- Không có khả năng thanh toán, các con nợ chìm trong vòng xoáy bi kịch của tín dụng đen và phải đối mặt với đám đòi nợ thuê. Con nợ chỉ mong... chết cho hết nợ.

Giám đốc treo cổ vì tín dụng đen

Là một giám đốc công ty bán máy tính ở TP.HCM nhưng số phận ông L. lại kết thúc bằng cái chết trong tư thế treo cổ cùng bức thư tuyệt mệnh. Từ việc vay 300 triệu đồng để kinh doanh, ông L. đã trở thành con nợ với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Khoảng cuối năm 2013, vợ chồng ông L có vay số tiền 100 triệu đồng với thỏa thuận 1 tháng sau trả tổng cộng 120 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Sau đó, vợ chồng ông tiếp vay khoảng 300-400 triệu đồng. Lúc đầu, vợ chồng ông trả góp 12 triệu đồng/ngày, sau đó, do không trả nổi nên ông xin giảm dần xuống theo mức 50-40-35 triệu đồng/10 ngày. 

Mặc dù trả lãi suất gấp nhiều lần so với số tiền gốc vay nhưng chỉ trong thời gian ngắn ông L. không trả được, “lãi mẹ đẻ lãi con” và đến nay số nợ lên đến 1,2 tỷ đồng.

{keywords}
Nhiều trường hợp vay tín dụng đen phải tự tử để thoát nợ

Phía chủ nợ ép vợ chồng ông L. bán nhà với giá 2,5-2,7 tỷ đồng cho họ, trong khi căn nhà này đã có người đặt cọc mua 3 tỷ đồng. Do không đồng ý, ông đã bị đối tượng tín dụng đen đe dọa,  yêu cầu ký vào giấy nợ 1,2 tỷ đồng. Và tối hôm đó, ông L. đã treo cổ tự tử.

Năm 2013, tại Tiền Giang, một nhân viên ngân hàng đã giết chết vợ đang mang thai và đứa con trai 7 tuổi rồi treo cổ tự tử. Trong căn nhà xảy ra án mạng, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mệnh. Trong thư, anh này cho biết do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nên giết vợ con rồi treo cổ tự tử để được giải thoát.

Hay như câu chuyện của anh M. (huyện Thanh Trì, HN) vì cần vốn làm ăn, cách đây không lâu  đã vay tiền của một số người. Việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, khiến anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 

Tháng 6/2015, anh M. bị các đối tượng ép lên taxi tới quận Hà Đông. Tại đây, anh đã bị các đối tượng hành hạ, đánh đập đến ngất đi. Sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhóm đối tượng trên đã ép nạn nhân viết giấy nợ 800 triệu đồng rồi mới thả. 

Uống thuốc độc để tồn tại

Các kiểu cho vay của tín dụng đen phổ biến là cho vay tháng với lãi suất từ 3-5%/tháng (khoảng 36 đến 54%/năm), vay ngày với lãi suất từ 0,3-0,5 có khi là 1%/tháng, tương đương từ 180-360%/năm. Lãi suất đáo hạn của tín dụng đen là 5.000 đồng/triệu/ngày, có khi lên tới 10.000 đồng/triệu/ngày, gọi theo cách của các chuyên gia trường hợp này là “uống thuốc độc để tồn tại”. 

{keywords}
Đủ kiểu đòi nợ của xã hội đen

Thực tế có những vụ án, do con cái nợ nần, các đối tượng đòi nợ thuê đã gây sức ép, đe dọa bố mẹ con nợ, cho người canh gác nhà bố mẹ con nợ 24/24 khiến cha mẹ con nợ vì phẫn uất mà thắt cổ tự tử.

Theo báo cáo của cơ quan công an, một số vụ việc các đối tượng sử dụng vũ khí để đe doạ, đánh đập khủng bố tinh thần bằng cách ném chất bẩn, đặt vòng hoa trước nhà con nợ, gây sức ép, truy sát con nợ ngang nhiên giữa nơi đông người hoặc tại nhà của con nợ dẫn tới chết người. Một số vụ vỡ nợ, do hoang mang, lo lắng không đủ tiền trả nợ, các đối tượng thực hiện hành vi bột phát, các con nợ đã tự sát để trốn nợ. 

Từ năm 2010-2014, liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Liên quan tới nó là hơn 6.000 vụ việc trong đó 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ.

Cơ quan công an đã bắt giữ xử lý 56 băng nhóm gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.

Khi tìm hiểu câu chuyện của những vụ tín dụng đen, người ta không khỏi giật mình khi một số người dân - vì mục đích vay tiền - mà vô tư ký vào các loại giấy tờ ngay ở ngoài chợ, còn dịch vụ công chứng cũng thực hiện ngay ở quán cóc vỉa hè.

D.Anh