- “Lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản phàn nàn: 7 tháng rồi mà chưa có hướng dẫn, khiến cho việc thực thi rắc rối và phức tạp hơn, cải cách kiểu gì mà lạ vậy”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

"Chúng tôi không hiểu nổi"

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã nhiều lần phản ánh về những vướng mắc trong việc thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới.

Vừa dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á ở Nhật về, ông Lộc kể lại: "Có 50 tập đoàn lớn nhất của Nhật ở đó, lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản nói thẳng, nhiều thủ tục bây giờ còn phức tạp hơn xưa. Vì sao tình hình lại như vậy? Không có hướng dẫn, thì chúng tôi biết làm sao? Sao kỳ lạ vậy, chúng tôi không thể hiểu nổi".

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng than thở: "Có rất nhiều điểm chúng tôi rất bí, không biết đường nào mà lần. Chúng tôi cũng đã tìm đủ mọi cách để DN tiếp cận được, đặt vấn đề với Sở Kế hoạch đầu tư của Thành phố nhưng ai cũng lúng túng, không làm được."

"Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành thứ tháng 11 năm ngoái mà 7 tháng trôi qua, Bộ KHĐT không ra được Nghị định, Thông tư hướng dẫn nào. Cuối tháng 6, Bộ KHĐT được giao phải có công văn hướng dẫn tạm thời, nhưng cả một bộ luật quan trọng như vậy thì hướng dẫn tạm thời làm sao được?", ông Minh chia sẻ.

{keywords}

Hàng trăm người mòn mỏi chờ đến lượt làm thủ tục ở Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội (ảnh: Phạm Huyền)

Vị Chủ tịch Hiệp hội DN này bức xúc: Trời nắng hạn, cần mưa mà trời mãi không mưa. Thời gian 7 tháng làm gì mà chậm hướng dẫn thực thi những bộ luật quan trọng này?

Mấy hôm nay, 24 quận huyện của TP. HCM cũng họp về các vấn đề cải cách môi trường kinh doanh, liên quan đến Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhưng kết quả là vẫn rối, cả DN lẫn cán bộ công chức vẫn bí.

"Chúng tôi được mời đi tập huấn, trông đợi nhiều về những cải cách đột phá ở luật mới, nhưng đến nơi thì vẫn chưa hướng dẫn có gì cả. Không có nghị định, thông tư hướng dẫn nên cũng chẳng có gì để tập huấn được", ông Cấn Đắc Vị, Giám đốc Trung tâm tư vấn về pháp luật của Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, chia sẻ thêm.

Ngưng trệ vì thiếu hướng dẫn

Ở Hà Nội, khi phòng đăng ký kinh doanh trong nước quá tải đông nghịt người xếp hàng thì ở phòng thực hiện thủ tục cho DN nước ngoài lại vắng tanh. Bởi vì không có hướng dẫn, không thể giải quyết hồ sơ cho DN được.

{keywords}

Chen chúc nhau để xin phát số thứ tự làm thủ tục ở Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội (ảnh: Phạm Huyền)

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và quan hệ đối ngoại của Trung tâm giáo dục và đào tạo Apollo, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ phải đến một nơi để làm thủ tục. Bây giờ, luật mới yêu cầu phải tách giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng phòng đăng ký kinh doanh trong nước thì ở một chỗ (khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy), bộ phận làm chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài thì lại ở chỗ khác (16B, Cát Linh, quận Đống Đa)".

Vì chưa có Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư nên việc tách giấy phép này cũng bị ngưng trệ theo.

Ông Cấn Đắc Vị liệt kê hàng loạt câu hỏi về những điểm đột phá nhưng chưa hướng dẫn rõ ràng của các luật mới.

"Luật cũ quy định chỉ có một người đại diện theo pháp luật nhưng luật mới thì quy định có thể có từ 1-3 người. Thế khi, giao dịch với ngân hàng thì ai là người đại diện tài khoản, chữ ký hay là cả 3 người? Ngay cả chuyện con dấu cũng thế, luật mới cho phép DN có thể có hoặc không có con dấu. Vậy khi giao dịch với ngân hàng mà chỉ có chữ ký thì ngân hàng có chịu không?", ông Vị "điểm danh" tiếp.

"Không có hướng dẫn, cán bộ của Sở cũng phải mò", ông Vị cho biết.

Trong khi đó, việc đăng ký ngành nghề cũng đang có những vướng mắc khi thực thị.

Hiện nay, các DN làm hồ sơ đăng ký kinh doanh ở Hà Nội vẫn phải tự tìm hiểu, tự áp mã ngành nghề hoạt động. Hồ sơ có thể bị trả lại nếu áp sai mã. Dự thảo về nghị định này do Bộ KHĐT soạn thảo cũng đang dự kiến như vậy.

Tuy nhiên, theo Ban pháp chế, VCCI: "Hướng dẫn và thực hiện như vậy là không đúng với tinh thần cải cách thông thoáng của luật mới và gây khó khăn cho doanh nghiệp".

Theo VCCI, hiểu theo yêu cầu của Luật mới, DN chỉ cần ghi ngành nghề theo cách hiểu của mình là đủ. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phải mã hoá ngành nghề cho DN để phục vụ công tác quản lý, thống kê của mình.

Luật mới quy định rút gọn nhiều thủ tục nhưng trên thực tế thực thi hiện nay DN lại phải nhận nhiều hơn các loại giấy khác như Giấy xác nhận, giấy thông báo, giấy chứng nhận...

Chẳng hạn, khi có bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh, luật mới đã bỏ thủ tục cấp mới giấy này. Nhưng trên thực tế, Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội vẫn phải cấp một loại giấy khác là "Giấy xác nhận thay đổi về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp".

Phạm Huyền