Hàng trăm xe tải chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này ở tỉnh Bình Thuận - địa phương có hơn 90% sản lượng thanh long xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, bị thiệt hại nặng nề.

Ông  Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp Hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết thông tin trên qua cuộc trao đổi qua điện thoại hôm 13- 10.

Theo  ông Yên, hiệp hội vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác lượng thanh long xuất khẩu đang tồn đọng ở cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, nhưng việc các nhà nhập khẩu ngưng nhận hàng đang gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu thanh long của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thực trạng mặt hàng trái cây, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục bị ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh trong nhiều năm qua vẫn là do thói quen buôn bán tiểu ngạch của doanh nghiệp.

{keywords}

Nhiều mặt hàng trái cây, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục bị ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh trong nhiều năm qua vẫn là do thói quen buôn bán tiểu ngạch của doanh nghiệp

Theo ông Yên, việc ký hợp đồng tiểu ngạch đã trở thành thói quen kinh doanh nhiều năm của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi thủ tục đơn giản, nhiều doanh nghiệp vẫn thích bán hàng ở Trung Quốc theo kiểu giao hàng nhận tiền ở biên giới.

“Đa phần thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều được bán qua các đầu nậu, thương lái người Trung Quốc ở các chợ giáp với cửa khẩu Tân Thanh, nên những đối tác này cũng không có tư cách pháp nhân. Vì vậy, họ cũng muốn mua bán với doanh nghiệp trong nước theo kiểu tiền trao cháo múc”, ông Yên phân tích thêm.

“Hiện chúng tôi đang phải trả thêm chi phí lưu kho đông lạnh, chi phí bến bãi, việc các đối tác ngưng nhận hàng cũng làm giá thu mua thanh long tại vườn giảm mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ thanh long bị đổ bỏ là rất cao…”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cho hay.

Vị giám đốc nói trên cũng cho biết, do ký hợp đồng tiểu ngạch, doanh nghiệp chấp nhận đưa hàng ra cửa khẩu biên giới chỉ bằng một cuộc điện thoại đặt hàng của đối tác, đến khi hàng đưa ra cửa khẩu, đối tác không nhận hàng, doanh nghiệp đành phải chấp nhận. Trả lời về việc vì sao doanh nghiệp không ký hợp đồng chính ngạch để ràng buộc pháp lý với đối tác, vị giám đốc doanh nghiệp nói trên cho rằng, đa phần doanh nghiệp  buôn bán tiểu ngạch sang Trung Quốc đều là những doanh nghiệp nhỏ nên không thể đáp ứng được những đơn hàng chính ngạch với số lượng lớn.

Theo Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận, đầu tuần tới, hiệp hội sẽ có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp cho vấn đề ách tắc thanh long xuất khẩu ở Tân Thanh.

(Theo TBKTSG Online)