sankei, vụ việc được phát hiện vào ngày 26-2 khi cảnh sát Nhật Bản mở rộng điều tra vụ một nhóm 4 thanh niên người Việt Nam khoảng 20 tuổi trộm hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo vào tháng 12-2013.

Cảnh sát cho biết các đối tượng này khai phần lớn hàng hóa trộm cắp được chuyển đến cho một phụ nữ Việt Nam khoảng 30 tuổi. Hàng trộm cắp gồm sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, quần áo Uniqlo. Các đối tượng và người mua hàng không giao dịch trực tiếp, hàng được chuyển qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi phi hành đoàn ở, sau đó, người bán nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng. Khi cảnh sát phát hiện, hàng trộm cắp vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị bày bán.

Theo ông Lê Trường Giang, nếu sự việc có liên quan đến tiếp viên VNA, cảnh sát Nhật Bản có thể làm việc trực tiếp với văn phòng VNA ở Nhật Bản hoặc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam hay Interpol. Ví dụ năm 2009, cảnh sát Nhật Bản đã triệt phá một đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, sau đó có yêu cầu thẩm vấn một vài nhân viên phi hành đoàn của VNA bị tình nghi có liên quan. Ông Đặng Xuân Hợp, cơ phó Boeing 777, đã bị tạm giữ ngay khi vừa đáp xuống sân bay Narita, phía VNA phải cử phi công sang thay thế và đình chỉ công tác đối với ông Hợp để phục vụ điều tra. Tuy nhiên sau thời gian xét xử, ông Hợp được đặc cách điều tra và trả tự do. Một năm sau, ông Hợp được bay trở lại và không loại trừ nhận công tác trên các đường bay đến Nhật Bản.

Cũng theo ông Giang, mỗi ngày, VNA khai thác 6 chuyến bay khứ hồi đến 4 thành phố của Nhật Bản. Mỗi chuyến bay có 2 phi công và ít nhất 4 tiếp viên. Thành viên phi hành đoàn được phép đem theo 1 vali hành lý xách tay và 1 vali hành lý ký gửi không nặng quá 32 kg, làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa ưu tiên nội bộ nhưng vẫn phải thực hiện soi chiếu hải quan như đối với hành khách thông thường. Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên VNA yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ Luật Lao động.

(Theo NLĐ)