Thánh địa Mẫu Sơn có một loài ếch được mệnh danh là “ếch đại gia”. Thịt loài ếch này được coi là “thần dược”. Những điều kỳ bí về loài ếch đại gia đã gây nên “cơn sốt” trong giới thợ săn.

Loài “ếch đại gia” thống trị vùng đất Thánh

Người dân tộc Dao đỏ Khuổng Tẳng (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) sống ở thẳm sâu nơi đại ngàn thâm u và ẩm ướt, vẫn luôn tự hào về một loài vật tồn tại ở đây từ hàng ngàn năm. Chúng thống trị bằng sức mạnh của âm thanh và mùi hương “quyến rũ”. Đó là loài “ếch vương” hay còn gọi bằng tên gọi khác là “ếch đại gia”, ếch hương Mẫu Sơn”; “ếch công nương”…

Ếch đại gia có dáng vẻ bệ vệ oai phong hơn, to con hơn, dáng đậm hơn và rắn chắc gấp bội ếch thường. Cơ thể loài ếch này tỏa ra một mùi hương đặc trưng và rất lạ. Các cụ già trong bản nói rằng: “Thực khách khi ăn một miếng thịt ếch này giống như cảm giác da thịt của một công nương cổ xưa. Nồng nàn và dịu, hương vị ngây ngất, rất dễ khiến con người ta say đắm, đã có một lần rồi thì sẽ muốn có thêm nhiều lần nữa…”

Ếch đại gia Mẫu Sơn được người dân tộc Dao đỏ đặt tên là Tồng Keng (theo tiếng người Dao đỏ tức là ếch lớn- PV). Chúng thường sinh sống trong các hang đá ở cao nguyên núi cao, nơi có nhiệt độ thấp, thức ăn thường là cào cào, châu chấu, sâu bọ và thậm chí cả rắn và loài “rết chúa”- loại rết to bằng ngón tay cái hoặc ngón chân cái, có chiều dài từ khoảng 20 đến gần 30cm…

{keywords}

Loài ếch đại gia thống trị vùng đất thánh

Ếch đại gia mang màu da đậm nâu của đá pha lẫn với mầu của cánh gián. Con đực có gai ở cổ dưới. Nhiều người cho rằng, đấy là vương miện bị đeo lệch từ trên đầu xuống dưới của loài ếch này. Ếch đại gia có khả năng nhảy xa, có thể nhảy chuyền xuống 30m để kiếm ăn hoặc né tránh kẻ thù, mà không hề hấn gì vì có một hệ thống cơ xương chắc chắn và sức đàn hồi cao. Sau đó muốn nhảy lên vị trí cũ, chúng lại nhảy 2 - 3 nhịp.

Ếch đại gia còn được biết đến như “con mắt thần”, giúp dự báo thời tiết cho người dân tộc bản địa. Với sự nhạy cảm của mình, ếch đại gia dự báo thời tiết cực kỳ chuẩn xác qua cách thể hiện màu sắc trên cơ thể của chúng. Hôm nào trời nắng ráo, đùi của chúng chuyển nhanh thành màu đỏ. Ngược lại, hôm nào đùi ếch chuyển sang màu đen là bầu trời xám xịt, mưa giông kéo về. Với những người chuyên đi rừng, việc chịu khó quan sát những biểu hiện kỳ lạ của loài ếch này trở thành một trong những kinh nghiệm không thể thiếu.

{keywords}

Những cuộc đi “săn” thường kéo dài nhiều ngày, nhưng đồ nghề lại rất đơn giản.

Không chỉ có giá trị trên bàn nhậu, hay làm thuốc, ếch đại gia còn là người bạn đồng hành quý báu của những người đi rừng. Vào rừng mà nhìn thấy ếch hương bỗng nhiên đột ngột chuyển thành màu đen thì người ta phải nhanh chóng mà quay về, bởi sẽ cũng mưa to nước lớn, có thể xảy ra lũ quét.

Cụ ông Chiều Sáng Sình (80 tuổi, bản Khuổng Tẳng) gắn cả cuộc đời ở thánh địa Mẫu Sơn, cũng là người có hơn 60 năm đi săn ếch đại gia. Cụ cho kể rằng, trước đây, loài ếch này rất nhiều ở đây. Do thời tiết biến đổi và bị con người săn bắt nhiều nên số ếch ngày càng ít dần. Càng ngày, ếchđại gia càng hiếm.

“Quý phẩm” bào chế biệt dược phòng the

Một trong những công năng khiến cho ếch đại gia bị săn lùng như một báu vật của núi rừng, là do có thông tin về việc loài ếch này có chức năng kết hợp cùng một số loại thảo dược bào chế thuốc chữa bệnh vô sinh và yếu sinh lý ở đàn ông.

Là loại ếch có nhiều dưỡng chất đặc biệt, được sử dụng kết hợp với món thảo dược được tìm kiếm từ nhiều loại cây rừng trong núi sâu, tạo nên bài thuốc đặc trị chứng yếu sinh lý của người đàn ông, kích thích hoóc môn sinh dục và tăng cường năng lượng, tăng sức dẻo dai của nam nhi trong quan hệ phòng the.

Ếch đại gia được chế biến thành 4 món cổ truyền: món chiên- chiên toàn bộ; ếch tần- lọc bỏ những phần xương cứng bỏ, còn phần xương mềm hơn sẽ được dần cho mềm và cho vào tần dừ cả xương cả thịt, sau đó cho canh chua, lá cây vào nồi giữ cho đều lửa, kho cho đến khi khô nước; nấu cháo ếch; chả lá lốt- băm nhỏ phần đầu và phần xương chi trước, chi sau của ếch sau đó trộn lẫn với gia vị và dùng lá lốt cuốn chả rồi cho vào rán…

Thịt ếch có màu trắng thơm, bùi, thịt có vị ngọt nhẹ và mùi thơm hơn thịt gà, da ếch giòn, thịt dai… đập dập xương sống, lưng, để lại phần “tù và” (đó là phần cái dạ dày của con ếch- Theo nghĩa của người Dân tộc Dao đỏ ở đây- PV), thường thì đó là những cái dạ dày to bằng ngón tay cái hoặc ngón chân cái, tùy theo kích cỡ của từng con ếch.

Ông Đặng Tăng Phúc (72 tuổi, người bản Khuổng Tẳng) là một trong số già làng và cũng là người có tiếng nói với người dân tộc bản địa không chỉ bằng cách làm kinh tế giỏi mà còn là người có biệt tài săn ếch đại gia Mẫu Sơn, với đến hơn 60 năm làm nghề săn và mua đi bán lại món đặc sản quý hiếm của núi rừng này. Ông có thể sử dụng ếch làm thuốc bằng món ếch tần, cháo ếch để tăng cường sinh lực, kéo dài “trận chiến” và ham muốn của đàn ông ở chốn phòng the- điều mà nhiều người đàn ông hiện đại đang phải săn lùng để có khả năng phục vụ người phụ nữ của mình một cách tốt nhất.

{keywords}

Ông Phúc cho biết loài ếch quý này còn có tên gọi khác là ếch thường vì khi đụng vào bụng, 2 chi trước sẽ ôm chặt lại.

Ông Phúc cho biết, trước đây loài ếch này nhiều, người trong bản vẫn thường được ăn. Họ hay chế biến món cháo, món tần. Nhiều người ở nơi khác đến hỏi vì sao người Dân tộc Dao đỏ ở đây đông con. Đơn giản vì người ở đây biết cách sử dụng sản vật của rừng xanh để bào chế thuốc. Nhà nào cũng có con đàn cháu đống.

Vào những ngày cuối xuân, đầu hè, ếch đại gia thường ra ăn và tìm kiếm bạn tình phối ngẫu, sau đó đẻ trong vũng nước trong. Mùa sinh đẻ và tìm kiếm bạn tình của ếch đại gia cả vùng núi rừng Mẫu Sơn râm ran tiếng kêu như một lễ hội của trống, nếu là người lạ thì sẽ rất khó ngủ, nhưng một khi đã quen như chúng tôi rồi thì sẽ thấy thiếu một thứ gì đó để có một giấc ngủ say.

{keywords}

Thành quả của một chuyến đi “săn” nhiều ngày.

“Thợ săn” ếch cũng theo đó mà vào rừng thu hoạch trong những ngày này. Tuy nhiên bây giờ, hầu như mùa nào người ta cũng vào rừng tìm kiếm cả, vì đây là món hàng không bao giờ ế.

Tuổi thọ của một con ếch rất dài. Ông Phúc khẳng định: “Đã hơn 70 tuổi nhưng tôi chưa bao giờ tận mắt thấy con ếch hương Mẫu Sơn nào chết. Nếu có, chỉ là vào mùa lũ hoặc bị ai đó đánh đập khiến mà chết thôi…”

Ông Triệu Chòi Hình (Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Xã Mẫu Sơn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 320ha và chỉ có khoảng trên 80ha ruộng cấy được lúa, trong đó diện tích đất hai vụ cũng chỉ chiếm khoảng 20ha. Hầu hết diện tích ruộng lúa của bà con nơi đây đều là ruộng bậc thang, nằm men theo những sườn núi của dãy Mẫu Sơn, địa hình chia cắt bởi núi cao và khe dọc, sản xuất nông nghiệp của huyện hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Thôn Khuổng Tẳng, xã Mẫu Sơn có 30 hộ là dân tộc Dao Đỏ, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề đi rừng và tham gia hoạt động dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn, vì thường ở trên độ cao 1.000 mét, không khí lạnh nên cây cối và các loài động vật rất khó có thể để thích nghi, nên cuộc sống người dân ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

(Theo Khám phá)