- Dường như những biện pháp trừng phạt vừa qua chưa làm nước Nga suy chuyển. Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tự tin tung hoành nên EU và Mỹ đang tính sẽ phải tung đòn mạnh hơn, hủy diệt hơn.

EU, Mỹ loay hoay

Ngày 3/9, dưới sự chỉ trích dữ dội của đồng minh - trong đó có Anh và Mỹ - Pháp đã quyết định hoãn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga và cân nhắc phá vỡ hợp đồng có trị giá khoảng 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD).

Đây được coi là phản đòn mới nhất của các nước EU nhắm vào Nga trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai hàng loạt biện pháp và có những lời tuyên bố mạnh mẽ trong thế trận Nga - phương Tây liên quan chặt chẽ tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Sau thảm kịch máy bay MH17 của Malaysia và trước sức ép của Hà Lan, các nước EU đã nhất trí cao độ trong việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga từ cuối tháng 7, tập trung vào một số ngân hàng, tập đoàn và một số quan chức thân cận của ông Putin. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế có lẽ đã khiến Pháp khi đó vượt qua sự phản đối từ Mỹ và Anh. Nước này tiếp tục theo đuổi thương vụ bán 2 tàu tấn công chở trực thăng cho Nga.

{keywords}

Đây là một nỗ lực của Pháp, bởi việc hủy hợp đồng tác động tiêu cực tới Paris nhiều hơn là Moscow. Kế hoạch ban đầu, Pháp sẽ giao cho Nga chiếc đầu tiên vào tháng 10 và chiếc thứ hai vào năm 2015.

Trước đó, ngày 2/9, đáp trả khả năng Ukraine có thể rơi sâu hơn vào thế yếu khi mùa đông giá lạnh sắp tới gần, Slovakia tuyên bố bắt đầu mở đường ống khí đốt từ các nước trong EU thông qua lãnh thổ nước này vào Ukraine, để đáp ứng khoảng 20% nhu cầu năng lượng của Ukraine.

Đây cũng được coi là một bước tiến mới bởi trước đó, hồi cuối tháng 8, Slovakia đã thẳng thừng bác bỏ các khả năng tham gia trừng phạt gia tăng mà EU chuẩn bị áp đặt vào Nga.

Tuy nhiên, thực tế là, sự hỗ trợ của EU thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng của Ukraine và có phần khá gượng gạo. Chính Slovakia trước đó khẳng định nước này đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Việc mở đường khí sang hỗ trợ cho Ukraine có lẽ chỉ là nhất thời trong bối cảnh mùa đông đang tới, và người dân Ukraine không thể ngồi chờ chết vì rét.

Một thế lực quan trọng của EU là Đức, trong khi đó, vẫn phản ứng khá thận trọng. Sau khi Kiev bị lực lượng ly khai áp đảo vài ngày qua, động thái đáng chú ý của Đức là chuyển một lô hàng viện trợ quân sự với thiết bị sinh tồn, đồ bảo hộ và thuốc men sang Ukraine. Mỹ cũng chỉ triển khai được một số biện pháp trừng phạt kinh tế có giới hạn. Về lĩnh vực quân sự, đó là những hối thúc liên tục của Tổng thống Obama đối với NATO về trách nhiệm củng cố quân đội cho Ukraine.

Nỗ lực trừng phạt lên cao

Những diễn biến mới cho thấy, các nước châu Âu đã cam kết sẽ có một vòng trừng phạt kinh tế nữa lên Nga, với cáo buộc đã hỗ trợ lực lượng ly khai tại Ukraine.

Theo Bloomberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tuần này đã phát tín hiệu cho biết Đức sẵn sàng chấp nhận tác dụng phụ từ các đòn trừng phạt. Động thái này giúp EU “ra đòn” mạnh hơn lên ngành tài chính và công nghệ Nga.

{keywords}

Theo kế hoạch, vài ngày tới, Tổng thống Vladimir Putin có thể phải đối mặt với hàng loạt lệnh cấm tăng cường về vay nợ và khả năng tiếp cận công nghệ từ châu Âu theo cơ chế tốc hành sau khi nhận đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC).

Trước đó, hồi cuối tháng 7, EU đã cấm 5 ngân hàng Nga bán cổ phiếu hoặc trái phiếu tại châu Âu, hạn chế xuất khẩu thiết bị tiên tiến ngành dầu mỏ vào nước này, cấm các hợp đồng bán mới vũ khí cho Nga, đồng thời cấm xuất khẩu thiết bị điện tử dân sự dùng được trong cả quân sự vào Nga.

Đề xuất về vòng trừng phạt mới, theo Bloomberg, EU lần này sẽ mở rộng lệnh cấm sang trái phiếu chính phủ Nga, cổ phiếu và trái phiếu các công ty tư nhân và các khoản vay hợp vốn.

Có thể thấy, nếu được áp dụng, những biện pháp đang cân nhắc nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Nga, có thể khiến chính quyền của Tổng thống Putin điêu đứng.

Trước đó, một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng quốc doanh VTB và Rosselkhozbank, đã phải cầu viện số tiền cứu trợ lên tới 6,6 tỷ USD từ chính phủ Nga để bổ sung vào nguồn vốn thiếu hụt, một phần do bị cấm huy động dài hạn tại Mỹ và châu Âu.

Tờ Libération trước đó cho rằng, nếu Nga tiếp tục theo đuổi các biện pháp cứng rắn, trong đó có các biện pháp trả đũa đối với Mỹ và EU, thì nước này có thể cạn tiền từ nay đến 2018 và về lâu dài sẽ thảm bại hơn nhiều so với phương Tây.

Theo phân tích của các chuyên gia, Nga hiện đang nắm giữ quân bài chiến lược là dầu khí nhưng ông Putin sẽ không dám ngưng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây do đây là nguồn thu nhập chính của Nga.

Tuy nhiên, hàng loạt các biện pháp Nga trả đũa phương Tây trong đó có cấm nhập khẩu thực phẩm, rau quả từ Mỹ và châu Âu từ đầu tháng 8 đã gây ra những khó khăn và tranh cãi khá lớn ở một số nước EU. Về phần mình, người dân Nga dường như đang gồng mình ủng hộ các chính sách của ông Putin.

Những diễn biến gần đây với việc ông Putin liên tục leo thang, tung hứng trong hành động, lời phát biểu liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine cho thấy, ông chủ điện Kremlin không hề e ngại những phản ứng yếu ớt của Mỹ.

Những nỗ lực hợp tác với Trung Quốc và Mông Cổ về dầu khí, giao thông... phần nào cho thấy ông Putin có sự phòng xa trước những nguy cơ mà Libération đề cập. Ngoài ra, một thực tế là, không chỉ nắm trong tay quân bài chiến lược dầu khí, vốn đang là một chiếc thòng lọng quanh cổ một số nước châu Âu, Nga còn nắm giữ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin gần đây không ngần ngại phát biểu công khai về sức mạnh mà ai cũng lo ngại này.

Văn Minh