Ở Mỹ, đi máy bay, tỉ lệ tai nạn còn thấp hơn...đi bộ trên đường phố. Xét về xác xuất, một người có thể bay an toàn suốt 123.000 năm, nếu ngày nào cũng bay.
Liên tiếp các vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra trong thời gian qua đã khiến cho dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, từng là Trưởng ban Kế hoạch Thị trường tại Vietnam Airlines, nguyên tổng giám đốc Hãng bay giá rẻ Jetstar, Nguyên GĐ điều hành Air Mekong tỏ rõ nỗi buồn và trăn trở trước những nỗi đau này.
"Quả thực từ đầu năm 2014 đến nay trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không thảm khốc, làm những người làm hàng không như tôi rất buồn và trăn trở.
Từ đầu năm đến nay trên toàn thế giới xảy ra 6 vụ tai nạn máy bay thương mại, trong đó, Nepal Airlines 183 (chết 18 người), Malaysia Airlines 370 (mất tích 239 người, chưa tìm được), Malaysian Airlines 17 (chết 298 người), Skyward Aviation (máy bay chở hàng, chết 4 người tổ bay), TransAsia Airways (chết 48 người, bị thương 10 người), Air Algerie 5017 (chết 116 người).
Năm ngoái, số vụ tai nạn máy bay vận tải thương mại trên toàn thế giới là 11 vụ, nhưng không gây sốc như trong năm nay. Lý do là các vụ tai nạn máy bay năm nay có tính thảm khốc, với số người chết trong mỗi vụ lớn, đồng thời hai vụ tai nạn máy bay của Malaysia Airlines xảy ra cách nhau không lâu, có nhiều tình tiết bí hiểm, chưa làm rõ được.
Đó là những lý do tại sao an toàn hàng không năm nay gây nhiều mối quan tâm, quan ngại đối với cả các chính phủ, người dân trên toàn thế giới", TS Nam cho hay.
TS Lương Hoài Nam. |
Lý giải về một phần nguyên nhân dẫn đến những tai nạn trong lĩnh vực vận tải hàng không đang ngày càng xảy ra nhiều và thảm khốc trong thời gian qua, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh: "Như tôi đã nói ở trên, về số lượng vụ tai nạn máy bay trên thế giới thì năm nay chưa hẳn nhiều hơn so với các năm trước, nhưng xảy ra dồn dập và có tính thảm khốc cao hơn nhiều.
Điều mà tôi cảm thấy trong các vụ tai nạn máy nay này là yếu tố con người và sự liên đới của con người đến mỗi vụ tai nạn.
Hai vụ tai nạn rất thảm khốc của Malaysia Airlines có dáng dấp của tác động chủ ý (mặc dù chưa có kết luận là của ai, vì mục đích gì).
Còn hai vụ tai nạn của TransAsia Airways và Air Algerie có điểm chung là máy bay đã bay trong thời tiết có bão mạnh; tôi chưa hiểu tại sao các hãng hàng không này quyết định bay thay vì huỷ chuyến bay?".
Cũng theo TS Lương Hoài Nam, dù liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhưng xét về tổng thể thì đây vẫn là phương tiện được đánh giá là đi lại an toàn nhất. Ông đã đưa ra những con số ít ai ngờ về độ an toàn của hàng không và tai nạn máy bay.
"Không nghi ngờ gì, hàng không vẫn luôn là phương tiện giao thông an toàn nhất trong số các phương tiện mà trí tuệ con người sáng tạo ra. Do không có số liệu thống kê toàn cầu, tôi xin phép dùng các số liệu an toàn giao thông gần đây nhất của Mỹ. Tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100.000.000 khách-dặm của các loại giao thông Mỹ như sau: hàng không thường lệ: 0,003; xe buýt đô thị và đường dài: 0,05; đường sắt: 0,06; ô-tô (trừ xe buýt): 0,61. Ở Mỹ, đi máy bay có tỷ lệ tai nạn còn thấp hơn so với... đi bộ trên đường phố.
Năm 2011, tổng số hành khách chết vì tai nạn hàng không thường lệ trên toàn thế giới là 373 người trên 2.840.000.000 lượt hành khách, với tỷ lệ 1/7.600.000. Cứ 7,6 triệu người đi máy bay thì 01 người bị chết vì tai nạn. Một phân tích thống kê khác cho thấy xác suất một người bị chết trong một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, xét về xác suất thì một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn. Tuy nhiên, có những thứ có xác suất gần bằng 0 vẫn xảy ra với ai đó; bản chất của xác suất, hay số phận, là vậy.
Máy bay là phương tiện đi lại an toàn nhất, nhưng không tuyệt đối 100% an toàn. Chẳng có gì là tuyệt đối trong thế giới con người cả", TS Nam bày tỏ.
Cho biết thêm về các quy định, quy chuẩn liên quan đến an toàn bay, TS Lương Hoài Nam khẳng định, Việt Nam là quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn an toàn, an ninh hàng không tương thích với các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ.
"Vấn đề chỉ là làm sao để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định đó được tuân thủ mọi lúc, mọi nơi. Đội máy bay hiện nay của các hãng hàng không Việt Nam hiện đại và mới hơn so với rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (do mới chuyển đổi từ các loại máy bay Liên-xô sang máy bay Mỹ và châu Âu trong những năm 90). Nếu chúng ta làm tốt các yếu tố thuộc về con người, đảm bảo kỹ năng và tính tuân thủ thì có thể yên tâm.
Còn đối với thế giới, tôi nghĩ là với các vụ việc vừa rồi, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và chính phủ các nước nên siết chặt hơn các quy định không lưu để hạn chế hoạt động bay dân dụng qua các khu vực đang có xung đột quân sự (như Ucraine, một số nơi ở Trung Đông, châu Phi). Nơi nào mặt đất, mặt biển không bình yên thì bầu trời cũng không bình yên", TS Nam nói.
TS Nam cũng đưa ra lời khuyên, đối với khách hàng đi máy bay, điều có thể làm và nên làm nên cần phải nâng cao hiểu biết về các quy định an toàn, an ninh hàng không...
"Tôi nghĩ việc người dân nước ta quan tâm và lo lắng về an toàn, an ninh hàng không là rất tốt, nhưng không nên mất tin tưởng vào hàng không, không nên sợ đi máy bay. Nếu đã cần đi hay muốn đi và có lựa chọn máy bay, không có lựa chọn giao thông nào an toàn hơn cả. Chúng ta vẫn cần duy trì cuộc sống, công việc bình thường, chẳng lẽ chỉ ngồi trong nhà?
Điều mà hàng khách có thể làm và nên làm là nâng cao hiểu biết của mình về các quy định an toàn, an ninh hàng không, thực hiện thật tốt các trách nhiệm của bản thân khi đi lại bằng máy bay, vì lợi ích của mình và của nhiều người khác. Đừng bao giờ chỉ trích và gây áp lực với các hãng hàng không trong các tình huống liên quan đến an toàn, an ninh hàng không.
Khi thời tiết xấu hay khi máy bay bị hỏng, làm chuyến bay bị chậm, thậm chí bị huỷ, hãy hiểu là hãng hàng không đã và đang làm tốt trách nhiệm đối với hành khách. Không có gì cao hơn tính mạng con người. Không bao giờ "đánh bạc", "cá cược", trông chờ vào may rủi trong hàng không", TS Nam nhấn mạnh thêm.
Theo Trí Thức Trẻ