Những điểm “nóng” tổ chức tín dụng đang dần được “hạ nhiệt” dưới nhiều hình thức khác nhau, duy chỉ một ngân hàng luôn nằm trong tâm điểm của thị trường vẫn không hề động tĩnh, dù thời điểm họp đại hội đồng cổ đông bất thường đã được dự định trong tháng 8, rồi giữa tháng 9 và giờ thời gian cứ trôi. Ngân hàng đó là Eximbank.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định đình chỉ thêm một phó tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Đông Á, đồng thời đưa người của VietinBank và BIDV vào đảm nhiệm các chức danh trên, cảm nhận của thị trường là Đông Á đang chuyển động. Khó có thể nói mới chưa đầy tháng kể từ khi bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chuyển động của Đông Á đã tích cực đến mức “thay da đổi thịt”. Mọi quá trình, đặc biệt là xử lý nợ xấu, cần có thời gian và nhất là Đông Á cần cơ cấu lại nhân sự.
Ngày đầu tuần thứ Hai, Ngân hàng TMCP Phương Nam cũng chính thức được phép sáp nhập vào Sacombank. Sắp tới, cái tên Phương Nam không còn tồn tại nữa. Những điểm “nóng” tổ chức tín dụng đang dần được “hạ nhiệt” dưới nhiều hình thức khác nhau, duy chỉ một ngân hàng luôn nằm trong tâm điểm của thị trường vẫn không hề động tĩnh, dù thời điểm họp đại hội đồng cổ đông bất thường đã được dự định trong tháng 8, rồi giữa tháng 9 và giờ thời gian cứ trôi. Ngân hàng đó là Eximbank.
Eximbank vẫn đang là tâm điểm của thị trường. |
Khoảng hơn mười ngày trước, đại diện Cục Thanh tra giám sát chi nhánh TPHCM xuống làm việc trực tiếp với các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank. Vấn đề cốt lõi vẫn là làm rõ, xác nhận cụ thể việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu để lọc ra những tỷ lệ sở hữu thật. Những phần cổ phiếu được mua bằng tiền vay mượn, nói chính xác là tiền ảo, thì chủ nhân đồng thời là những người vay phải chuyển nhượng để trả cho hết nợ. Quá trình này đang rất chậm ở Eximbank vì tìm được người mua với tiền tươi thóc thật lúc này khó như lên trời. Hơn nữa, những người đang nắm giữ cổ phiếu bằng tiền ảo ở thế tiến thoái lưỡng nan. Muốn bán, họ chỉ còn cách “đổ” ra sàn, mà thị giá cổ phiếu Eximbank lại đang ở mức thấp, gần như đáy của hai năm qua. Bán là cầm chắc lỗ chưa kể lãi vay phải trả cho ngân hàng.
Mặt khác, một số cổ đông của Eximbank có liên quan “dây mơ rễ má” đến một số tổ chức tín dụng khác.
Bóc tách đi những gì nằm trên bề mặt, nhìn lại chặng đường năm năm cơ cấu cổ đông của Eximbank có dấu ấn của những ông chủ ngân hàng, mà sự tháo gỡ dứt điểm đòi hỏi cắt bỏ không ít chân rết. Tiền ảo vẫn chạy vòng quanh theo hình xoáy trôn ốc, càng lên cao nó càng mất hút và đôi khi làm người ta lầm tưởng nó đã trở thành tiền thật. Chẳng thế mà một quan chức cấp cao của NHNN khi đề cập đến Eximbank đã khẳng định “sẽ đi đến cùng, làm rõ trắng đen sở hữu chéo, cổ phần, cổ phiếu”.
Chính sự phức tạp trên mà kết quả thanh tra Eximbank vẫn chưa được công bố, mà chưa có kết luận thanh tra, chưa thể giải quyết vấn đề nhân sự, chưa thể họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Tuy nhiên, những thông tin hành lang rò rỉ cho thấy một số cán bộ chủ chốt của Văn phòng 2 NHNN ở TPHCM và Vietcombank đang được cân nhắc cho chức danh chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc của Eximbank. Giới ngân hàng nhận định việc người của Vietcombank được cử sang Eximbank cũng không có gì quá ngạc nhiên. Trong quá khứ, vào những thời điểm khó khăn, Eximbank cũng đã từng “dựa” vào Vietcombank để “hồi sinh”.
Không có sự thẩm định giá trị ngân hàng nào chính xác bằng thị trường. Thị giá cổ phiếu của những ngân hàng tái cơ cấu tốt như VCB, BIDV, CTG đang ở một mặt bằng mới, trong khi các ngân hàng cổ phần niêm yết (trừ MBB) tiếp tục chật vật. Sự thiên lệch “cán cân quyền lực” giữa các ngân hàng nửa quốc doanh và cổ phần đang ngày một rõ. Rồi đây, có thể sẽ còn có thêm một số ngân hàng 0 đồng, và “bàn tay nhà nước” sẽ còn dài thêm. Âu cũng là tất yếu trong điều kiện dòng vốn tư nhân đang lảng tránh lĩnh vực ngân hàng.
(Theo TBKTSG)