Ngày vào tù tóc hãy còn xanh, đến khi ra tù thì đầu đã bạc. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, với nhiều bỡ ngỡ nhưng máu kinh doanh vẫn còn “rần rần” trong huyết quản, Nguyễn Văn Mười Hai quyết làm lại cuộc đời.
Vướng vòng lao lý
Những năm thập niên 80, Nguyễn Văn Mười Hai là một trong những "đại gia số 1" Sài thành, đi đâu cũng có đoàn vệ sĩ hộ tống, hú còi. Thế nhưng, khi đang trên đỉnh vinh quang ấy, ông lại vướng vào vòng lao lý và đối diện với án tử hình, sau đó được chuyển thành án chung thân.
Nhờ cải tạo tốt, sau 17 năm thi hành án, Nguyễn Văn Mười Hai được tái hòa nhập cộng đồng.
Nguyễn Văn Mười Hai của thời hiện tại |
Nguyễn Văn Mười Hai đúc kết cuộc đời mình trong ba tập. Tập một là từ trong gian khó vươn lên thành "đại gia số 1" Sài thành. Tập hai là quãng ngày dài đằng đẵng trong trại giam. Tập ba chính là những ngày làm lại cuộc đời khi vừa chấm dứt… “bộ tộc tà - ru”, tức người ở tù ra, theo cách nói lái dí dỏm của ông.
Nguyễn Văn Mười Hai không muốn nói nhiều về tập một, bởi đó đã là quá khứ. Tập hai được tôi khơi lại vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9, cả nước có hơn 18.000 phạm nhận được tha tù trước thời hạn.
Nhớ lại những ngày ở trại giam với án chung thân khổ sai, Nguyễn Văn Mười Hai không khỏi rùng mình. Ông bảo, khi ấy, tuổi ông còn trẻ, hơn 30 thôi. Nhiều lúc chán nản, suy nghĩ tiêu cực, ông muốn tìm đến cái chết để sớm… giải thoát mình. Nhưng nghĩ đến gia đình, vợ con, ông tự khuyên mình phải sống.
Ông tìm thấy niềm vui qua môi trường lao động cải tạo. Những khi đi lao động về, được xem truyền hình, thi đá bóng, bóng chuyền, làm báo tường… những thói quen đó là liều thuốc màu nhiệm giúp những phạm nhân như ông quên đi những gì đang lo sợ.
Ông nỗ lực từng giờ bởi cuộc sống ngoài kia đang thôi thúc. Bởi ông nghĩ, vào tù, chỉ mất quyền tự do thôi, còn nhiều quyền khác như quyền sống, quyền lao động, được chăm sóc khi đau ốm cũng bình đẳng như bao người bình thường khác. Nhờ những phấn đấu không mệt mỏi đó, ông đã có cơ hội làm lại cuộc đời.
Khi tôi trò chuyện cùng ông cũng là lúc 18.000 phạm nhân được đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9. Những kỷ niệm ùa về trong ông…
“Là một người từng đi thi hành án, tôi rất mừng cho 18.000 người hưởng đặc xá lần này được trở về sum họp với gia đình, hoà nhập xã hội. Tôi lấy làm tiếc cho những phạm nhân khác chưa hưởng đặc xá. Tôi hy vọng trong các đợt đặc xá khác, những ngày lễ lớn tới, họ cũng có tên trong danh sách đặc xá”, Nguyễn Văn Mười Hai chia sẻ.
Kể về giây phút được ân xá, Mười Hai cho biết ông rất sung sướng. Nhưng niềm vui đi cùng nỗi lo. “Tôi phải làm gì để sống, sống như thế nào khi tôi đi từ thời hậu ăn bo bo, ra tù lúc kinh tế thị trường, gia nhập WTO, xã hội văn minh, thay da đổi thịt”, Nguyễn Văn Mười Hai kể lại câu chuyện trong tiếng thở dài.
Ngày tái hoà nhập cộng đồng, ông bỡ ngỡ khi thấy người ta sử dụng điện thoại di động. Bạn bè rủ đi hát karaoke, ông hỏi: “Ủa, sao chữ nó biết chạy?”. Sau 17 năm, Sài thành quá xa lạ với ông. Dù trong trại giam, ông được học tập, rèn luyện rất nhiều nhưng khi ra xã hội, cảm giác chán nản vì lạc hậu phủ trùm lấy.
“Tôi có cảm giác bỏ cuộc”, ông kể lại mà như lời thảng thốt năm xưa còn hiện hữu.
Cuộc đời Nguyễn Văn Mười Hai chia làm 3 tập nhưng ông thích kể về tập 3 hơn |
Bước qua những ranh giới
Nguyễn Văn Mười Hai sang nhượng lại một quán cơm bình dân. Mỗi suất bán cho công nhân chỉ có 5.000 đồng. Ông chấp nhận lấy công làm lời. Ông bán cơm để tìm kiếm sự chia sẻ, cố công hoà nhập cuộc sống mới nhưng nhiều khi thấy bất lực. Khi ấy, ông quyết định không làm kinh doanh nữa mà sẽ suốt đời bán cơm để kiếm ngày 3 bữa.
Khi đang là “ông chủ” của một quán cơm bình dân, Mười Hai vẫn là nhân vật được báo chí quan tâm. Không phải ai ông cũng… “mở cái bụng” để kể chuyện… ngày xưa. Từ một bài báo hiếm hoi ông chấp nhận trả lời phỏng vấn, thông cảm cho hoàn cảnh của ông lúc đó, một trường doanh nhân danh giá của Anh quốc đã mời ông đi học khóa CEO với mức phí hơn 1.000 USD.
Số tiền ấy quá sức tưởng tượng với một ông chủ quán cơm bình dân giá 5.000 đồng như ông. Ông không có khả năng tài chính để đi học. Mà có muốn đi, vợ con cũng không đồng ý.
Sau đó, có một người làm việc tại trường cho ông mượn số tiền để đóng học phí mà không đòi hỏi ngày trả lại. Đến nay, Mười Hai cũng thú thật chưa hoàn số tiền đó cho người đã mang đến cuộc “cách mạng tri thức” cho mình.
Học xong, chàng “sinh viên” ở tuổi gần… 50 ấy đi làm CEO cho một số công ty lớn. Ông không còn lệ thuộc bạn bè, gia đình nữa. “Bạn bè sao lo cho mình suốt được. Gia đình thì các con mới lớn, đi làm cũng đủ lo cuộc sống. Với người đàn ông, có sức khoẻ, trí tuệ thì phải biết đi kiếm tiền để giải quyết cuộc sống hằng ngày, chẳng lẽ chờ bè bạn. Và cuối cùng, tôi được nhiều người mời”, ông kể.
Ông không mở công ty vì không có điều kiện vốn liếng mà chuyên tâm giúp các doanh nghiệp mình nhận lời tư vấn tạo ra giá trị thặng dư. Ông không đòi hỏi mức lương bao nhiêu nhưng theo ông nói, công ty nào cũng… “cư xử được”.
Thật bất ngờ, một người bị cách ly xã hội ròng rã 17 năm tù lại nói về hội nhập và kinh tế thị trường một cách sâu rộng như Nguyễn Văn Mười Hai. Ông tâm niệm, với một doanh nhân, phải đảm bảo 4 tiêu chí trong kinh doanh: Sử dụng vốn xã hội, bảo toàn vốn, tạo ra cơ hội và chộp lấy thời cơ, thực hiện trách nhiệm cộng đồng.
Nguyễn Văn Mười Hai còn cho rằng, trong kinh doanh thì nên có hướng đi riêng. Cái gì không ai làm hoặc ít người làm thì ta làm. Nhờ thế, ông tiếp tục thành công trong vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp với các loại mỹ phẩm làm từ bùn khoáng thiên nhiên và khoáng chất thiên nhiên...
Ông kể, nếu ngày trước ông là người sáng lập, cổ đông lớn của mỹ phẩm Thanh Hương thì khi ra tù, được thuận chủ trương cho gầy dựng lại sản phẩm Thanh Hương với thương hiệu mới nhưng ông chỉ là sáng lập, tư vấn điều hành chứ không còn là ông chủ nữa.
“Điều hành bây giờ khác xưa. Phải áp dụng chiến lược ngách”, ông nói. Cũng vì thế mà những sản phẩm sữa tắm bùn, dầu gội bùn, sữa rửa mặt bùn, mặt nạ bùn khoáng do ông nghiên cứu và tư vấn cho các kỹ sư trẻ không đụng hàng với ai. Nhờ đó mà đứng vững trên thị trường.
“Cuộc đời tôi có ba tập. Tập một là từ nghèo khó lên làm giàu. Tập hai bước chân vào tà - ru. Tập ba là tái khởi nghiệp. Tôi nghĩ tập ba này là hay hơn cả. Chỉ có sức khỏe và trí tuệ mới thành công”, Nguyễn Văn Mười Hai kết lại.
(Theo Dân Trí)