- Năng suất lao động ở Việt Nam vẫn quá thấp, có thể 20 năm nữa Việt Nam mới xoá bỏ được sự cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines và mất thêm 50 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan.

TS Hồ Đình Bảo - Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết thông tin trên tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 9 tháng" diễn ra sáng 11/9.

Ông Bảo cho hay: "Tính năng suất lao động theo giờ công, một giờ làm việc của người lao động Singapore tạo ra 49,5 USD giá trị gia tăng trong khi đó, một giờ lao động của một lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD".

Năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Hiện nay, năng suất của ta thấp hơn 18 lần so với Singapore, thấp hơn Hàn Quốc 11 lần, Malaysia 7 lần, Thái Lan 3 lần, Trung Quốc 3 lần, Indonesia và Philippines 2 lần.

Năng suất tổng hợp của Việt Nam chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia 36,4%.

{keywords}

Năng suất lao động ở Việt Nam vẫn quá thấp.

Nếu không quy đổi ngang bằng sức mua, năng suất lao động Việt Nam năm 2012 là 1.834 USD theo giá thực tế, tương đương 38,2 triệu đồng. Đến năm 2014, năng suất lao động ở Việt Nam đạt 51,11 triệu đồng.

"Tốc độ tăng năng suất Việt Nam còn chậm dần lại. Cứ cho rằng người ta đứng yên thì ta hơn 10 năm nữa mới bắt kịp Indonesia, Philippines. Nhưng người ta không đứng yên được", TS Bảo phân tích.

Theo báo cáo nghiên cứu trên, nếu xét theo giai đoạn, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam có dấu hiệu giảm dần, giai đoạn 2008-2012 chỉ còn 0,4%, trong khi giai đoạn trước 1997-2008 là 0,5% và giai đoạn 1991-1997 là 0,06%.

Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động nhanh nhất trong khu vực, điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng bắt kịp với các quốc gia có năng suất cao hơn.

Với dữ liệu này, so sánh tương quan tăng trưởng năng suất với các nước xung quanh thì Việt Nam cần 12 năm nữa mới bắt kịp năng suất hiện nay của Indonesia và Philippines, cần 20 năm nữa để bắt kịp Thái Lan.

Song, "nếu giả định cùng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như hiện nay của các nước trong khu vực thì phải 20 năm nữa Việt Nam mới xoá bỏ được sự cách biệt về năng suất lao động so với Indonesia và Philippines và mất thêm 50 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan", ông Bảo nói.

Một nghịch lý khác là trên nguyên tắc, năng suất lao động phải nhỏ hơn tăng lương nhưng ở Việt Nam lại luôn hoàn toàn ngược lại, thậm chí là tiền lương tăng luôn vượt xa năng suất.

Ông Bảo đưa ra tới 6 khuyến nghị với thông điệp nhấn mạnh, năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng. Việt Nam cần vực dậy làn sóng tăng trưởng dựa vào các nhân tốt khởi nguồn tăng trưởng mới thay thế cho sự hụt hơi của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây. Trong đó, phải đẩy mạnh cải hiện năng suất nội ngành, nội khu vực thông qua cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động.

"Ngoài ra, Chính phủ phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Đây mới chính là khu vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn sắp tới", ông Bảo khuyến nghị.

Phạm Huyền