- Bộ Tài chính đang đề nghị xoá nợ cho các doanh nghiệp Nhà nước với con số ước tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân đã bỏ trốn, mất tích quá lâu, cơ quan thuế không xác minh được cũng sẽ có cơ hội được xoá nợ thuế.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ dự kiến xin cơ chế xoá nợ thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian qua.

Trong đó, đối với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), sẽ có hai nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ này.

Thứ nhất là các doanh nghiệp sắp xếp lại và đang có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ hai là các DNNN đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.

Bộ Tài chính cho hay, Điều 65 của Luật quản lý thuế hiện hành đã cho phép xoá nợ tiền thuế, tiền phạt khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Luật cũng cho phép xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế khác đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

{keywords}

Bộ Tài chính đang đề nghị xoá nợ cho các doanh nghiệp Nhà nước với con số ước tới 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, các quy định này chưa bao quát được hết các trường hợp nợ xấu, khó đòi, nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp DNNN thực hiện sắp xếp lại, hoặc cổ phần hóa như trên.

Theo Bộ này, việc xoá nợ thuế cho DNNN như vậy sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc như DNNN đã có quyết định giải thể, hoặc đã chuyển đổi sở hữu chưa được xử lý nợ thuế, trong khi pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Như vậy, chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tái cơ cấu lại DNNN thành công.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn dự kiến xin xoá nợ tiền thuế cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác gặp khó khăn khách quan đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013.

Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước, có khoản tiền phạt chậm nộp trước ngày 1/1/2015 và chưa được gia hạn thời hạn nộp thuế. Trong đó, lý do khiến doanh nghiệp phát sinh nợ thuế là do ngân sách chưa thanh toán kịp thời.

Nhóm đối tượng thứ hai là những doanh nghiệp phát sinh nợ thuế có nguyên nhân từ việc đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế.

Điều kiện đi kèm là tất cả các doanh nghiệp trên đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12//2015.

Cùng đó, những khoản nợ thuế của các cá nhân, doanh nghiệp đã đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản mà cơ quan thuế đã xác minh thông tin nhưng không tìm được người nộp thuế thì cũng sẽ được xoá.

Các đề xuất trên sẽ được trình ra kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào tháng 10 tới.

Cuối năm ngoái, Bộ Tài chính cũng đã từng trình Quốc hội gói hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân như trên, nhưng với điều kiện đã nộp nợ gốc trước 31/12/2014 và số tiền ước là 4.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội không ủng hộ và cho rằng, nếu xoá cả tiền phạt chậm nộp thuế thì sẽ tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm minh quy định pháp luật về thuế.

Gần đây nhất, tháng 6, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư xoá nợ nhiều khoản thuế từ thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt... cho các cá nhân, hộ gia đình các khoản nợ thuế phát sinh trước 1/7/2007.

Phạm Huyền