"Doanh nghiệp (DN) Việt Nam hội nhập như đi trên một cầu khỉ chênh vênh, trên lưng đè nặng gánh nặng về chi phí. Họ cố gắng cúi đầu, dò dẫm từng bước chân để khỏi rơi xuống sông. Người ta không thể nhìn xa để vươn tới thị trường bên ngoài".

Đừng đổ lỗi cho DN

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm 2015 đang diễn ra ở Thanh Hoá, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã ví von như trên để nói về tình cảnh của DN Việt Nam.

Ông nói, "người ta cứ đổ cho DN không biết gì về hội nhập. Tôi thấy xót quá".

{keywords}
Diễn đàn Kinh tế mùa Thu diễn ra ở Sầm Sơn - Thanh Hóa.

"Vấn đề nền tảng ở đây là Nhà nước. Nhà nước có hội nhập hay không?”, ông Cung nói. Theo ông, vai trò của Nhà nước hiện nay không thu hẹp mà vẫn giữ nguyên như 30 năm trước. Các công cụ cũng không thay đổi. Tư duy vẫn là đứng trên DN, kiểm soát DN chứ không phải là đồng hành, là đối tác để hỗ trợ DN. Chính vì thế, có rất nhiều rào cản cho DN đã được đặt ra.

"Thảo luận về hội nhập kinh tế không nên phê phán doanh nghiệp mà trọng tâm câu chuyện là ở phía Nhà nước. Nhà nước phải bổ sung và làm cho thị trường vận hành hiệu quả hơn chứ không làm méo mó nó", TS Cung kết luận.

GS Võ Đại Lược cũng đánh giá: "Hội nhập đi liền với đổi mới. Chúng ta chỉ chú trọng hội nhập bằng các cam kết nhưng đổi mới bên trong thì chậm trễ quá".

Việt Nam hội nhập nhanh nhất thế giới

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế kỳ này là "Kinh tế Việt Nam: hội nhập và phát triển bền vững". Một tranh luận sôi nổi không kém giữa các chuyên gia kinh tế và các vị quan chức là tốc độ đàm phán chóng mặt về hội nhập Việt Nam. Liệu điều đó là tích cực hay tiêu cực?

GS Võ Đại Lược đúc kết: "Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN và cũng dẫn đầu thế giới về kỳ tích hội nhập".

Ông so sánh: "Một cường quốc như Trung Quốc mới ký có 15 FTA (Hiệp định thương mại tự do). Nhỏ như Việt Nam cũng ký chừng ấy FTA. Trong khi hội nhập quốc tế sâu rộng thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không theo kịp".

{keywords}
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cũng nhìn nhận: "Ta chỉ chủ động đàm phán là chủ yếu. Từ năm 2011 đến nay, ta đàm phát tới 6 FTA. Với tốc độ này, ta không thua nước nào trong ASEAN. Hội nhập quốc tế đi rất nhanh như vậy, nhưng ta lại không vượt qua tốt được các thách thức và không tận dụng được hết các cơ hội".

Dẫn lại số liệu của một nghiên cứu về nhận thức của doanh nghiệp,76% doanh nghiệp Việt không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN, 63% DN cho rằng không ảnh hưởng gì ở AEC này…, ông Tuyển lo ngại: "chúng ta không đủ sức đối đầu với cạnh tranh sẽ diễn ra trong hội nhâp".

Lại dẫn tiếp số liệu 20 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, doanh nghiệp Việt mới tận dụng được 25,6% ưu đãi về chứng nhận xuất xứ để được miễn thuế trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, ông Tuyển cho rằng: "Vì DN không biết, hoặc không quan tâm và thậm chí là do cơ cấu kinh tế nên không thể tận dụng được các ưu đãi như vậy".

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều lo ngại rủi ro sẽ rất lớn trong hội nhập khi nền kinh tế Việt Nam vốn đã kém cạnh tranh, lại đang thiếu đi những hàng rào kỹ thuật cần thiết.

Nói như TS Lê Đăng Doanh: "Ta cứ hồn nhiên mở cửa mà không lo bảo vệ mình. Các tổ chức quốc tế đều dự báo rất cao về những hiệu ứng tích cực ở Việt Nam trong hội nhập, nhưng là trên cơ sở ta vượt qua thách thức, chiếm được 100% cơ hội. Thử nghĩ xem, thực tế, ta có chiếm nổi 50% cơ hội trong hội nhập hay không?".

Phạm Huyền