Nhiều đại gia dần dần lộ diện trở thành những ông trùm thực sự trong lĩnh vực ngân hàng khi quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ. Thêm những nước cờ bất ngờ tại Eximbank mà tới phút cuối người ta mới hình dung được về người cầm trịch cuộc chơi.
Bóng dáng kịch bản Sacombank
Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc đề cử, ứng cử HĐQT Eximbank) vừa hé lộ một thông tin khá bất ngờ để tăng sự xác thực về giá thiết Eximbank có thể sẽ về với NamABank của đại gia đình doanh nhân Tư Hường.
Thông tin về cuộc hôn nhân giữa Eximbank và NamABank lại được dấy khi một lãnh đạo ngân hàng tiết lộ và càng trở nên nóng sau khi Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm của NamABank đều có tên trong danh sách ứng cử thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020. Đặc biệt, 2 nhân vật này đại diện tới hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank.
M&A ngân hàng đang vào hồi quyết định. |
Danh sách cũng cho thấy, nhóm cổ đông đến từ NamABank chốt cho kỳ họp ĐHCĐ này có quyền biểu quyết lớn nhất. Và cả 2 đại diện ứng cử này đều là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng tài chính.
Tin đồn NamABank và Eximbank sẽ về một nhà, trong đó Nam Bank là bên nhận sáp nhập giờ đây có thêm cơ sở để xác thực và người ta đang bàn về các cuộc thâu tóm sáp nhập đã hoặc đang diễn ra theo đúng kịch bản trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến ván cờ 3 năm ông Trầm Bê “luộc” xong Ngân hàng Sacombank, với trung gian hỗ trợ là Eximbank. Hàng loạt các phiên giao dịch cổ phiếu với khối lượng khủng đã diễn ra trong một thời gian dài. Và cuối cùng với vị thế cổ đông lớn, ĐHCĐ ở cả Sacombank và SouthernBank đã thông qua chủ trương sáp nhập 2 nhà băng này để “về với cùng một ông chủ”.
Eximbank gần đây cũng chứng kiến sự thay đổi của các lãnh đạo chủ chốt như trường hợp chủ tịch Lê Hùng Dũng hay Tổng giám đốc Trương Văn Phước. Giao dịch cổ phiếu EIB cũng đặt biệt ấn tượng giống như thời kỳ Sacombank bị thâu tóm trước đó. Trong giai đoạn cuối 2014, cổ phiếu EIB chứng kiến hàng loạt các phiên có giao dịch thỏa thuận lớn. Và đầu năm 2015, cổ phiếu này cũng đã nổi sóng với những lệnh giao dịch thỏa thuận với khối lượng khổng lồ.
Giờ đây, các đại diện của NamABank đã xuất hiện ở Eximbank với một thế lực hùng mạnh. Và rất có thể, trong ĐHCĐ trong vòng chưa đầy 1 tháng nữa, một kịch bản về cùng một chủ có thể sẽ được chấp thuận, bất chấp các cổ đông nhỏ có muốn hay không, giống như tại ĐHCĐ Sacombank 2014.
Điểm khác có chăng ở chỗ, lần này, có thể các bên sẽ công khai công nhận ngân hàng lớn - Eximbank sẽ về với NamABank, khác với tuyên bố Southern Bank về với Sacombank như trong vấn cờ của ông Trầm Bê.
Ông trùm sẽ thêm mạnh?
Đầu năm 2014, giới đầu tư khá bất ngờ với hàng loạt các thay đổi diễn ra trong ĐHCĐ NamABank.
Không ít người đã nghĩ tới một kịch bản thay đổi quyền lực tại NamABank sau vụ đại gia Trầm Bê trở mình nắm gọn Sacombank. Thực tế, dù sự thay đổi sở hữu và quyền lực chi phối nhưng ở NamABank, các thành viên trong gia đình, các DN liên quan đến nữ doanh nhân U80 từng đưa Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam vẫn mạnh nhất. Tính tới giữa 2014 tỷ lệ này vẫn gần 15% với nhiều thành viên trong HĐQT. Con số cho đến thời điểm này vẫn chưa được công bố theo quy định.
Thông tin NamABank về với Eximbank có thêm sự xác thực. |
Sự xuất hiện của đại diện từng liên quan đến NamABank với hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank thực sự là một bất ngờ nữa. Bất ngờ còn ở chỗ Eximbank là một ngân hàng có quy mô thuộc tốp dẫn đầu, trong khi NamABank là một ngân hàng nhỏ bé.
Chỉ còn 2-3 tuần nữa ĐHCĐ của hàng loạt các ngân hàng sẽ diễn ra. Đây là thời điểm sẽ có những thay đổi lớn ở các nhà băng. Đại hội năm nay chắc chắn không là ngoại lệ và các NĐT đã nhìn thấy bóng dáng của một vụ M&A vốn đã được đồn thồn gần đây.
Với vị thế nhóm cổ đông lớn nhất, có lẽ NamABank có tiếng nói lớn tại Eximbank vào ngày 22/4 tới.
Trên thực tế, các vụ M&A không diễn ra trong một sớm một chiều. Southern Bank mất 3 năm vẫn chưa hoàn thành sáp nhập với Sacombank. Kế hoạch vẫn chưa được phê duyệt.
Mặc dù vậy, xu hướng M&A là không tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2 và rất quyết liệt. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng đánh giá cao về các thương vụ hợp nhất đối với quá trình cải tổ ngân hàng Việt Nam.
Quá trình hợp nhất, sáp nhập sẽ giúp ngành ngân hàng loại bỏ bớt những thành viên quy mô nhỏ, giảm bớt rủi ro từ sở hữu chéo, giúp NHNn dễ giảm sát quản lý, tránh tình trạng sở hữu chéo… Dự kiến tới 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm hơn 50% xuống còn 15-17 đơn vị.
Định hướng này nằm trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và được đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại về tương lai của các ngân hàng sau hợp nhất dưới bàn tay của các ông bà trùm mới khi nắm giữ các ngân hàng hợp nhất có quy mô lớn hơn nhiều liệu có gặp khó khăn hay không?.
Trong cuộc đua cho sự tồn tại, kẻ mạnh là người thắng, nhưng trong một số trường hợp kẻ mạnh chưa hẳn là lựa chọn hoàn hảo.
Lê Hà