- Giầy dép, ủng, quần áo rách, xác chuột, xác chó... vớt được hàng bao tải, bùn dưới đáy bể đen ngòm lội xuống ngập tới cả đầu gối. Nhưng ghê rợn nhất vẫn là cảnh bể nước sạch của khu tập thể được trộn cùng nước thải.

Mạch nước thải chảy vào bể nước

Trải qua 25 năm làm nghề thau rửa bể nước ở Hà Nội, ông Hồ Văn Tuất (tuổi năm nay đã ngót nghét 60, quê ở Sơn Dương, Tuyên Quang) coi chuyện bể ngầm chứa xác gián, chuột,... kể cả dòi bọ, là quá đỗi bình thường. Song, có những lần đi thau rửa bể nước cho khách mà đến giờ ông vẫn còn thấy ghê rợn bởi độ bẩn, mất vệ sinh của những bể nước ấy.

Ngồi trà đá với những người thợ làm cùng để chờ có khách gọi tại chợ lao động trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), ông Hồ Văn Tuất kể, cách đây gần 3 năm, khi đi thau rửa, vệ sinh bể nước ngầm cho một khu tập thể cũ ở quận Ba Đình, ông cảm thấy kinh hãi. Cái bể ngầm ở khu tập thể ấy chứa nước sinh hoạt cho mấy chục hộ dân, vậy mà vớt được đủ các loại rác rưởi từ ủng rách, quần áo, giầy dép... cho tới xác chuột, xác chó chết đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, dưới đáy bể còn có một lớp bùn đen dày, lội xuống ngập đến tận đầu gối.

“Vệ sinh, thau bể nước xong, chúng tôi lên gom được cả thảy một bao tải rác to đùng để chở đi vứt bỏ”, ông Tuất nói.

{keywords}

Nhiều người sống ở những khu tập thể cho biết, bể nước ngầm nhằng nhịt đường ống dẫn nước nên cả chục năm không được vệ sinh, thau rửa một lần

Song, ông Tuất nói rằng hình ảnh ghê rợn nhất mà ông gặp là đầu năm 2013, khi thau rửa xong một bể nước ngầm cho một khu tập thể cũ, lụp xụp ở phố cổ Hà Nội, ông cảm thấy khiếp sợ khi phát hiện thấy mạch nước thải ngấm, chảy róc rách vào trong bể ngầm chứa nước sạch sinh hoạt.

Ở cái khu tập thể này, có khoảng 20-30 hộ dân, nhà vệ sinh dùng chung (loại cổ gần giống với nhà vệ sinh ở quê) được xây cạnh sát bể chứa nước ngầm, luôn bốc mùi hôi thối.

“Hóa ra, nước trong bể phốt vẫn ngấm sang nước sạch bên bể ngầm. Và người dân trong khu tập thể này hàng ngày vẫn dùng nước sạch trong bể trộn chung với nước thải để tắm rửa, nấu cơm, đun nước uống mà không hề hay biết”, nói xong ông Tuất vẫn cảm thấy rùng mình.

Chẳng biết, nước thải ngấm vào bể nước khi nào nhưng may mà mấy chục nhà trong chung cư này đều dùng máy lọc nước lại tại nhà nên cũng loại bỏ được phần nào.

Chục năm không thau rửa một lần

Theo ông Tuất, bể nước của các nhà hàng, quán ăn, thậm chí nhà dân được thau rửa thường xuyên nước còn đen ngòm, gián, chuột chết đầy trong bể huống hồ bể nước ở khu tập thể theo kiểu “cha chung không ai khóc”, không ai quan tâm tới vấn đề vệ sinh, thau rửa để nước sạch hơn, với họ, không bị mất nước là tốt lắm rồi.

“Cũng chính vì lý do đó nên cả chục năm các khu tập thể mới thau rửa bể ngầm một lần. Hậu quả, nước sạch bẩn như nước cống, gián, chuột, rác rưởi mới nđầy bể”, ông Tuất nói.

{keywords}

Bùn trong bể nước ngầm lội ngập đến đầu gối, rác vớt lên cả bao tải... thậm chí, nước sạch trong bể còn được trộn với nước thải là cảnh thường thấy trong những khu tập thể ở Hà Nội

Chị Trương Thị Hằng (Phương Mai, Đống Đa) chia sẻ, gần chục năm về sống tại khu tập thể mà chị đang ở nhưng chưa một lần nào chị thấy cái bể nước ngầm chứa nước sinh hoạt cho toàn bộ các hộ dân ở đây được thau rửa, vệ sinh.

Chị Hằng cho hay nước sạch ở đây được bơm vào bể ngầm, sau đó các hộ gia đình dùng máy bơm riêng đưa lên bồn nước của từng nhà. Do vậy, hàng chục đường ống nước dẫn nước được cắm vào miệng bể luôn để mở. Gió bụi, rác rưởi thi nhau rơi vào, lúc nào có người đi ngang qua thấy cái túi nilon hay cái áo vướng vào còn nhặt được, nếu không chúng rơi xuống cũng chẳng ai biết.

“Đấy là những thứ nhìn thấy, còn chuột chạy qua rơi xuống chết thối dưới đáy hay có cả ổ gián sống trong bể thì chẳng ai biết được, bởi miệng bể nhằng nhịt đầy đường ống nước và cũng chẳng ai xuống kiểm tra bao giờ”, chị cho hay.

Chị Hằng còn bảo, nhiều khi chợt nghĩ nhỡ có con chuột nào chạy qua không may rơi xuống và chết, rồi lâu ngày xác chuột bị phân hủy, thối rữa trong bể, dòi bọ bu đầy mà mình không biết vẫn cứ thản nhiên ăn, uống nước đó cũng thấy hơi hãi.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Trung ở một khu tập thể trên đường Trần Cung (Cầu Giấy) cũng cho hay, hai vợ chồng anh cưới nhau và bắt đầu dọn về ở khu tập thể này đến nay đứa con đầu của anh đã học lớp 11 nhưng chưa một lần anh thấy bể nước ngầm được vệ sinh.

“Cha chung không ai khóc”, mọi người chỉ biết bơm nước từ bể lên dùng chứ chẳng ai để ý xem trong bể nước bẩn hay sạch. Chỉ khi nào hỏng máy bơm, mọi người mới mò xuống khu vực có bể nước ngầm để xem”, anh tâm sự.

Bảo Hân