- Quyết định đóng cửa một trung tâm thương mại bán lẻ hàng hiệu thuộc hạng lớn nhất tại Việt Nam đã được dự báo từ khá lâu đối với Parkson Landmark. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của thương hiệu này ở Việt Nam và các nước Châu Á.

Lỗ không chịu nổi

Ngày 2/1, Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson Keangnam Landmark (Hà Nội) đột ngột thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết hàng hóa, đồ đạc ra ngoài trong hai ngày mùng 3 và 4/1. Chưa hết bất ngờ, sáng 3/1, Parkson ra tiếp thông báo yêu cầu các cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1.

Nguyên nhân đóng cửa, theo thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi các chủ quầy hàng, là do: Parkson Landmark liên tục thua lỗ lớn và không đạt được kế hoạch doanh thu đề ra kể từ khi mở cửa kinh doanh năm 2011.

Cho tới thời điểm này, Parkson Keangnam đã trống trơn, các chủ hàng kinh doanh tại đây về cơ bản đã di chuyển xong toàn bộ hàng hóa. Mặc dù vậy, hậu quả đối với uy tín của Parkson và đối với nhiều đơn vị kinh doanh tại Parkson Landmark có lẽ rất tệ hại và còn kéo dài. Đây là một quyết định được xem như là bước ngoặt đầy đau đớn của đại gia đến từ Malaysia.

Cách thức ngừng hoạt động của Parkson Keangnam là bất thường, chứa đựng nhiều điều khuất tất đằng sau. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc đáng tiếc này có lẽ không ngoài sự thua lỗ khá rõ ràng và kéo dài tại một số thị trường của đại gia bán lẻ hàng hiệu nổi tiếng của Malaysia này. Parkson không chỉ thua lỗ ở Việt Nam mà cũng đã thua lỗ ở một số nước khác trong khu vực.

{keywords}

Parkson Landmark liên tục thua lỗ lớn và không đạt được kế hoạch doanh thu đề ra kể từ khi mở cửa kinh doanh năm 2011

Nó cũng cho thấy một thực tế, kinh doanh bán lẻ hàng hiệu, hàng hóa cao cấp không hề dễ dàng. Nhiều đại gia bán lẻ rất quan tâm tới thị trường hơn 90 triệu dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc định vị sai thị trường và thói quen của người tiêu dùng có thể khiến các tập đoàn lớn thất bại, cho dù họ có kinh nghiệm, khả năng dẫn dắt thị hiếu cũng như sức mạnh tài chính, và khả năng chịu lỗ trong một thời gian dài.

Cuộc chơi đầy rủi ro

Quyết định đóng cửa đột ngột của Parkson Landmark cùng với những biến động không thuận tại một số trung tâm thương mại hàng hiệu chuyên biệt gần đây cho thấy một thực tế kinh doanh khó khăn trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Sự vắng khách của các trung tâm khiến các đại gia có tiềm lực tài chính mạnh buộc phải tính lại bài toán kinh doanh của mình. Cắt lỗ hoặc chuyển hướng kinh doanh, định vị lại thị trường là cách mà các ông chủ các tập đoàn lớn tính đến.

{keywords}

Quyết định đóng cửa đột ngột của Parkson Landmark cũng là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của thương hiệu này ở Việt Nam và các nước Châu Á.

Tại Việt Nam, Parkson Holding Berhad (Parkson) được biết đến là ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh các trung tâm thương mại hàng hiệu với lịch sử hoạt động trong gần ba thập kỷ trong khu vực châu Á.

Mô hình hoạt động của Parkson Landmark giống hệt các siêu thị hàng hiệu hàng hóa xa xỉ ở các nước khác. Các trung tâm này là nơi luôn sáng choang ánh đèn, thu hút khách hàng đến ngắm xem. Người mua rất ít, doanh thu không lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận rất cao bởi hầu hết các hàng hóa ở đây đều thuộc dạng hàng hiệu. Và đây là địa điểm lựa chọn của các thương hiệu hàng cao cấp trên khắp thế giới, muốn tấn công vào giới nhà giàu trong khu vực.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, theo các báo cáo của Parkson, lợi nhuận của đại gia bán lẻ hàng hiệu hàng đầu khu vực này liên tục sụt giảm bởi những khó khăn trong hoạt động tại nhiều thị trường, trong đó nổi bật là Malaysia và Việt Nam.

Trong khi liên tục phải chi quá nhiều tiền để mở cửa hàng mới, thì Parkson lại chứng kiến một kết quả ngược lại: doanh thu chững lại, lợi nhuận suy giảm mạnh.

Trong thông báo của mình, Parkson Landmark cho biết, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam - KeangNam Hanoi Landmark Tower chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra. Đây cũng là tình trạng diễn ra tại nhiều trung tâm Parkson khác tại Malaysia và Việt Nam.

Trước đó, báo chí Malaysia và Singapore cho biết, lợi nhuận quý IV năm tài chính 2014 (kết thúc 30/6) của Parkson đã giảm khoảng 36% so với cùng kì năm 2013. Tính chung cả năm tài chính 2014, lợi nhuận của tập đoàn đã giảm 12,5%, trong khi doanh thu giảm 3%.

Trong quý đầu tiên của năm 2015 (kết thúc cuối 9/2014), Parkson tiếp tục chứng kiến lợi nhuận giảm trên 30% mà lý do là từ việc đầu tư cửa hàng mới và thị trường bán lẻ chưa khởi sắc tại Việt Nam và sự suy yếu của đồng tiền Malaysia.

Tính từ 2008 cho đến nay, tốc độ tăng doanh thu của Parkson rất chậm, trong khi đó, lợi nhuận đã giảm vài lần.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho sức mua trên thị trường hàng hiệu suy giảm là vì nhiều nền kinh tế chưa phục hồi. Một số nước đã lấy được đà tăng trưởng kinh tế trở lại như Việt Nam thì sức mua đối với các mặt hàng xa xỉ vẫn chưa khởi sắc.

Bên cạnh xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân, tại thị trường Việt Nam, hàng hiệu trực tiếp vào thị trường này còn đuối sức trước sự cạnh tranh của hàng xách tay. Doanh thu còn suy giảm bởi xu hướng đi du lịch sắm hàng hiệu ở nước ngoài của nhiều gia đình giàu có và sự xuất hiện nhiều trung tâm mới, nhiều đối thủ mới như Lotte, Tràng Tiền, VinMart...

Quyết định đóng cửa, thu gọn mạng lưới để vẫn chuyên tâm vào thương hiệu bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp hay mở ra, đa dạng hóa hàng hóa với giá cả thấp hơn, rẻ hơn... là bài toán khó đối với các ông lớn kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, cũng như trong khu vực.

H.Tú