- Tâm lý chung trên thị trường là nằm yên nghe ngóng nhưng nhìn chung, chứng khoán vẫn được coi là kênh đầu tư có tiềm năng, nhất là trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang thúc đẩy tái cấu trúc thị trường, tăng nguồn cung, tăng chất lượng hàng hóa và hỗ trợ phát triển các nhà đầu tư.
Thận trọng tìm kênh đầu tư
Nhấp nhổm hơn 2 tháng qua về đống tiền trị giá 50 chục cây vàng tích lũy trong hàng chục năm qua, ông Đỗ Văn Thành - một nhà đầu tư ở Thanh Xuân, Hà Nội không biết nên đầu tư mua thêm một căn hộ, đầu tư vào BĐS, tiếp tục nắm giữ vàng hay nằm chờ để đầu tư chứng khoán.
Hồi đầu năm nay, ông Thành đã dùng phần lớn số tiền đó đầu tư vào chứng khoán và thu lời được một khoản đáng kể, tương đương lãi suất gửi ngân hàng cả năm. Tuy nhiên, chứng khoán trầm lắng trở lại khá nhanh khiến ông lại quy đổi ra vàng và đồng tiền không thể tự sinh lời được.
Ông Thành cho biết, gần đây ông cũng định mua một căn hộ khi thấy có nhiều dự báo cho rằng thị trường ấm trở lại. Tuy nhiên, khảo sát thị trường ông thấy lượng cung căn hộ cao cấp rất nhiều, còn căn hộ giá thấp thì mức chênh ngất trời, có lẽ mua chỉ để ở, chứ đầu tư chắc không được.
Theo NĐT này, gửi tiền vào ngân hàng thời điểm này lãi cũng thấp và không tiện khi có cơ hội đầu tư hấp dẫn. Hiện ông vẫn có xu hướng nắm giữ vàng để chờ cơ hội để đầu tư chứng khoán.
Giống như ông Thành, rất nhiều NĐT khác cũng ở trong tình trạng có tiền nhưng vẫn lưỡng lự trong quyết định đầu tư do sản xuất kinh doanh vào thời điểm này chưa khởi sắc và hầu hết các kênh khác chưa thực sự hấp dẫn.
Rất nhiều NĐT ở trong tình trạng có tiền nhưng vẫn lưỡng lự trong quyết định đầu tư |
Mặc dù được đánh giá là kênh đầu tư còn hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại, nhưng diễn biến giao dịch trên TTCK trong cả tháng qua cho thấy, các NĐT không thực sự mặn mà vào thời điểm này.
Trong phiên giao dịch sáng 24/6, TTCK tiếp tục giao dịch ảm đạm với 80% các cổ phiếu trên cả 2 sàn đứng ở mức tham chiều. Thanh khoản ở mức thấp. Một điểm chung dễ nhận thấy trên diện rộng là tâm lý nghe ngóng các thông tin vĩ mô của nền kinh tế, của DN, của các thị trường vàng, USD và tình hình địa chính trị để đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu.
Với vàng, giá vàng tuần trước tăng khá mạnh, có lúc vượt lên trên ngưỡng 37 triệu đồng/lượng theo biến động giá thế giới và quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Tuy nhiên, trong vài phiên qua, giao dịch cũng không thoát khỏi cảnh trầm lắng, thậm chí giá vàng còn có xu hướng đi xuống ngược chiều với thế giới. Chênh lệch cũng được rút từ 3,5 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.
Cũng như TTCK, phần lớn các NĐT vàng đều án binh bất động, ít mua ít bán. Lượng giao dịch mua bán trong ngày ở một vài DN lớn tại Hà Nội chỉ đạt mức khiêm tốn vài trăm lượng, với tỷ lệ mua vào cao hơn bán ra. Xét về giá, trong vòng 1 năm qua, giá vàng giảm gần 10%.
Trên thị trường ngoại tệ, nhiều NH đang điều chỉnh giá USD giảm trở lại, giao dịch cũng èo uột. Chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,49% trong 6 tháng đầu năm. Thị trường BĐS diễn biến không mấy thuận lợi cho các DN khi mà lượng cung tăng mạnh, còn cầu ở mức khiêm tốn và chủ yếu tập trung vào nhóm nhà giá rẻ.
Dòng vốn hướng vào chứng khoán
Nhìn chung, diễn biến giao dịch ở các thị trường cho thấy, hầu hết các kênh đầu tư đều kém hấp dẫn trong mắt các NĐT. Tuy nhiên, TTCK dường như vẫn là một kênh được nhiều người quan tâm để tìm kiếm cơ hội nhất. Thị trường này, trên thực tế, vẫn đang là đích ngắm của dòng vốn ngoại.
Trong những phiên đầu tuần, khối ngoại vẫn đang tiếp tục mua ròng dù đã hết kỳ tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tính trong khoảng 1 tháng giao dịch gần đây, khối ngoại đã đổ ròng vào TTCK Việt Nam gần 2.000 tỷ đồng.
TTCK dường như vẫn là một kênh được nhiều người quan tâm để tìm kiếm cơ hội nhất. |
Không chỉ đổ vốn trên các sàn chứng khoán, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang rót vốn vào các DN Việt thông qua nhiều con đường, trong đó có trái phiếu chuyển đổi như thương vụ một quỹ Nhật đầu tư 195 tỷ đồng vào Fecon gần đây.
Đánh giá về TTCK, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam vẫn là đích ngắm của các NĐT ngoại, nhất là trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang thúc đẩy tái cấu trúc thị trường, tăng nguồn cung, tăng chất lượng hàng hóa và hỗ trợ phát triển các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chiều 24/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, kinh tế vĩ mô đang từng bước được ổn định, lạm phát được kiềm chế, và nền kinh tế đang được cấu trúc để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. TTCK đã có những bước phát triển vững chắc hơn, chuyên nghiệp hơn và là một kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Những khẳng định trên cho thấy cơ sở cho dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào lĩnh vực này, nhất là khi các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc TTCK, đẩy nhanh CPH cung hàng hóa tốt cho thị trường, phát triển các sản phẩm mới để nâng quy mô TTCK.
Trước đó, tại một diễn đàn đầu tư, NĐT "huyền thoại" Marc Faber cho rằng, đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm tiếp theo và đầu tư dài hạn tốt nhất trong năm nay là chứng khoán Việt Nam sau khi đã tăng 22% trong năm 2013.
Đại diện một quỹ đầu tư đánh giá dòng vốn quốc tế vào Việt Nam vẫn khả quan nhờ giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn, thấp hơn khoảng 30% so với nhiều thị trường khác trong khu vực trong khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tốt lên và đầu tư FDI tiếp tục phát triển ổn định. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đặt khá nhiều kỳ vọng vào những chính sách rộng mở hơn cho các NĐT nước ngoài như mở rộng tỷ lệ sở hữu, cho phép tham gia sâu hơn vào khối ngân hàng.
Mạnh Hà