Chuyên mục Góc nhìn thẳng trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội về việc giá xăng giảm liên tục thời gian qua, nhưng giá cước vận tải vẫn chần chừ "giảm".

Nhà báo Phạm Huyền: Giá xăng dầu trong nước đã có 5 lần giảm liên tiếp và gần đây nhất, giá xăng giảm sâu tới 1.200 đồng/lít. Song, các doanh nghiệp vận tải vẫn thường chần chừ giảm cước và nếu giảm thì giảm nhỏ giọt khiến người dân bức xúc.

Chương trình "Góc nhìn thẳng" mời ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội để cùng trao đổi về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, doanh nghiệp vận tải thường chần chừ giảm cước mặc dù giá xăng dầu giảm nhiều lần. Ông có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Bùi Danh Liên: Trước hết, lẽ thường tình, khi làm việc gì giảm quyền lợi của mình thì không phải ai cũng hăng hái mà cũng phải chần chừ. Tuy nhiên, nói doanh nghiệp vận tải cả nước chần chừ giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm thì không thực sự là hoàn chỉnh hoàn toàn. 

Một là, xăng dầu giảm là giảm nhỏ giọt, chưa đủ biên độ để giảm cước. Giảm 300 đồng, 500 đồng/lít thì không thể tác động vào yếu tố cấu thành giá thành vận tải, để giảm giá xuống được. Phải đợi một thời gian, khi giá xăng dầu giảm xuống khoảng 10%, khi ấy, các doanh nghiệp mới bắt đầu nghiên cứu, rà soát các yếu tố đầu vào, từ đó, xây dựng giá cước vận tải hợp lý với tỷ lệ giảm của giá xăng dầu.

Lý do thứ hai, thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT số 152, quy định rằng, nếu điều chỉnh giá cước vận tải từ 3% trở xuống thì chỉ cần thông báo. Nếu điều chỉnh từ trên 3% trở lên thì phải rà lại giá cước. Nói một câu là rà soát lại giá cước, không đơn giản chút nào.

Trên một tuyến đường đi, anh phải tập hợp tất cả các chứng từ hoá đơn như xăng dầu, cầu phá có thay đổi hay không, phí trạm BOT có thay đổi hay không, lốp có thay đổi hay không, phí dịch vụ có thay đổi hay không... Tất cả những thứ đó, doanh nghiệp phải tập hợp 14 yếu tố mới thành giá thành sản phẩm. Những đơn vị nào chạy chuyên một tuyến thì việc này rất đơn giản. Nhưng những đơn vị nào có vài chục tuyến thì việc này càng khó khăn.

Nếu như, giá đầu vào giảm theo giá xăng dầu thì doanh nghiệp phải giảm cước. Nhưng nếu các giá đầu vào không giảm theo giá xăng dầu thì doanh nghiệp không thể giảm cước.

Ví dụ, đầu năm nay, trong đợt kiểm giá cước vận tải thì hầu hết các đơn vị đã giảm giá. Nhưng từ đó trở đi thì giá xăng dầu lại tăng. Có một số đơn vị đã tăng cước theo giá xăng dầu. 104 hãng taxi ở Hà Nội chỉ có 3 hãng tăng giá từ 500-1.000 đồng/km. Ngày 19/8 vừa rồi, các doanh nghiệp thấy khung giá giảm tới mức về như mức đầu năm trước khi tăng giá thì các đơn vị này đã giảm.

Riêng vận tải tuyến cố định, từ đầu năm đến nay, khi dầu tăng, các đơn vị ở Hà Nội chúng tôi không tăng giá.

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, nếu giá xăng dầu hôm kia vừa hạ xong, tuyến cố định chắc chắn sẽ không hạ giá. Phải đợi đến 19/9 tới đây, đến kỳ hạn điều chỉnh giá xăng dầu, nếu giá dầu hạ nữa thì các đơn vị phải giảm cước.

Riêng tuyến taxi, đến nay, đã ở mức 11.000 đồng/km là phù hợp với giá đầu vào. Nếu tiếp tục giá xăng, giá dầu hạ nữa thì dứt khoát họ phải giảm giá.

Ở Tp HCM, có những doanh nghiệp taxi đã tăng giá cước. Họ nhạy ở chỗ khi giá xăng dầu tăng thì họ tăng cước luôn, khi giảm thì họ giảm luôn. Ở phía Bắc, doanh nghiệp hơi bảo thủ, chỉ sợ giảm cước một cái thì giá xăng dầu lại tăng, hoặc tăng lên một cái thì giá xăng dầu lại giảm.

Phải nói rằng, đó là tính chần chừ của doanh nghiệp. Mỗi lần thay đổi giá cước là một lần vất vả vô cùng. Cả bộ máy quản lý doanh nghiệp phải xông vào làm. Với taxi, 2 vạn taxi sẽ phải kiểm định lại đồng hồ, lấy đâu mà kiểm định ngay được. Hà Nội có 3 trạm kiểm định thì gần 2 vạn taxi chắc chắc không làm kịp.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, một nghiên cứu cho thấy, giá xăng đã giảm 15,8%, giá dầu diezen đã giảm 18% trong 2 tháng qua nhưng chỉ có một số doanh nghiệp taxi TpHCM chỉ giảm cước 3-5%. Ông phân tích như thế nào về sự giảm giá dường như không tương xứng này?

Ông Bùi Danh Liên: Nếu dùng việc giá xăng dầu giảm 10% thì giá cước vận tải phải giảm 10%, là phép cộng thì không đúng. Cái đó không đúng với quản lý kinh tế thị trường, theo sự vận hành của kinh tế thị trường.

Trong thời gian qua, giá dầu có giảm nhưng phí BOT tăng lên một cách kinh khủng. Các trạm BOT thành lập dày đặc trên các tuyến đường. Một xe khách giường nằm chạy từ bến xe nước ngầm đi Hà Tĩnh, trước đây chạy chỉ mất 7-8 triệu đồng phí BOT thì thời gian qua, lên tới gần 20 triệu. Vậy thì, xăng dầu giảm nhưng phí BOT lại tăng lên nên phải rà soát lại, không thể làm bài toán số học trong vấn đề giảm giá, tăng giá của xăng dầu. Phải có một bài toán kinh tế vận tải chặt chẽ, trong đó, có nhiều chuyên gia vận tải và chuyên gia kinh tế tham gia ý kiến.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, nhiều doanh nghiệp nêu lý do thủ tục đăng ký, kê khai giá cộng với việc kiểm định nên mất nhiều thời gian, cộng. Với lý do đó, người tiêu dùng vẫn thấy rằng doanh nghiệp viện lý do để trì hoãn giảm cước. Để minh bạch vấn đề này, theo ông, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần có những biện pháp như thế nào để cải thiện tình trạng này?

Ông Bùi Danh Liên: Vận tải vẫn là một ngành theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp tự định giá, Nhà nước sẽ rà soát. Tất cả các ngành kinh doanh phải bình đẳng như nhau. Tại sao các ngành khác lại không quản lý chặt như thế. Ví dụ, tàu hoả cũng dùng diezen, máy bay cũng dùng dầu. Tàu biển cũng dùng dầu, một số nhà máy điện cũng đốt bằng dầu. Khi giảm giá dầu, các cơ quan Nhà nước cũng lờ các doanh nghiệp đó đi. Phải chăng, vì họ là doanh nghiệp Nhà nước.

Chúng tôi nghĩ rằng, phải bình đẳng, có như thế thì các doanh nghiệp vận tải mới đỡ buồn về việc mang tiếng chần chừ giảm cước.

Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ GTVT không được lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội vận tải tham gia. Chúng tôi thấy rằng, đó là tình trạng áp đặt. Anh mà thay đổi giá cước trong 5% mà không phải là 3%, khi dầu xuống, chúng tôi chỉ thông báo là xong. Chúng tôi làm như thế này, sai thì chúng tôi chịu trách nhiệm, chúng tôi phải làm ngay. Nhưng bây giờ, điều chỉnh 5% thì phải rà soát giá thành, phải thu hồi toàn bộ chứng từ của doanh nghiệp.

Vừa rồi, ở một Sở Tài chính, khi doanh nghiệp đăng ký giá, phí BOT cao lên, người ta bảo, một tuần họ chỉ nhận hồ sơ trong 2 ngày, đến ngày thứ 2 phát hiện ra phí BOT cao lên mới yêu cầu thu hồi toàn bọ vé tuyến đường đó để đối chiếu.

Hợp đồng bến xe điều chỉnh theo năm, trước không có yêu cầu, giờ, Sở cũng yêu cầu lấy hợp đồng lên để đối chiếu. Bản thân cơ quan phòng tài chính đó rà soát chứng từ cũng còn lâu hơn cả thời gian doanh nghiệp đăng ký giá.

Thấy rằng, cơ quan quản lý Nhà nước nói thì đúng nhưng việc mà cơ quan Nhà nước làm chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chúng tôi thấy rằng, Nhà nước, chủ yếu là Bộ Tài chính, Bộ GTVT chủ trì hội thảo khoa học xem xét việc vận hành giá cước trong cơ chế thị trường xăng dầu thay đổi như thế nào. Nếu tình trạng như thế này, doanh nghiệp vận tải rất khốn khổ không làm kịp được và như thế, vẫn mang tiếng là chần chừ, không giảm cước.

- Xin cảm ơn ông!

  • VietNamNet