Ở lưng chừng đèo Lò Xo, một gã thanh niên để đầu trần chạy xe máy tay cầm mấy chùm sâm lủng lẳng mời chào các bác tài xe khách, xe container, xe du lịch với tiết lộ "uống khỏe, uống sung". Khi thấy khách quan tâm hỏi tới, sau tiết lộ đây là sâm quý của tộc người Giẻ Triêng, gã bèn bỏ nhỏ với khách vừa tìm được mấy củ sâm Ngọc Linh cần bán với giá rất rẻ, chỉ dăm bảy triệu đồng 1 kg?

Trên đỉnh đèo Lò Xo là ngã ba Ngọc Linh - đường Hồ Chí Minh. Tại đây, nếu đi thẳng sẽ đổ về hướng thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei, Kon Tum). Nếu rẽ trái (từ hướng Quảng Nam sang), là chính thức vào Khu bảo tồn Ngọc Linh. Từ ngã ba Ngọc Linh đổ vào Khu bảo tồn Ngọc Linh, chỉ với chặng đường chưa đầy 7km, qua tiếp cận với một số cư dân sở tại và cán bộ kiểm lâm, nói thật tôi "ngu người" với quá nhiều điều trái khoáy đến oái ăm liên quan đến loại sâm quý.

Đèo Lò Xo, cái tên gọi ngắn gọn ấy đủ để bất kỳ ai có thể hình dung một cách cụ thể cái dáng hình của con đèo này. Ở Tây Nguyên, có rất nhiều con đường đèo len lỏi, đi qua các mảng núi đồi như đèo Phượng Hoàng (giáp ranh giữa Khánh Hòa - Đắk Lắk), đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), đèo Sê-San (Gia Lai)… và khi mô tả các con đèo này, nhiều văn nghệ sĩ đã ví chúng như những con mãng xà khổng lồ đang trườn mình lên đỉnh núi với đủ dáng thế uốn éo, lượn lờ.

Nhưng với đèo Lò Xo, chẳng ai có thể mô tả hay ví nó như "mãng xà thượng sơn". Bởi chẳng có loài trăn, rắn nào lại "thượng sơn" theo cái kiểu uốn mình như lò xo. Gọi đèo Lò Xo vì từ dưới chân đèo ở bên này tỉnh Quảng Nam, muốn lên đến đỉnh đèo vào vùng sâm Ngọc Linh, hay đổ xuống thị trấn Đắk Glei, các bác tài phải ôm cua qua hàng chục mỏm núi với độ cao tăng dần như cái lò xo, đủ để chóng mặt.

{keywords}

Cửa ngõ dẫn vào Khu bảo tồn Ngọc Linh.

1. Anh Hồ Văn Thiếp, Phó Trưởng Công an xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nói về đèo Lò Xo một cách hình tượng như thế. Nhắc đến cái ẩn ý đèo Lò Xo là đèo tử thần mà các lái xe đường dài thường nhắc nhở nhau mỗi khi qua lại, anh Thiếp giải thích với đại ý rằng đèo uốn éo như lò xo đã đành, thời tiết bất thường ở lưng chừng đèo càng khiến đèo Lò Xo trở nên nguy hiểm tột bậc.

Còn đang ở địa phận Quảng Nam thì trời quang sáng nhưng ngay khi xe lăn bánh qua địa phận tỉnh Kon Tum, không gian mịt mù, có đoạn trời tối tăm, có đoạn gió quần quật, rồi sương mù dày đặc, rồi mưa tuôn như thác đổ… "Đèo Lò Xo nguy hiểm như vậy nên nếu không thận trọng, nếu không quen tay lái mà chủ quan dễ... chết lắm!".

Là dân bản địa, sinh ra và lớn lên giữa vùng sơn lâm thâm u, quá quen với các cung đường uốn éo vốn thường trực những hiểm nguy, bất trắc vậy nhưng khi nhắc đến đèo Lò Xo, anh Thiếp cũng như các anh em công an xã Phước Mỹ đều tỏ thái độ dè dặt. Sau này, khi được đặt chân trên con đèo tử thần kia, khi chứng kiến vô số biển báo "Đường nguy hiểm", "Đoạn đường thường xảy ra tai nạn" tiếp nối, kế đến là những trang (miếu) thờ ven đường, thấy cả những chiếc xe đầu kéo chết máy, cả những xe chuyên dụng của quân đội chuyên trị đường đèo núi bị trượt bánh đang chờ cứu hộ, tôi mới hiểu vì sao bao lâu nay, đèo Lò Xo luôn là thách thức với giới tài xế mỗi khi qua đây.

Trở lại hành trình theo dấu sâm Ngọc Linh. Khi ở đỉnh đèo Lò Xo, tôi gặp gã thanh niên tay cầm một chùm sâm dây mời mọc ông chủ một chiếc xe đầu kéo cùng tài xế đang dừng bánh với bỏ nhỏ "ngâm rượu uống sung, uống khỏe". Thứ sâm mà anh nọ mời khách rất lạ, rễ mọc thành chùm, mỗi chùm khoảng 30 củ mà qua tìm hiểu, tôi được lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết đó là rễ của cây bách bộ, là một dạng dây leo dài 6-8m, vì rễ củ giống sâm nên có người gọi nhầm… sâm dây.

Từ điển “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” nói về công dụng của bách bộ như sau: "Nghiên cứu tác dụng dược lý, người ta đã chứng minh kinh nghiệm của ông cha ta dùng bách bộ để chữa ho, chữa giun và diệt sâu bọ là đúng".

"Huynh chơi sâm Ngọc Linh không? Em mới đào được mấy củ, em để rẻ thôi, 7 "chai" một ký, 4 củ sâm em đào được đúng nửa ký, em lấy giá hữu nghị, 3 "chai" thôi (3 triệu đồng-PV)".

{keywords}

Một miếu thờ những nạn nhân xấu số gặp nạn trên đèo Lò Xo.

Theo thời giá hiện tại, sâm Ngọc Linh trồng loại 8 củ 1kg có giá trên 50 triệu đồng. Trong khi anh chàng nọ bán với giá vài ba triệu thế kia thì hơi bị lạ?! Chừng như đọc được suy nghĩ của tôi, anh ta liến thoắng rằng nếu không quen biết thì khó bán được giá ấy. Mà anh ta đang lúc cần tiền để về quê thăm con bị bệnh nên cần bán gấp, nên mới bán giá rẻ bèo như vậy?

"Nói thật với huynh, em xứ xa, 5 năm trước vì mê vàng nên em bỏ vợ con mò vào đây và giờ thì chết dí ở cái xứ này. Công ty vàng vỡ nợ, làm vàng chui bị lùng dữ quá, cùng đường em chuyển sang đi tìm sâm, linh chi, săn rắn hổ, săn dúi kiếm sống". Nghe câu chuyện trên của anh thanh niên, tưởng gặp đuợc mối hời, ông chủ xe đầu kéo chộp lấy cơ hội, đòi "hốt" luôn nửa ký được gọi là sâm Ngọc Linh kia….

Vì mưa gió tầm tã, không thể nán lại chờ anh ta về làng mang mấy củ "sâm" giao cho khách để xem nó ra sao, nên tôi giã từ. Sau này, trao đổi qua điện thoại, nghe ông chủ xe mô tả 4 củ sâm nọ không có lá, chỉ trụi lủi củ rễ, rồi sau đó xem qua hình ông ta gửi qua Zalo, tôi đoan chắc ông đã mua phải "sâm Ngọc Linh" có nguồn gốc từ... củ ráy rồi! 4 củ ấy, gã nọ mua cao lắm chỉ 100.000 đồng, bán 3 triệu đã là "1 lời 30"…. Khiếp!

2. "Ngày nào cũng có người lên đây hỏi mua sâm Ngọc Linh. Có người mua để tặng người này người kia, có người dùng bồi bổ… Tội nhất là những người mua để chữa bệnh nan y cho người thân hoặc về báo hiếu cho cha mẹ. Mất công mất sức, tốn cả đống tiền mua sâm vậy mà có tác dụng gì đâu".

Vì sao vậy? “Vì ngờ nghệch, không biết gì sâm Ngọc Linh mà bày đặt lên đây mua sâm, nên bị lừa chứ sao. Ở đây người ta lừa siêu lắm, có người phịa chuyện mẹ cha bị ung thư nay hết bệnh nhờ sâm Ngọc Linh, nên nếu ai cần thì mua giúp?! Có người thì nói mình có ông anh, chú em làm công an, quân đội ở vùng Ngọc Linh đặng lấy niềm tin của người ta để dễ bề bán sâm… Nói chung họ có đủ chiêu đủ màn dẫn dụ đưa khách vào bẫy lắm!”.

Trên đây là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với một phụ nữ tên Loan, ngoài 50 tuổi trên đỉnh đèo Lò Xo tại địa phận tỉnh Kon Tum, ngay ngã 3 đường Hồ Chí Minh - Tỉnh lộ 673 dẫn vào xã Ngọc Linh. Bà Loan cho biết mình ở thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei), có rẫy ở xã Mường Hoong, 1 trong 5 xã nằm trong Khu bảo tồn Ngọc Linh, lại có em trai là cán bộ xã được nhiều người tìm hỏi, nhờ mua giúp sâm Ngọc Linh nên rất rành rẽ những chuyện oái ăm gắn với loại sâm quý này: "Người ta nhờ dữ lắm nhưng em tôi bao giờ cũng chối từ. Bây giờ, ngay cả sâm Ngọc Linh trồng kiếm còn khó, nói gì đến sâm tự nhiên?".

{keywords}

Gã thanh niên (bên trái) chào bán rễ cây bách bộ và thứ được gọi là sâm Ngọc Linh.

Trong khi trên nhiều trang web được người ta lập ra để chào bán sâm Ngọc Linh, những người bán rao ra rả rằng nguồn sâm mà mình bán là sâm rừng, là sâm được trồng tại trang trại sâm trên núi Ngọc Linh thì bà Loan, giải thích điều ngược lại. Bà nói rằng có cho vàng bà cũng chẳng bao giờ tin mấy người bảo là mình trồng được sâm Ngọc Linh, kể cả những người ấy được báo này báo nọ viết, là chuyện thật: "Sâm Ngọc Linh giá trị quá lớn, sợ bị cướp bị trộm nên nếu ai đó có trồng người ta kín tiếng dữ lắm, có khi còn giấu cả người thân, anh em vì sợ lộ sẽ bị trộm mất. Thế nên làm gì có ai trồng sâm mà vỗ ngực xưng tên như vậy! Mấy người như thế, họ chơi chiêu để bịp thiên hạ thôi?".

3. Sau câu chuyện trên, tưởng tôi là người có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh, bà Loan khuyên cần gì cứ ghé Ban Quản lý Khu bảo tồn Ngọc Linh nhờ giúp đỡ cho chắc. Theo hướng dẫn của bà Loan, từ ngã ba Ngọc Linh vào đến trụ sở Khu bảo tồn Ngọc Linh khoảng 7km đường đèo núi. Vào tận nơi, gặp lãnh đạo Khu bảo tồn, tôi mới vỡ lẽ thêm nhiều chuyện không tưởng.

Người tôi gặp là ông Lê Mạnh Tiến, Phó giám đốc Khu bảo tồn Ngọc Linh. Khi tôi hỏi chuyện người ta buôn bán sâm Ngọc Linh theo kiểu muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu, ông Tiến cho biết Khu bảo tồn có tổng diện tích gần 40.000ha, trải rộng trên phạm vi 5 xã gồm xã Xốp, Đắk Choong, Đak Man, Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đắk Glei). Ở cả 5 xã này, kể cả xã Ngọc Linh đến nay chưa ghi nhận có bất kỳ ai trồng sâm Ngọc Linh, nên không rõ chuyện mua bán!

Vậy thì người ta rao bán sâm Ngọc Linh, bảo là có nguồn gốc ở vùng này giải thích như thế nào? Nếu vùng này không có ai trồng sâm Ngọc Linh, thì liệu thứ họ bán có phải là sâm Ngọc Linh thật hay không?

Ông Tiến cho biết, chuyện mua bán sâm Ngọc Linh này nọ là sâm thiệt hay sâm dỏm ông cũng chỉ nghe phong phanh. Đến giờ vẫn chưa phát hiện vụ buôn bán sâm Ngọc Linh giả nào, mà sâm thiệt cũng không nốt. Tuy nhiên, vì sâm Ngọc Linh có giá trị nên không loại trừ kẻ xấu tìm cách bán sâm dỏm cho người có nhu cầu sử dụng?

{keywords}

Ông Lê Mạnh Tiến.

Lãnh đạo Khu bảo tồn Ngọc Linh cho biết, từ trụ sở Khu bảo tồn đổ dài đến xã Ngọc Linh có chiều dài hơn 30km. Trên lộ trình ấy, Ban quản lý Khu bảo tồn cho thiết lập 4 trạm kiểm soát, các trạm có nhiệm vụ, chức năng kiểm soát người và phương tiện nếu có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, trong danh mục có sâm Ngọc Linh ra khỏi phạm vi Khu bảo tồn: "Vì đây là Khu bảo tồn nên mọi hành vi vận chuyển lâm sản dưới bất kỳ hình thức nào nếu không có được sự chấp thuận của cơ quan chức năng đều vi phạm pháp luật. Đó là chưa kể sâm Ngọc Linh nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam, là hàng cấm. Nếu phát hiện chúng tôi sẽ tịch thu tang vật, lập biên bản xử lý người mua vì hành vi của họ coi như là tiếp tay cho đối tượng xấu xâm hại, làm thất thoát nguồn gen, tài nguyên quý của Khu bảo tồn".

Sau cuộc trò chuyện với lãnh đạo Khu bảo tồn, thấy rằng thời tiết khá thuận lợi nên chúng tôi tiến thẳng vào xã Ngọc Linh. Ở xứ Ngọc Linh, thật chạnh lòng khi biết được nơi đây, nạn bán buôn sâm Ngọc Linh có bóng dáng của sự lọc lừa...

(Theo ANTG)