- Đại diện một doanh nghiệp ví von, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai rườm rà, "thiên la địa võng" không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng phải hoang mang.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, cụ thể là đất đai ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, là một rào cản lớn trong quá trình đầu tư, kinh doanh, mở rộng sản xuất.
Ông Tuấn lấy dẫn chứng, dữ liệu khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong hai năm qua tăng mạnh, trong đó năm 2012 là 52%, năm 2013 là 55%. Đây là trở ngại chính đối với doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Cụ thể thủ tục hành chính thuê, mua đất đai rất phức tạp, tiếp theo đó là vấn đề quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và thứ ba là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Ông Tuấn cho biết, khi tiến hành nghiên cứu đánh giá về thủ tục đất đai đầu tư xây dựng, có DN chia sẻ, ở nhiều địa phương, nhất là các TP lớn thì thực hiện xong vấn đề về đất đai từ khi xin chủ trương, GPMB, lập quy hoạch xong trong 3 năm là thành công lớn. Điều này cho thấy gánh nặng về thủ tục hành chính, chỉ một thủ tục liên quan đến đất đai nhưng nhà đầu tư phải đi nhiều cửa, rồi phải đốc thúc từng Sở, ngành một để được đồng ý trong một quy trình đáng ra chỉ một cửa.
Rắc rối thủ tục hành chính gây khó doanh nghiệp |
Nhà đầu tư không chỉ liên hệ với cơ quan cấp Sở, mà còn phải lên đến cơ quan cấp tỉnh, một số dự án còn liên quan đến cuộc họp tỉnh ủy, xuống cấp huyện xã, thôn xóm... cho thấy độ phức tạp, phối hợp liên ngành rất nhiều thủ tục.
“Nếu thủ tục đất đai không được cải thiện thì chỉ những nhà đầu tư chạy giỏi mới tiếp cận được nguồn lực tốt, còn nhà đầu tư nào không biết 'chạy' hoặc không muốn 'chạy' thì rất khó tiếp cận”, ông Tuấn nói.
Liên quan tới vấn đề rưởm rà trong thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, ông Nguyễn Quốc Hiệp, TGĐ của GP Invest búc xúc: “Thủ tục trong quá trình đầu tư làm chậm quá trình phát triển của doanh nghiệp, điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng cảm thấy như đi vào thiên la địa võng, không biết gỡ mối đó ở chỗ nào”.
Ông Hiệp lấy ví dụ việc xin cấp phép một dự án bất động sản. Để phát triển một dự án nhà đất, doanh nghiệp phải xin ý kiến định hướng của thành phố, tuy nhiên UBND TP không trực tiếp trả lời mà sẽ hỏi các ban ngành, sở. Sau khi có phản hồi, TP mới ra quyết định đầu tư chung. Thủ tục thứ hai, doanh nghiệp tới một cửa của Sở Kế hoạch - đầu tư xin chấp thuận đầu tư. Liên quan tới vấn đề này, sở KH-ĐT cũng không trực tiếp trả lời mà sẽ hỏi sang Sở quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên môi trường, Xây dựng, các sở khác và quận, tổng cộng cũng gần 6,7 cơ quan. Tiếp đó, ủy ban mới ra được giấy chấp nhận đầu tư do Sở KH-ĐT soạn thảo. Khoảng 40 ngày sau khi được chấp nhận đầu tư, Sở này sẽ cấp chứng nhận đầu tư, nhưng Sở này cũng sẽ hỏi lại 6 cơ quan trước đó, việc lặp đi lặp lại này cũng mất từ 1 đến 1,5 tháng.
Cơ chế một cửa chưa giải quyết hết được rắc rối về thủ tục hành chính |
Theo ông Hiệp, để được cấp phép triển khai một dự án, doanh nghiệp còn phải xin giấy cấp phép quy hoạch do Sở quy hoạch kiến trúc cấp, đối với các dự án lớn phải xin UBND, thường vụ thành ủy thông qua. Chưa hết, doanh nghiệp lại phải sang Sở Tài nguyên môi trường để thông qua thẩm định quy hoạch sử dụng đất để có quyết định giao đất, tất cả các thứ xong mới cấp phép xây dựng. Cơ bản các thủ tục đã xong nhưng doanh nghiệp sẽ phải làm việc với quận, phường sở tại để họp tổ dân phố, xin ý kiến về việc phát triển dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng,...
Ông Hiệp cho rằng, các thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực đất đai rất phức tạp, lòng vòng, và không thể chỉ một hai cơ quan có thể giải quyết được. Chưa kể tới, chính sách thuế sử dụng đất thay đổi liên tục, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của một doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó có đất đai đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là phía các doanh nghiệp nước ngoài.
Về phía cơ quan quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường, đại diện Bộ TN-MT cho biết, thời gian qua, bộ đã tập trung kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, chỉ đạo đôn đốc thường xuyên công tác thống kê, công bố công khai thủ tục hành chính, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, tích cực thực hiện đề án 896 và cơ chế hải quan một cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo vụ pháp chế, bộ TN-MT kiến nghị, cần bổ sung quy định về công khai các thủ tục hành chính, bổ sung hình thức thực hiện như đăng ký điện tử, tổ chức tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, đồng thời bãi bỏ một số trình tự thực hiện thủ tục hành chính không cần thiết, gộp chung các loại thủ tục hành chính cấp giáy chứng nhận đầu tư,... để giảm tải phiền phức cho doanh nghiệp.
D.Anh