Các loại ô mai được bày la liệt trên nền đất, không hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, không thành phần sản xuất.

Mập mờ nguồn gốc

Có mặt tại chợ Đồng Xuân đầu giờ chiều, theo quan sát của phóng viên, các sản phẩm ô mai đều để trong túi nilon, hộp nhựa, thậm chí là rổ nhựa. Phía ngoài có dán một miếng giấy nhỏ ghi tên mặt hàng, không hề có ngày sản xuất, hạn sử dụng,… Trong vai một người mua hàng, chúng tôi có dịp tiếp cận với chị T., chủ một cửa hàng bánh kẹo, đồ khô ngay phía đầu chợ. Thấy có khách, chị T. đon đả: "Ô mai là đặc sản của Hà Nội rồi mà em, đảm bảo thơm, ngon và an toàn tuyệt đối. Các mặt hàng chị bán đều đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Mùa này, ô mai sấu đang là mặt hàng hút khách, giá mỗi cân 120.000 đồng. Ô mai mận 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg; mơ gừng mặn ngọt giá 100.000 đồng/kg, xí muội chua ngọt giá 110.000 đồng/kg,...".

Khi phóng viên đưa ra thắc mắc về giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm này, chị T. giải thích, chỉ có các loại bánh kẹo, mứt được sản xuất trong nước là có giấy tờ đầy đủ “chứng minh” nguồn gốc xuất xứ. Còn các loại bánh kẹo, mứt, hoa quả khô được nhập từ "nước ngoài" về ít khi có nguồn gốc hoặc giấy chứng nhận về sản phẩm(?). Khi chúng tôi đặt vấn đề mua số lương lớn, chị T. khẳng định chắc nịch: “Em muốn mua bao nhiêu cũng có. Chỉ cần đặt cọc tiền trước, sau hai ngày quay lại lấy hàng rồi đưa nốt số tiền còn lại. Bao nhiêu khách hàng quen mua hàng ở chỗ chị nhưng chưa thấy ai thắc mắc nửa câu”, chị T nói.

{keywords}

Ô mai mận, ô mai sấu không nhãn mác được bày bán tràn lan tại một số cửa hàng trong chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Rời cửa hàng chị T., chúng tôi tiếp tục có mặt tại sạp hàng của bà M. Thấy khách tới xem hàng, bà M. quảng cáo: "Toàn hàng xịn trong nước sản xuất đấy, có một số loại của Thái. Đảm bảo không có hàng Tàu. Tôi buôn bán lâu năm ở đây rồi, phải uy tín mới giữ chân khách được". Thấy chúng tôi còn băn khoăn, bà M. giải thích: "Toàn hàng bán theo lạng, theo cân, giá cả bình dân lấy đâu ra nhãn mác. Nếu em cần, chị có thể đóng hộp, dập nhãn mác nhưng em phải chịu thêm vài giá", bà M. nói.

Không đảm bảo vệ sinh, ô mai vẫn hút khách

Ngay phía cổng chính chợ Đồng Xuân, hàng chục loại ô mai được bày trực tiếp trong chậu, không có nắp đậy, xung quanh ruồi nhặng bám đầy. Các sản phẩm này luôn bán chạy do những tiểu thương đến từ các tỉnh như Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương... mua về để bán lẻ.

{keywords}

Các sản phẩm ô mai trong chợ Đồng Xuân được để chung với các mặt hàng đồ khô khác.

Chị Nguyễn Vân Anh, một tiểu thương ở Văn Lâm (Hưng Yên) đang chọn mua ô mai tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: "Nếu vào các công ty lớn mua hàng chắc chắn đảm bảo hơn, vì có địa chỉ sản xuất của doanh nghiệp. Sản phẩm được kiểm định rõ ràng nhưng chi phí nhập hàng cao hơn nhiều. Đối tượng khách hàng của tôi là tầng lớp bình dân nên mua ở đây giá cả sẽ phù hợp hơn. Hơn nữa, đây là chợ đầu mối, hàng hóa được bán đi khắp các tỉnh thành nên tôi mua hàng cũng thấy yên tâm".

Trong khi đó, nhiều người mua hàng dù biết các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc những vẫn "nhắm mắt đưa chân" chỉ vì lý do rẻ và mua ở chợ lớn. Chị Hoàng Hồng Tuyên (Tây Hồ – Hà Nội) cho biết: "Biết mua hàng chợ; lại không có nhãn mác, bao bì; không hạn sử dụng cũng hơi lo. Nhưng mua về ăn ngay, chắc không vấn đề gì. Hơn nữa, đây là một trong những chợ khá lớn của thủ đô nên chất lượng không đáng ngại".

Phó giáo sư Hà Văn Thuyết (nguyên giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cảnh báo, nguồn nguyên liệu làm các sản phẩm ô mai rất khó kiểm soát, khả năng nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rất cao. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, việc sử dụng nguồn hóa chất, phụ gia không đúng quy chuẩn cũng dễ gây ra ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp phép.

(Theo Em đẹp)