- Việt Nam có thể tăng tới 22 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh vào năm tới và tham vọng tiến tới đạt ngang mức bình quân các quốc gia ASEAN-4. Tuy nhiên, sự lơ là, “lười” cải cách của nhiều cơ quan bộ, ngành sẽ cản trở mục tiêu này.
Việt Nam thua xa Singapore, Thái Lan
Các nước ASEAN-4 gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Nếu môi trường kinh doanh đạt mức bình quân ASEAN-4 vào năm 2016, Việt Nam sẽ gần bằng Thái Lan.
Chia sẻ hôm 12/3, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 19, các bộ, chính quyền địa phương đã có chuyển biến về ý thức quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, trong 10 chỉ số, chúng ta mới chỉ thực hiện được một nửa, còn 5 chỉ số chưa thực hiện. Đó là các chỉ số về "Cấp phép xây dựng", "Thực thi hợp đồng", "Đăng ký tài sản", "Bảo vệ nhà đầu tư" và "Phá sản doanh nghiệp".
Doanh nghiệp Việt Nam muốn phá sản phải mất 5 năm (ảnh: theo Vneconomy) |
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tốn kém rất nhiều thời gian, tiền bạc để hoàn thành các thủ tục còn phức tạp.
Chẳng hạn như ở lĩnh vực "cấp phép xây dựng", Việt Nam xếp hạng thứ 3 trong ASEAN-6, sau Singapore và Thái Lan.
Thời gian để thực hiện thủ tục này tại Việt Nam rất dài, phải trải qua 10 thủ tục và 114 ngày, gấp 4 lần so với Singapore, cao gần gấp 2 lần so với Brunei và Indonesia. Phí cấp giấy phép xây dựng theo giá trị tài sản ở Việt Nam cũng cao gấp 7 lần so với Singapore, Brunei và gấp 3 lần so với Thái Lan.
Ở lĩnh vực "đăng ký tài sản", doanh nghiệp Việt Nam mất tới 57 ngày, gần như lâu nhất để hoàn thành thủ tục này, trong khi đó, ở Thái Lan chỉ mất tối đa 2 ngày, Philippines mất 3,5 ngày. Đặc biệt, tại Thái Lan, doanh nghiệp đến cơ quan đất đai đăng ký, sẽ được thụ lý hồ sơ ngay và chỉ mất có 1 ngày để nhận luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn ở Việt Nam, quy định pháp lý chính thức là 40 ngày, nhưng thực tế thủ tục phức tạp, thời gian nhận sổ đỏ lâu hơn rất nhiều.
Đặc biệt, với lĩnh vực "thực thi hợp đồng và thi hành án về tranh chấp thương mại", cuộc khảo sát gần đây của Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam đòi nợ 90% là thành công khi nhờ những người đòi nợ thuê và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày. Trong khi đó, nếu khởi kiện tại tòa án thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới 400 ngày.
Các chủ nợ có thể chỉ tốn chi phí bằng 20-30% khoản nợ nếu theo kênh chính thức, gồm phí phải nộp cho Nhà nước và phí luật sư nhưng kèm theo đó, phải tốn tiền lót tay và thời gian chờ đợi.
Còn nếu sử dụng người đòi nợ thuê, chi phí bỏ ra chiếm cao hơn, khoảng 40-70% khoản nợ và không có chi phí phụ nào.
Bức tranh này cũng cho thấy lỗ hổng và sự tín nhiệm của dịch vụ công ở Việt Nam còn thấp và môi trường kinh doanh hãy còn nhiều góc khuất.
Làm sổ đỏ ở Việt Nam luôn phức tạp và tốn kém (ảnh: theo VOV) |
Các bộ vẫn lơ là cải cách
Xuất phát điểm còn thấp như trên, mục tiêu Việt Nam cần bằng mức bình quân các quốc gia ASEAN-4 tới năm 2016 là một thách thức lớn.
Bởi, nếu nhìn vào đánh giá của Bộ KH-ĐT mới đây về việc thực hiện Nghị quyết 19, có một điều rất lo ngại cho sự thờ ơ, ì ạch, chậm trễ của đa số các bộ ngành.
Hiện, Việt Nam có 22 bộ ngành và cơ quan ngang bộ, 63 tỉnh thành, nhưng mới chỉ có 12 bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh, với một lộ trình và cách thức triển khai không rõ ràng.
"Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương còn lại chưa tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh như Nghị quyết 19 đề ra", Bộ KH-ĐT đánh giá.
Đáng chú ý nhất là trong 49 giải pháp cụ thể ở Nghị quyết 19, Bộ này cho hay, có 25 giải pháp chưa được các bộ thực hiện, chiếm 51%.
Hiện, chỉ có 8 giải pháp được các bộ thực hiện và có kết quả, chiếm tỷ lệ 16,3% và 16 giải pháp đã được thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng, chiếm 32,7%.
Bộ KH-ĐT cũng chỉ đích danh 5 bộ, gồm GĐ-ĐT; Tài nguyên và Môi trường; GTVT; Bộ Khoa học và Công nghệ... và các UBND chính quyền địa phương hầu như chưa thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuộc trách nhiệm của mình.
Thậm chí, những yêu cầu rất quan trọng của Nghị quyết 19 như “tăng cường thanh kiểm tra thủ tục triển khai dự án đầu tư chưa được các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm. Và cũng không có bất cứ bộ, cơ quan, địa phương nào “phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ".
Trước tình trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý, mỗi năm, Ngân hàng Thế giới sẽ xem xét, điều chỉnh lại cách tính điểm và phương pháp xếp hạng môi trường kinh doanh. Toàn thế giới đang cải cách. Châu Phi, Nam Á đã cải cách rất mạnh mẽ, đòi hỏi áp lực chúng ta phải luôn cập nhật, thay đổi bứt phá hơn".
Việt Nam sẽ tăng 22 bậc môi trường kinh doanh Bộ KH-ĐT dự kiến, xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm tới sẽ tăng lên thứ hạng 56, tăng 22 bậc. Kỳ vọng này dựa trên dự báo cải thiện một số chỉ số tới đây, như Bảo vệ nhà đầu tư” dự kiến tăng từ vị trí 157 lên vị trí 52; “khởi sự kinh doanh” từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60; “nộp thuế” từ vị trí 149 lên khoảng vị trí 134 ; “tiếp cận điện” từ vị trí 115 lên khoảng vị trí 111. |
Phạm Huyền