“Đạn đã lên nòng” nhưng Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ quyết định hoãn để chờ diễn biến ngừng bắn ở Ukraine, chờ những nỗ lực từ các bên mà mấu chốt là Tổng thống Putin.
EU sẵn sàng xem xét lại
Hãng tin Bloomberg cho biết, ngày 8/9, Liên minh châu Âu (EU) đã bất ngờ trì hoãn thi hành gói trừng phạt thứ hai nhắm vào Nga mà 28 quốc gia của tổ chức này đã đồng ý về mặt nguyên tắc.
Theo dự kiến ban đầu, dự thảo sẽ được công bố ngày 9/9 và có hiệu lực ngay ngày thứ Ba, trong đó đòn trừng phạt chủ yếu nhắm vào các tập đoàn dầu khí Nga như Rosneft và Transneft, một số công ty quốc phòng - các công ty đang kêu gọi vốn tại EU; thêm 24 quan chức, doanh nhân Nga bị đưa vào danh sách cấm thị thực tới châu Âu và đóng băng tài sản.
Lý do hoãn thi hành, theo hãng tin Reuters, là để xem xét tương lai của lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal (WSJ) tiết lộ, trong một cuộc họp báo tại Helsinki ngay sau đó, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để áp dụng ngay lệnh trừng phạt.
Các nhà ngoại giao EU đã đàm phán hết đêm thứ Hai về thời điểm thích hợp để thi hành các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Nga. |
Trong thông cáo của EU, ông Herman Van Rompuy cho biết, các lệnh trừng phạt có thể có hiệu lực trong “vài ngày tới”, nhưng cũng để ngỏ khả năng “sẵn sàng xem xét lại toàn bộ hoặc một phần các lệnh trừng phạt” - hãng tin Nga RT viết.
Một số quan chức ngoại giao trước đó tiết lộ với Reuters rằng, các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ nếu lệnh ngừng bắn giữa chính phủ Ukriane và lực lượng ly khai được giữ vững.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi tại khu vực miền Đông Ukraine, EU đã theo chân Mỹ áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt có giới hạn lên các DN quốc phòng, năng lượng, ngân hàng và một số quan chức, doanh nhân Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau đó, cũng đã áp một loạt các biện pháp trả đũa, trong đó có cấm các mặt hàng thực phẩm và nông sản của châu Âu và Mỹ vào quốc gia này, mà thiệt hại ước tính lên các bên là hàng trăm tỷ USD.
Đòn trừng phạt lần này, hay còn gọi là gói 2, bao gồm các biện pháp như gói 1 (ngày 31/7) nhưng mạnh hơn. Tuy nhiên, EU có hay không và khi nào áp dụng lệnh trừng phạt vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến trên “chiến trường Đông Ukraine”. Mặc dù vậy, động thái “lên đạn” và hô hào “sẽ bắn” được xem như chừa ra lối thoát để các bên tránh đẩy nhau vào thế khó.
EU giơ cao, Putin hãm đòn
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 8/9 cho rằng, mặc dù vẫn còn tiếng súng vào cuối tuần trước, nhưng “về tổng thể lệnh ngừng bắn (từ ngày 5/9) đã được thực thi”.
Hãng tin Nga RT trích dẫn lời một quan chức ngoại giao EU cho biết, “một lệnh ngừng bắn phải được thực thi để các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ”.
Có thể thấy, thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 5/9 là mong manh bởi lực lượng tham chiến ở cả hai phía khá phức tạp. Tuy nhiên, những tín hiệu phát đi trong vài ngày qua cho thấy, các bên đang rất nỗ lực để tránh một sự đối đầu căng thẳng hơn nữa ít nhất là về mặt kinh tế giữa Nga và EU.
Chính các thành viên EU, từ Đức cho đến Anh và Pháp, trong nhiều tháng qua cũng tỏ thái độ lưỡng lự về việc trừng phạt Nga. Mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp, tài chính và kinh tế quốc phòng, đặc biệt là dầu khí, đã khiến các lệnh trừng phạt đưa ra trước đó đều được cân nhắc cẩn trọng.
Một số nguồn tin cho thấy, nhiều thành viên EU ở Đông Âu lo ngại nếu lần này EU mạnh tay với Nga sẽ dẫn tới việc Moscow trả đũa và họ sẽ là những người thiệt hại đầu tiên và nặng nề bởi sự gần gũi về địa lý với Nga, sự phụ thuộc vào dầu khí và thương mại.
Hơn một tuần qua, lãnh đạo một số nước lớn ở châu Âu đã bày tỏ sự đồng thuận về mặt nguyên tắc một vòng trừng phạt kinh tế mới lên Nga và chấp nhận tác dụng tiêu cực từ các biện pháp đó. Thủ tướng Đức ra tín hiệu sẵn sàng chấp nhận tác dụng phụ của việc trừng phạt, còn Pháp hoãn giao tàu tấn công trị giá hàng tỷ USD cho Nga...
Mục tiêu của EU nói riêng và phương Tây nói chung là buộc Nga phải thay đổi chính sách trong khu vực với cáo buộc Nga đã hỗ trợ lực lượng ly khai tại Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế, các nước đều rất thận trọng đối với con dao hai lưỡi này và các biện pháp đưa ra cũng được xem xét kỹ lưỡng. Trong cả hai vòng trừng phạt, công ty khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom của Nga không hề bị nêu ra trong danh sách cấm vận.
Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb thậm chí còn cho biết, ông “cực kỳ quan ngại” về khả năng Nga sẽ trừng phạt trả đũa nếu gói cấm vận mới này được EU thông qua. Tổng Thư ký NATO, tướng Andders Fogh Rasmussen, cũng cho rằng, không muốn xung đột với Nga và một giải pháp chính trị vẫn là cách tốt nhất.
Có lẽ không ít các quốc gia EU sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo sự ổn định trong khu vực, bảo vệ lợi ích kinh tế liên quan tới Nga. Lời đe dọa cấm các hãng hàng không phương Tây bay ngang không phận Nga sang châu Á của Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev hôm 8/9, hay những phát biểu của ông Putin liên quan tới vũ khí hạt nhân và một mùa đông lạnh giá cho châu Âu... là những gì mà EU luôn thấu hiểu.
Trong khi đó, với ông Putin, có lẽ thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine cũng là một bước tiến thành công nữa trên bàn cờ mà ông làm chủ cuộc chơi nhiều tháng qua. Hôm 3/9, ông Putin Putin đã công bố kế hoạch gồm 7 điểm, trong đó có việc chấm dứt giao tranh giữa quân đội Ukraine và phe ly khai, mở đường cho các quan sát viên quốc tế giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn, trao đổi tù binh vô điều kiện và lập vùng đệm cho công tác cứu trợ nhân đạo.
Thỏa thuận ngừng bắn nếu thành công sẽ là cơ sở để EU không phải áp toàn bộ các lệnh trừng phạt không mong muốn lên Nga. Nó cũng tạo ra một một vùng đệm ở đông Ukraine giúp Nga giữ khoảng cách với NATO.
Văn Minh