Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các hãng hàng không phải xây dựng lịch bay đảm bảo tối thiểu có 10% năng lực khai thác dự phòng, để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, ngày 3.12, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 4879/CT-CHK yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xây dựng lịch bay dự phòng, kế hoạch bay dự phòng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, VASCO phải xây dựng lịch bay đảm bảo tối thiểu có 10% năng lực khai thác dự phòng để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Đồng thời, các hãng hàng không cũng phải xây dựng các kế hoạch khai thác ứng phó trong trường hợp xảy ra các chuyến bay bị chậm, hủy.

{keywords}


Trước đó, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Cục Hàng không cho biết đã ban hành văn bản số 3602 ngày 19.9.2014 yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể, trong đó có nội dung các đơn vị kiểm tra, rà soát việc đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 36 về quy trình phục vụ hành khách, báo cáo và cung cấp quy trình phục vụ hành khách của đơn vị mình về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 1.12.2014.

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 2 đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Công ty Phục vụ mặt đất Hà Nội gửi báo cáo về theo yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO phải gửi báo cáo và cung cấp quy trình phục vụ hành khách của đơn vị mình trước ngày 15.12.2014.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không, trong tháng 11.2014 các hãng hàng không đã thực hiện 14.059 chuyến bay trong đó, tỉ lệ chậm chuyến chiếm 12,5% (tăng 1,8% so với tháng Mười); tỉ lệ hủy chuyến là 0,3% (giảm 0,2% so với tháng trước đó).

Cụ thể, các chuyến bay bị chậm trong tháng 11 là gần 1.764 chuyến với các nguyên nhân như quản lý bay, trang thiết bị và dịch vụ hàng không, do hãng hàng không, yếu tố thời tiết… Đặc biệt, do máy bay về muộn chiếm tỉ lệ hơn 70,5% (1.245 chuyến) trong số các chuyến bay bị chậm trong tháng này.

Dẫn đầu trong tỉ lệ chậm hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là Jetstar Pacific với gần 27% (378/1.406 chậm chuyến) và 0,7% hủy chuyến. Tiếp ngay sau đó là Vietjet Air với 15,4% (507/3.298 chuyến chậm); 0,2% hủy chuyến. Vietnam Airlines có tỉ lệ 9,7% chuyến chậm (870/8.988 chuyến) và hủy chuyến chiếm 0,3%.

(Theo Một thế giới)