Chúng tôi tìm về xã Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và phát hiện những bí mật kinh hãi ở nơi từng là khu trung chuyển, tái chế bì, nội tạng lợn lớn nhất miền Bắc.

Đột nhập nơi “ai vào cũng phải nôn”

Xã Tam Đa từng là kho tái chế bì lợn, nội tạng lợn lớn nhất miền Bắc. Hầu hết bì lợn, nội tạng lợn ở khắp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định đều được tuồn về đây để tái chế trước khi chuyển sang Trung Quốc hoặc vào các làng nghề làm bóng bì, nem chua và tuồn ra thị trường...

Những năm gần đây, do mức độ ô nhiễm quá nghiêm trọng nên nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phải đóng cửa. Bây giờ, ở Tam Đa chỉ còn lại hai lò sản xuất lớn nhất, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cùng đóng ở thôn Thọ Đức. Một cơ sở chuyên chế biến nội tạng lợn, một cơ sở tái chế da lợn làm nem và bóng bì.

{keywords}

Sản xuất nội tạng lợn cực bẩn trong cơ sở Đông Loan.

Chỉ cần đứng từ đê sông Cầu đoạn chạy ngang thôn Thọ Đức đã có thể nhận ra cơ sở sản xuất nội tạng lợn Đông Loan. Đó là nhờ vào mùi hôi thối, tanh tưởi, nguồn nước thải vô cùng bẩn thỉu và tiếng chạy lò hơi hoạt động 24/24. Được biết, lò sản xuất nội tạng lợn này đã có giấy phép kinh doanh, hoạt động theo hình thức một DN thu nhỏ nhưng không thể tìm thấy biển báo cty ở đâu.

Trong vai những người tìm đầu mối nhập lòng lợn, chúng tôi tiếp cận “lò luyện” nội tạng lợn lớn nhất huyện Yên Phong này. Bốn bờ tường bịt kín cao quá đầu người cửa đóng im ỉm, đàn chó canh cửa hàng chục con rất hung dữ. Chỉ mới đến cổng vào thôi mà cả tôi lẫn anh bạn đồng nghiệp đều không thể chịu nổi mùi tanh tưởi ộc vào mũi, quay ra nôn thốc nôn tháo.

Chủ cơ sở tên Đông, miệng bịt khẩu trang, chân đi ủng ban đầu kiên quyết xua đuổi, không cho người lạ qua cửa. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý định tìm đầu mối nhập lòng, ông Đông đồng ý cho vào nhưng kèm theo điều kiện không được đi vào khu vực phía sau.

{keywords}

Cận cảnh sản xuất nội tạng lợn cực bẩn trong cơ sở Đông Loan.

“Khu vực cấm” được bao bọc bằng tôn kín mít, duy nhất một cửa ra vào và thường xuyên có người canh gác. Chỉ những người nhập nội tạng mới được bảo vệ cho qua. Lấy cớ đi vệ sinh, tôi tìm đường vòng ra phía sau rồi men bờ tường leo lên quan sát. Hoạt động bên trong “khu vực cấm” thực sự hãi hùng.

Trên nền xin măng rộng chừng 100 m2, khoảng 20 người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, chân đi ủng, mặt bịt khẩu trang kín mít đang quần quật xử lý đống nội tạng lợn chất cao như núi. Người luộc, người vớt, người tách, người đóng hộp... Mùi phân lợn lẫn mùi nội tạng thối ngùn ngụt bốc lên, xộc vào mũi khiến tôi tiếp tục phải nôn mửa. Quy trình tái chế nội tạng thối thực sự rất rùng rợn. Nội tạng lợn bầy nhầy trộn lẫn với phân chỉ được rửa qua bằng nguồn nước nhờ nhờ rồi vứt vào những chiếc chảo ngâm có chứa hóa chất khử mùi. Ngâm chừng dăm phút thì vớt quăng sang chảo luộc.

Luộc xong, đám đàn ông lực lưỡng dùng vợt vớt ra ném lại sàn xi măng để những người phụ nữ tiếp tục công đoạn làm trắng. Những người này dùng hóa chất từ các thùng nhựa trộn lẫn với nước sủi bọt trắng xóa rồi ngâm nội tạng lợn vào. Chỉ trong vòng vài phút, những mớ nội tạng lợn có màu thâm thẫm xanh đột nhiên trắng muốt, săn chắc. Để một lúc, đống nội tạng được đóng thùng cho vào kho đông lạnh bảo quản.

Lân la hỏi chuyện, ông Đông tiết lộ rằng, trước đây ông cũng làm bì lợn, nhưng thời gian gần đây chuyển sang làm nội tạng. Bình quân mỗi tháng cơ sở này sản xuất được khoảng 20 tấn. Ông Đông phàn nàn là “nguyên liệu” dạo này hơi khan, nội tạng lợn nhập về từ khắp nơi nhưng vẫn thiếu.

Các đầu mối bỏ hàng cho cơ sở phải lùng sục khắp trong huyện, trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương để thu gom nội tạng. Nội tạng lợn nhập về được phân thành nhiều loại. Loại để lâu, hôi thối vẫn có giá dù phải xử lý bằng hóa chất khá mất thời gian.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong vòng có một tiếng đồng hồ, có hàng chục chiếc xe máy đến “đổ hàng”. Những bao tải chở nội tạng lợn mà ông Đông bảo là “còn tươi” nhưng đa phần đã bốc mùi rất kinh khủng. “Làm mặt hàng này kiểu gì cũng phải có mùi. Ngửi một lúc là quen thôi”, ông Đông giải thích như thế.

Ông chủ “lò luyện nội tạng lợn” còn khoe thêm, toàn bộ cơ sở sản xuất của ông phải đầu tư tới 5 tỷ đồng, sản xuất theo mô hình hoàn toàn khép kín. Hàng sau khi được xử lý, đóng thùng, nếu chưa xuất kịp thì cho vào kho đông lạnh một thời gian rồi chất lên ô tô tải để vận chuyển. Ông Đông nói những lô hàng kiểu này thường xuất đi Trung Quốc và cơ sở của ông phải bao luật từ đây lên đến khu vực biên giới.

{keywords}

Nội tạng bốc mùi hôi thối tại cơ sở của ông Đông.

Lập “lô cốt” để tái chế bì lợn

Tiếp tục điều tra, PV tìm cách thâm nhập vào cơ sở chuyên tái chế bì lợn của một ông chủ tên Vỹ nằm phía ngoài đê sông Cầu, thôn Thọ Đức. Mặc dù cũng được cấp giấy phép kinh doanh, hoạt động kiểu một DN thu nhỏ, nhưng cơ sở này không hề có biển báo, được bao bọc bởi hàng rào thép gai và tường gạch cao vút. Chủ cơ sở còn cẩn thận trồng các bãi chuối chạy dọc theo hàng rào nhằm tránh những ánh mắt bên ngoài. Bên trong, tiếng lò hơi, máy móc hoạt động ầm ầm, chịu khó quan sát có thể thấy bì lợn tái chế phơi la liệt khắp vườn.

Cổng khu sản xuất khóa suốt ngày, lúc nào cũng có người canh gác. Chúng tôi đã tìm đủ lý do nhưng người gác cổng, lưng đeo khẩu AK bằng nhựa tuyệt đối không cho vào. Cố gắng gặng hỏi về các hoạt động bên trong, ông bảo vệ cũng chỉ đáp gọn lỏn: Không làm gì cả, không có làm bì lợn, bì leo gì hết. Nói rồi ông ta móc điện thoại, khoảng 1 - 2 phút sau, tiếng máy phía trong im bặt. Hai ba người đàn ông khác hằm hằm chạy ra.

Chúng tôi vòng bờ đê sang thôn Đại Lâm, đến sẩm tối quay trở lại thì cơ sở này tiếp tục sản xuất bình thường. Một lãnh đạo xã Tam Đa tiết lộ: "Không biết họ sản xuất theo kiểu gì mà còn có cả người Trung Quốc. Mấy tháng trước có người Trung Quốc trong cơ sở này tắm sông chết đuối người dân mới biết. Chắc là “chuyên gia về hóa chất”?

Được biết, cơ sở tái chế bì lợn của ông Vỹ trước đây nằm phía trong đê, nhưng do ô nhiễm quá nên người dân và chính quyền xã Tam Đa buộc phải cưỡng chế, đuổi ra khu vực này.

{keywords}

Cơ sở tái chế bì lợn của ông Vỹ chiếm đê sông Cầu lập thành “lô cốt”, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Một số người dân ở thôn Thọ Đức cho biết, cơ sở này có “truyền thống” sản xuất bì lợn bẩn để tuồn sang Hưng Yên làm nem và bì bóng. Sau khi bị đuổi, chủ cơ sở cho xây dựng ngay cạnh bờ đê, mặc dù vi phạm Luật Đê điều rõ ràng nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn không bị xử lý?

Chủ tịch UBND xã Tam Đa Nguyễn Văn Tôn thì nói giọng chán nản: "Chắc là không ô nhiễm đâu. Toàn bộ nước thải đổ xuống sông Cầu hết thì còn gì mà ô nhiễm nữa". Theo lãnh đạo chính quyền xã Tam Đa, mặc dù các cơ sở chế biến nội tạng, bì lợn trên địa bàn gây ô nhiễm, vi phạm Luật ATVSTP nhưng xã không có cách nào xử lý.

Ông Vũ Đình Minh, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, môi trường xã này khẳng định: "Không thể kiểm soát được đâu. Trước đây, khi phong trào tái chế bì lợn còn nhỏ lẻ thì xã còn quản lý được. Từ khi các cơ sở chuyển sang mô hình DN thì xã cũng bó tay luôn. Thỉnh thoảng các đoàn liên ngành có về kiểm tra thì xã chỉ có mỗi nhiệm vụ là dẫn đoàn đi".

Vi phạm thế nào? Xử lý ra sao? Các đoàn kiểm tra tự làm, xã Tam Đa không nhận được thông báo nào cả. Các DN sản xuất nội tạng lợn, bì bóng, chính quyền xã hoàn toàn không kiểm soát được cả về nguồn gốc cũng như đầu ra. “Họ sản xuất khép kín, không cho ai vào, lại vận chuyển bằng xe tải, chính quyền xã có được phép xử lý đâu. Họ dùng hóa chất, biến nội tạng thối, bì lợn thối thành sản phẩm “sạch” chúng tôi không được vào nên không dám khẳng định. Kể cả việc xả chất thải ra sông, lấn chiếm hành lang đê điều, rõ ràng là vi phạm nhưng cấp xã cũng không có chế tài để xử lý họ”, ông Minh ngán ngẩm.

Còn một cán bộ xã Tam Đa xin được giấu tên khẳng định: “Từ trước đến nay, thực trạng sử dụng hóa chất để xử lý bì lợn và nội tạng là phổ biến. Chủ yếu là loại hóa chất kiểu như a xít, không có tên, hình như của Trung Quốc”.

Để tìm hiểu về độ bẩn, độc của nội tạng và bì lợn được sản xuất ở các cơ sở tại xã Tam Đa, chúng tôi đã làm cuộc trắc nghiệm nhỏ với một vài người dân trong xã. Tất cả họ đều khẳng định: Có thuê tiền chúng tôi cũng không dám ăn.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)