- Mỗi năm, kiếm lời hàng chục nghìn tỷ từ các mỏ dầu khí song PVN đang lo ngại thời huy hoàng sẽ qua khi ước thiếu tới 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư, không có nguồn cân đối. Giá dầu giảm chỉ là một nguyên nhân.

Lo giá dầu giảm, PVN bắt đầu thiếu vốn

Tháng 8, giá dầu thô thế giới chạm đáy trong vòng 6 năm qua và đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu sẽ phục hồi thực sự.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, ngày 20/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao dịch trên thị trường thế giới chỉ còn 41,14 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 11/3/2009. Giá dầu Brent khi đó cũng chỉ còn 46,62 USD/thùng.

Tổng Cục Thống kê cho hay, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt hơn 2,4 tỷ USD, giảm tới 47,1% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014.

Tình hình trên sẽ càng làm cho dự báo nguồn thu từ dầu thô sụt giảm, không đủ bù chi của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) mới đây trở nên chắc chắn hơn.

{keywords}

PVN đang lo ngại thời huy hoàng sẽ mau qua khi ước thiếu tới 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư, không có nguồn cân đối.

Theo báo cáo mới đây, ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc PVN, cho biết, giá dầu thô biến động bất thường theo xu hướng giảm mạnh. Giai đoạn 2011-2014, giá dầu trung bình là 115-112 USD/thùng, nhưng kể từ tháng 9/2014 đến nay, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh và đến nay vẫn chưa phục hồi.

Theo ông Quỳnh, giá dầu Brent vào đầu tháng 7/2015 chỉ còn 56,54 USD/thùng. Sự sụt giảm này đã làm giá trị sản xuất kinh doanh và nguồn thu của PVN giảm mạnh theo.

Theo tính toán, cân đối của riêng công ty mẹ - Tập đoàn PVN - dự kiến đến cuối năm 2015, nguồn vốn chủ sở hữu còn khoảng trên 35 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, do nguồn cũ chuyển sang nên PVN có thể đủ để trang trải cho đầu tư, góp vốn.

Từ năm 2017, sau khi sử dụng hết nguồn còn lại thì giữa nguồn thu và nhu cầu chi của PVN sẽ chênh lệch khá lớn.

Nguồn thu từ năm 2017 với giá dầu 60 USD/thùng, tính cả nguồn thu thoái vốn, cổ phần hoá thì mỗi năm, PVN chỉ thu khoảng 13-20 nghìn tỷ trong khu nhu cầu chi theo kế hoạch khoảng 30-40 nghìn tỷ. Do đó, cuối năm 2017, PVN bắt đầu thiếu trên 14 nghìn tỷ đồng.

Tương tự, từ năm 2018-2020, mỗi năm, nhu cầu chi luôn hơn nguồn thu nên dự kiến cuối năm 2020, PVN thiếu khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, PVN dự kiến nhu cầu tổng đầu tư cho 5 năm tới lên tới 782.902 tỷ đồng, cao cấp 1,8 lần so với giai đoạn 2011-2015. Vốn chủ sở hữu hợp nhất của PVN ước tính đến hết năm 2015 chỉ có 430 nghìn tỷ đồng.

Ông lớn xin cơ chế đặc biệt

Giá dầu chỉ là một nguyên nhân dẫn tới khó khăn trên của PVN. Ông Ninh Văn Quỳnh cho rằng, cơ chế chính sách thay đổi là lý do đầu tiên.

{keywords}

PVN kiến nghị các bộ, ngành để được thông qua cơ chế tài chính đặc biệt.

Khi Nghị định 71 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với DNNN và Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN có hiệu lực, từ năm 2013, PVN đã bị điều tiết thu gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà được để lại giảm nhiều so với trước đây. Quỹ đầu tư chỉ được sử dụng cho mục đích tăng vốn.

Hàng loạt khó khăn được PVN liệt kê ra như tỷ lệ thành công của các dự án dầu khí thấp. Điều kiện triển khai các dự án dầu khí ngày càng phức tạp nên chi phí tăng cao. Một số dự án đầu tư chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, làm chậm dòng tiền thu. Biến động lãi suất, biến động tỷ giá... đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác thu xếp vốn.

Chưa kể, tập đoàn này vẫn còn gặp khó khi phải tiếp nhận 5 dự án điện than (trong 13 dự án nhiệt điện do EVN trả lại Chính phủ-PV) có vốn đầu tư lớn cũng như các dự án tiếp nhận từ Vinashin. Quá trình thoái vốn các đơn vị thành viên chậm do một số đơn vị nằm trong diện tái cơ cấu nhưng kinh doanh thua lỗ, có nhiều tồn tại như DQS, PVOil, PVtex...

Trong khi đó, khả năng huy động vốn qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng của PVN rất khó khăn, không thể bù đắp thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn chủ.

Ông Ninh Văn Quỳnh đề nghị, PVN cần kiến nghị các bộ, ngành để được thông qua cơ chế tài chính đặc biệt.

Cụ thể, PVN muốn xin Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ trích lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí từ 10% hiện hành lên 30% lợi nhuận sau thuế, áp dụng cho công ty PVEP. Nếu được tăng lên 30% thì PVN sẽ có thêm 30.000 tỷ đồng.

Cùng đó điều chỉnh giảm 50% mức thu Quỹ hỗ trợ sản xuất phát triển doanh nghiệp (thu lợi tức) từ lợi nhuận sau thuế. Nếu giảm được, PVN sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng.

PVN cũng xin cho phép giữ lại nguồn tiền thu được từ thoái vốn, cổ phần hoá, không phải nộp về quỹ này để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho đầu tư phát triển.

Số dư vay của toàn Tập đoàn PVN tính đến 31/12/2014 đã tăng thêm 68.823 tỷ đồng so với thời điểm tháng 1 2011, tăng 13,6%/năm. Dư nợ vay của tất cả các hợp đồng thu xếp vốn mà PVN đứng tên tính tới 31/12/2014 là 2,495 tỷ USD.

Phạm Huyền