“Người ta mua địa sâm để làm gì tôi không biết, nhưng thấy bán có tiền nên chúng tôi đi đào để bán. Ở Quảng Nam giờ người ta đào sạch rồi, chúng tôi phải đi ra Huế, Quảng Trị”, ông Sáu nói.
Thời gian gần đây, nhiều vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện trở lại những nhóm người từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… đi đào địa sâm bán cho thương lái Trung Quốc.
Theo người dân địa phương, những nhóm người này đã đến xin ở trọ trong các nhà dân, hằng ngày họ mướn thuyền ra bãi bồi nằm giữa đầm phá để đào bới tìm kiếm địa sâm.
Thông tin trên báo Thanh niên, tại khu vực cửa biển Tư Hiền (giữa hai xã Lộc Bình và Vinh Hiền, H.Phú Lộc), từng tốp người đi đào bới địa sâm. Họ đều là người từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... đến xin trọ trong các nhà dân địa phương, đợi khi thủy triều xuống thì chèo thuyền ra những gò đất nhô lên giữa đầm phá để đào bới tìm địa sâm. Những người đào địa sâm chuyên nghiệp đến mức chỉ cần nhìn những ụ bùn sủi bọt là lập tức dùng xẻng xắn mạnh rồi bới lên những con địa sâm dài 20 - 30 cm.
Ông Trần Văn Sáu (42 tuổi, quê Tam Hiệp, H.Núi Thành, Quảng Nam) cho biết nhóm của ông năm nào từ tháng 3 trở đi cho đến trước mùa mưa cũng đi đào địa sâm khắp các tỉnh ven biển miền Trung. Trước khi đến Lộc Bình, nhóm đã đào xới tại vùng ven biển Quảng Trị. Khi địa sâm ở Quảng Trị đã cạn kiệt, họ vào Thừa Thiên-Huế khoảng một tuần nay. Mỗi ngày nếu làm việc thuận lợi một người có thể bắt được 10 kg địa sâm tươi, mang về xẻ ruột, làm sạch rồi phơi khô để bán cho các thương lái Trung Quốc.
Cũng theo ông Sáu, ở Huế không có tư thương thu mua địa sâm, nhưng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi người mua rất rầm rộ. Cứ khoảng 10 kg địa sâm tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 1 kg, bán được 450.000 - 500.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 800.000 đồng/kg.
Cứ khoảng 10 kg địa sâm tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 1 kg, bán được 450.000 - 500.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 800.000 đồng/kg. |
“Người ta mua địa sâm để làm gì tôi không biết, nhưng thấy bán có tiền nên chúng tôi đi đào để bán. Ở Quảng Nam giờ người ta đào sạch rồi, chúng tôi phải đi ra Huế, Quảng Trị”, ông Sáu nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, cho biết sẽ yêu cầu cán bộ ủy ban và công an xã kiểm tra, nếu có tình trạng người nơi khác đến đào xới, bắt địa sâm, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, thì sẽ xử lý mời ra khỏi địa phương.
Trước đó, khoảng tháng 6/2014, tại các vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xuất hiện tình trạng người dân tập trung đào bới khai thác địa sâm. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn ở khu vực đầm phá ven biển yêu cầu ngăn cấm triệt để tình trạng này nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tại đây.
Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai xác định có 2 loại giun biển, gồm: loại nhỏ có tên khoa học sipunculus nudus linnaeus, dài khoảng 10 cm, nặng 10 - 12 gr, thân tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, rất linh hoạt; loại to gọi là sá sùng chuối, tên khoa học sipunculus sp, dài 20 - 30 cm, nặng tới 120 gr... Đây là những loài giun có lợi cho môi trường sinh thái, đồng thời có hàm lượng dinh dưỡng cao, được dùng làm thực phẩm hoặc làm thuốc để bồi bổ cơ thể.
(Theo ĐSPL)