Tôi cứ nghĩ mãi, thời buổi này phải người nào cực... khùng mới nghĩ ra chuyện bỏ tiền túi ra mua mấy nghìn vé cho người hâm hộ Việt Nam vào sân Shah Alam (Malaysia) trong trận lượt đi bán kết AFF Cup, tuyển Việt Nam gặp tuyển Malaysia.
Thế mà Trần Song Hải làm được, hơn thế, anh còn liên hệ để mấy ngàn CĐV Việt Nam được ngồi cạnh nhau trên khán đài Shah Alam rộng mênh mông.
Khi yêu thì đừng sợ thiệt
Thấy Hải cuống cuồng nhờ các phóng viên bên Malaysia mua hơn 3.000 vé vào sân Shah Alam, tôi hơi… ngại cho Hải. Giá vé phía Malaysia cao nhất là 40 ringgit, tương đương 200.000 đồng. Như vậy tính sơ sơ đã… 600 triệu rồi. Tôi bốc điện thoại hỏi: “Này, ông tính mua vé cho VĐV thật đấy à, nghiêm túc không?”. Hải cười lớn nói: “Thì nghiêm túc chứ sao, vì phía Malaysia chỉ bán cho người hâm hộ Việt Nam 1.000 vé thôi, tôi thấy ít quá mà nhu cầu của mọi người thì nhiều, nhất là lực lượng công nhân lao động và học sinh. Thế là tôi bèn nảy ra ý định nhờ người mua vé, mình chuyển khoản ứng ra rồi cùng mấy anh em nữa đứng ngay sân Shah Alam bán lại cho họ với giá gốc, không tính thêm bất cứ đồng nào”.
Vậy mà có lúc tôi nghĩ, có thể cái chất kinh doanh của Trần Song Hải đã khiến anh nhìn thấy cơ hội… phe vé xuyên quốc gia. Mấy ngàn vé ôm vào chờ sốt bán ra với mức chênh lệch như mấy vụ sốt vé ở Mỹ Đình hồi U.19 thì đúng là “làm giàu không khó”.
“Tôi buôn thứ khác làm giàu chứ không buôn vé", Hải nói. Mà đúng thật, ở đất Sài Gòn, Trần Song Hải khá nổi trong giới kinh doanh. Anh kinh doanh ở lĩnh vực nhập khẩu máy phát điện, động cơ nhập khẩu từ châu Âu.
Trần Song Hải đội mũ trên sân Shah Alam. |
Thế rồi, xoay trở thế nào, cuối cùng Hải mua được cả ngàn cái vé thật. Sự nhiệt tình thái quá của Hải khiến các nhân viên Liên đoàn bóng đá Malaysia phải ngạc nhiên. Họ luôn hỏi: “Anh là ai? Anh có phải là người VFF không?”. Hải chỉ nói: “Tôi là một CĐV, tôi yêu đội tuyển Việt Nam”. Mà cái cách anh đưa vé cũng kỳ dị, đưa vé cho người ta rồi ghi vội số... tài khoản nhắn chuyển tiền vào đó.
“Thế người ta không chuyển tiền thì sao? Sao chủ quan thế!”, tôi hỏi. Hải đáp: “Khi kinh doanh, người ta cũng phải chấp nhận hệ số rủi ro nhất định. Vụ này tôi không kinh doanh, mình làm vì đội tuyển, đàng hoàng thì chắc người ta cũng đàng hoàng lại thôi. Rủi có ai đó không trả thì… chịu thôi, khi yêu thì đừng sợ thiệt”.
Đôi khi, có người nghi ngờ động cơ của Trần Song Hải, rằng anh muốn “dựa” vào bóng đá, dựa vào cái "tiếng” CĐV đội tuyển hay cái chức danh Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam lâm thời để… lấy tiếng, hoặc để anh tạo mối quan hệ, mở rộng làm ăn. Hải ít khi tranh cãi điều này, nhưng “phải như thế nào đó” mới dám bỏ ra những khoản tiền lớn để theo chân, để cổ vũ đội tuyển. Đơn cử như chuyện cách đây không lâu, khi đội tuyển U.19 đá vòng loại Châu Á trên đất Malaysia. Nước chủ nhà không truyền hình trực tiếp trong khi người hâm mộ Việt Nam nóng lòng đón chờ. Một CĐV đã nảy ra sáng kiến truyền trực tiếp trên Youtube, sau khi thấy máy quay quá… cùi bắp, Hải bỏ ra cả chục ngàn đôla trang bị để phát sóng cho người hâm mộ.
Nhưng cái chất chơi chơi của Hải “béo” - biệt anh của Trần Song Hải - là chuyện bỏ tiền ra, mà là tiền túi, chạy chương trình “Tiêu điểm bóng đá” thời lượng 20 phút mỗi tuần với khách mời là chuyên gia, các nhà báo nói về những vấn đề nóng của bóng đá nước nhà. Hỏi chi phí bao nhiêu cho chương trình, từ thuê trường quay, catse cho khách mời, thuê dựng rồi thuê thời lượng phát sóng..., Trần Song Hải không nói. Thế nhưng, nếu tính ra cũng trên dưới 10 triệu đồng cả thảy.
Đến nay “Tiêu điểm bóng đá” đã được hơn 160 số, đồng nghĩa với chi phí sản xuất vào đó lên tới cả tỉ bạc. Hỏi thu được đồng nào từ đó chưa, Hải nói: “Tôi thêm bạn bè, đều là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam như tôi, đều muốn bóng đá phát triển. Như thế không phải là lãi sao?”.
Chủ nhân của những chai rượu tự trọng
Trần Song Hải có niềm đam mê đặc biệt với rượu vang. Anh không nghiện uống rượu, nhưng cái cách thưởng thức và hiểu biết về vang của Trần Song Hải khiến nhiều người kính nể. Ở TPHCM, Hải thuê một hầm ngầm chỉ để rượu vang. Ở Hà Nội, căn chung cư sang trọng có nguyên một tủ giữ nhiệt chỉ để… rượu vang duy trì khoảng 16 độ C. Hải uống rượu và chơi rượu vang. Uống rượu vang với Trần Song Hải rất thích, bởi vì Hải sành sỏi, biết giá trị của vang và biết tặng ai, chai nào phù hợp.
Năm 2011, sau thất bại của U.23 Việt Nam tại Indonesia, nhân dịp năm mới, Trần Song Hải đóng 19 chai rượu vang. Anh lột bỏ mác rồi gắn lên thành chai mấy chữ: Hội CĐV Việt Nam gửi tặng các thành viên VFF RƯỢU TỰ TRỌNG. Nhằm đúng ngày VFF họp BCH, 19 chai rượu “tự trọng” được gửi đến. Đó là cuộc họp biểu quyết “giữ ghế” của TTK Trần Quốc Tuấn. Không hiểu có phải vì hai chữ “tự trọng” trên chai rượu vang hay không nhưng sau cuộc họp đó, TTK Trần Quốc Tuấn từ chức.
Có lần, ngồi uống rượu vang với Song Hải, tôi hỏi: “Thực chất của vụ... rượu tự trọng là thế nào?”. Hải nói: “Thật ra tôi cũng có ý gửi gắm tới các vị trong BCH VFF rằng, các vị đã vinh dự được người hâm mộ bầu chọn để lèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam, chúng tôi xin biếu các vị 19 chai rượu tự trọng với lòng thành kính mong mỏi các vị nêu cao sự công tâm, tinh thần fair-play để dẫn dắt nền bóng đá Việt Nam đến những đỉnh cao mới, tránh tụt hậu”.
Nhưng có vẻ như những chai rượu tự trọng ngụ ý khác. Đó là khi uống rượu này vào, người ta sẽ thêm dũng khí, thêm sự tự trọng để nhận trách nhiệm về mình.
Hải nói: “Không chỉ có bóng đá, tôi nghĩ là ở đâu, vị trí nào thì con người ta cũng cần sự tự trọng”. Vì thế, khi Đại hội nhiệm kỳ 3 chuẩn bị nhân sự, Song Hải gửi đến VFF một bức thư mà ở đó anh mong muốn một trong các tiêu chí để chọn ra người đứng đầu VFF là tiêu chí “tự trọng”. Hải viết thế này: “Sở dĩ nói đến tiêu chí tự trọng bởi lẽ trong quá khứ có không ít người mắc căn bệnh đổ thừa. Nhiều vụ việc nằm trong tầm quản lí của mình nhưng người ta vẫn cứ chối phăng và đổ trách nhiệm cho người khác… Có không ít vụ việc, các vị trong liên đoàn thay vì nỗ lực chống tiêu cực để chấp nhận làm lại, giúp lành mạnh hóa bóng đá nước nhà thì họ lại “ném chuột sợ vỡ bình” do tư duy nhiệm kỳ, chỉ biết chạy theo thành tích trước mắt để rồi dư luận có cảm giác như họ “thỏa hiệp” với tiêu cực vậy!
Với những gì đã diễn ra, bóng đá Việt Nam rất cần những con người có đủ dũng khí, có tự trọng để đưa ra chiến lược vĩ mô, hiệu quả và có tính quyết đoán cao. Bởi lẽ, lòng tự trọng luôn dẫn dắt người ta đến cách hành xử sao cho phải phép, có khí phách của người quân tử dám làm, dám chịu. Những ai có lòng tự trọng chắc chắn sẽ hành động có trách nhiệm khi ngồi vào các vị trí quan trọng chứ không thể lơ là hay vì quyền lợi riêng mà gây tổn hại cho cái chung…
(Theo LD)