Việc ùn tắc xuất khẩu thanh long, dưa hấu sang Trung Quốc ùn tắc đã diễn ra thường kỳ hàng năm. Một tổ liên ngành với đại diện công thương, giao thông vận tải, công an, bộ đội biên phòng vào cuộc nhưng việc này còn kéo dài vài năm nữa.
Biết trước nhưng bất lực
Chia sẻ tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính mới đây, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay, tình trạng ùn tắc dưa hấu, thanh long vẫn đang tái diễn ở cửa khẩu Tân Thanh.
Ông Thái cho biết, hàng ngày, hải quan cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục xuất khẩu cho 300-350 xe dưa hấu, nhưng số xe thực tế có mặt ở cửa khẩu là 800 xe/ngày. Trong khi đó, sức chứa của cửa khẩu chỉ bằng 1/5 so với số xe chở nông sản thực tế dồn đến. Do vậy, ở cửa khẩu tồn đọng tới 400-500 xe dưa hấu, thanh long. Các xe phải xếp hàng dài ở quốc lộ 1, 4A và đường dẫn vào cửa khẩu.
Trên thực tế, tỉnh Lạng Sơn đã dự báo trước tình huống ùn tắc này nên ngay từ ngày 12/2, tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành để điều phối hoạt động xuất khẩu dưa hấu, thanh long. Tổ này gồm đại diện ngành công thương, giao thông vận tải, công an, bộ đội biên phòng,... có nhiệm vụ theo dõi tình hình, đưa ra giải pháp chống ùn tắc, phân luồng giao thông,...
Xe chở dưa hấu xếp hàng dài ở Tân Thanh |
"Nhờ đó tình trạng tồn đọng thì có nhưng ùn tắc, tranh cãi nhau, gây lộn xộn thì không", ông Thái khẳng định. Và, chỉ khi nào cửa khẩu có khả năng tiếp nhận thì xe hàng mới được chuyển vào làm thủ tục. Còn lại các xe phải xếp hàng trong trật tự.
Có thể thấy, sự ứng phó của các cơ quan chức năng cũng chỉ là tạm thời.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái nhìn nhận, có rất nhiều nguyên nhân gốc rễ chưa giải quyết được và sự ùn tắc này không chỉ phụ thuộc vào năng lực cửa khẩu.
Theo phân tích của ông, thanh long, dưa hấu của Việt Nam hiện đa phần xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, không có cam kết nào giữa người mua và người bán về giá cả, sản lượng,... Trong khi, theo truyền thống, loại nông sản tươi này chỉ được giao nhận qua duy nhất một địa chỉ là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn, Việt Nam), Pò Chài (Bằng Tường - Trung Quốc).
Vì vậy, cứ khi nào dưa hấu, thanh long Việt Nam được mùa thì rớt giá (do thương lái Trung Quốc ép giá- PV). Nhu cầu tiêu thụ nội địa quá ít, trong khi cầu phía Trung Quốc vẫn tăng cao. Điều này gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.
Theo ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, không có quy hoạch vùng nên thời điểm gieo trồng, thu hoạch ở các ruộng dưa hấu ở miền Nam, miền Trung đều diễn ra cùng lúc. Sản lượng dưa hấu gia tăng đỉnh điểm trong một khoảng thời gian ngắn, vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do vậy, các nhà nông, thương lái đều đồng loạt đẩy hàng xuất quả tươi và phải đổ dồn về Tân Thanh.
Thêm vào đó, mặt hàng dưa hấu không dễ bảo quản lâu dài, lại không chế biến thành quả sấy khô.
Chưa kể, ông Thái phân tích, xe hàng của Việt Nam mới chở "hàng thô", chưa phân loại, khi tới chợ Pò Chài, các thương lái Trung Quốc mới bắt đầu lựa chọn từng trái, lau chùi sạch sẽ, đóng gói cho vào túi để vận chuyển vào nội địa. Công đoạn tuyển hàng này phải mất khoảng 2-3 tiếng/xe nên mỗi ngày, họ xử lý được 200-300 xe. Vì thế, dù thủ tục hải quan ở đây chỉ mất 1 phút là xong, các xe hàng Việt Nam vẫn chưa thể được giải phóng ngay mà phải xếp hàng chờ.
Ông Thái cho biết, giải pháp trước mắt là lực lượng hải quan và UBND tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất kéo dài thời gian làm thủ tục từ 7h sáng đến 20h tối.
Để lâu, dưa hỏng chảy nước phải vứt bỏ |
Trông chờ quy hoạch?
Để giải quyết vấn đề lâu dài, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị các bộ cần lập quy hoạch các vùng trồng rau quả cho hợp lý, điều phối theo nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Không thể theo để việc giao thương xuất nhập khẩu tự phát như hiện nay.
"Ngoài ra, cần tính phương án phát triển công nghiệp chế biến hoa quả. Ở Việt Nam hầu như chưa có ngành này", ông Thái đánh giá.
Ông Phùng Quang Hội cũng cho rằng, những giải pháp như kéo dài thời gian làm việc của hải quan chỉ là giải quyết phần ngọn. Gốc rễ là ở cơ chế quản lý định hướng của hai bộ Công Thương và NN-PTNT.
Kiến nghị thứ ba là cần phát triển cơ sợ hạ tầng cửa khẩu Tân Thanh tốt hơn, như mở rộng diện tích, có nơi bảo quản hoa quả.
"Tuy nhiên, các kiến nghị này mang tính lâu dài. Trước mắt, tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục còn có, không phải chỉ năm nay mà còn các năm nữa", ông Thái lo ngại.
Còn theo ông Hội, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải thay đổi phương thức kinh doanh. Nếu chuyển từ giao thương tiểu ngạch sang ký kết chính thức theo con đường chính ngạch thì mới mong giảm được tối đa các rủi ro khi xuất nông sản cho Trung Quốc.
Trên thực tế, năm 2014 và các năm trước, hệ thống giải pháp trên cũng đã được ngành hải quan và Vụ Chính sách thương mại miền núi, Bộ Công Thương đề cập song, đến nay, tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện.
Theo Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu dưa hấu từ phía Trung Quốc năm sau tăng hơn năm trước, cả về lượng và giá trị kim ngạch. Năm 2014, mặt hàng dưa hấu tăng tới 15% so với 2013, thanh long tăng tới 34% so với 2013. Riêng quý I năm nay, chỉ qua cửa khẩu này, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 112.000 tấn dưa hấu, trị giá hơn 7,2 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014. Mặt hàng thanh long cũng đã xuất sang Trung Quốc hơn 100.000 tấn, với giá trị hơn 32 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Trung bình, mỗi xe tải chở khoảng 20 tấn. Với mức tồn đọng 400-500 xe, số dưa hầu mắc kẹt ở cửa khẩu lên tới 8.000-10.000 tấn. |
Phạm Huyền