- Sự bất ổn của thị trường tài chính và kinh tế Trung Quốc đã khiến một dòng tiền lớn tháo chạy khỏi nước này. Trong sự dịch chuyển đó, ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, đang có cơ hội.
Hoảng loạn trở lại
Thị trường chứng khoán (TTCK) TQ ngày 27/11 đã chứng kiến một phiên giảm điểm kinh hoàng. Chỉ số của sàn chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đóng cửa giảm gần 200 điểm (-5,48%) xuống còn 3.436,3 điểm. Phiên lao dốc này diễn ra chỉ đúng một ngày sau khi nước này kỷ niệm 25 năm TTCK TQ vào ngày 26/11.
Nỗ lực vực dậy sau sụt giảm chóng mặt của TTCK hồi tháng 7-8 đã giúp các chỉ số hồi phục khá mạnh, tăng hơn 15% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, thị trường có quy mô 7 ngàn tỷ USD trước đó đã có những đợt sóng tăng hoang dại, 150% trong vòng một năm. Đây vẫn là điều khiến rất nhiều NĐT trong và ngoài nước lo lắng bởi tăng trưởng không đi liền với sự ổn định và bền vững.
Hiện tại chỉ số Shanghai Composite vẫn thấp hơn hơn 33% so với đỉnh cao 5.166 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 12/2014. Dù vậy, dòng vốn ngoại và ngay cả dòng vốn trong nước này vẫn đang âm thầm dịch chuyển ra bên ngoài. Cuộc khủng hoảng chứng khoán trong năm nay đã khiến TTCK bốc hơn hơn 3 ngàn tỷ USD.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ, trong 8 tháng đầu năm, dòng tiền rút khỏi TQ đã lên tới hơn 500 tỷ đô-la trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc, chứng khoán giảm mạnh và NDT biến động mạnh. Riêng trong tháng 8, lượng tiền rút ra lên tới khoảng 200 tỷ USD.
Sự bất ổn của thị trường tài chính và kinh tế Trung Quốc đã khiến một dòng tiền lớn tháo chạy khỏi nước này. |
Nhiều DN bên ngoài đang phải trả giá đắt do sự phụ thuộc vào nền kinh tế TQ và không ít trong số đó đang từ bỏ TQ và tìm đến thị trường VN, Ấn Độ.
Theo Nikkei, kể từ cuối năm ngoái, xuất khẩu của Đài Loan, nhất là mặt hàng thiết bị điện tử di động đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các loại hàng hóa như sản phẩm thép, máy móc nông nghiệp, hóa dầu, điện tử… của Hàn Quốc sang TQ cũng giảm mạnh.
Trước đó, nhiều DN châu Âu cũng đã phải cắt giảm hoạt động ở TQ do tăng trưởng sụt giảm và lợi nhuận tại thị trường này ngày càng teo tóp. Hồi giữa năm, chỉ khoảng 20% DN châu Âu cho biết, họ có kế hoạch đầu tư mới, giảm rất nhiều so với tỷ lệ 1/3 năm trước.
Trong khoảng một tháng qua, tỷ phú người Hong Kong giàu nhất châu Á Lý Gia Thành liên tục bị truyền thông TQ bị coi là kẻ “vong ơn bội nghĩa” sau khi ông đã bán tháo tài sản tại Đại lục để rút vốn khỏi nước này do tăng trưởng kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 1/4 thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Không chỉ các DN nước ngoài rời đi, chính các DN và doanh nhân TQ cũng đang ôm tỷ đô tháo chạy khỏi TQ. Vài năm gần đây, mỗi năm người TQ đã chi hàng trăm tỷ cho BĐS ở Mỹ, và cũng đang điên cuồng mua BĐS ở nhiều nước khác.
Cuối năm 2014, tập đoàn giải trí và bất động Dalian Wanda của tỷ phú từng giàu nhất TQ Wang Jianlin đã đổ hàng tỷ USD vào khách sạn và trung tâm thương mại ở Chicago Mỹ và London Anh. Tiền cũng được các đại gia TQ đổ hàng trăm tỷ USD sang các nước để thâu tóm DN từ thực phẩm, công nghệ cho tới các câu lạc bộ bóng đá.
Thị trường nước ngoài giờ đây dường như đang hấp dẫn hơn khi mà sự ổn định trong nước đang bị mất đi, nhiều yếu tố như lao động, rảo cản thâm nhập… đang kém hấp dẫn.
Việt Nam: Cơ hội và bến đỗ mới
Theo HSBC, châu Á được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy một thập kỷ tăng trưởng thương mại toàn cầu sắp tới và khởi đầu cho xuất khẩu thế giới tăng gấp bốn lần đạt mức 68,5 ngàn tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư cho thấy TQ không còn được xem là "công xưởng" chính của thế giới. |
Trong làn sóng thứ ba này, VN sẽ tăng cường vị thế và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 10 của thế giới vào năm 2050 với xuất khẩu đạt 1.437 tỷ đô la Mỹ, bên cạnh các quốc gia như TQ, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Pháp, Nhật Bản và Singapore.
Ông Paul Skelton, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính DN khu vực châu Á TBD của HSBC cho rằng, thế giới cần phải đánh giá đúng mức tầm quan trọng của thương mại trong tăng trưởng và sự phồn thịnh của kinh tế toàn cầu.
Mặc dù, HSBC vẫn ghi nhận, TQ giữ vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu của thế giới, với ảnh hưởng gia tăng tại châu Á được hỗ trợ bởi những dự án như ‘One Belt, One Road’ và dưới ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Tuy nhiên, HSBC lạo chỉ ra một xu hướng mới khi dòng vốn đầu tư từ TQ đang dịch chuyển sang các nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của WB tại VN, chia sẻ về xu hướng tỷ trọng FDI vào chế biến, chế tạo tăng nhanh trong 10 năm qua và cho rằng, VN có lợi thế nhờ gần chuỗi sản xuất toàn cầu, lao động dồi dào, chi phí thấp, quy mô thị trường lớn và hội nhập mạnh mẽ,...
Làn sóng dịch chuyển đầu tư cho thấy TQ không còn được xem là "công xưởng" chính của thế giới. Một số tập đoàn thậm chí tính tới phương án chuyển đại bản doanh sản xuất toàn cầu về VN. Samsung, LG, Intel,... đổ thêm tiền, hàng loạt DN ngoại khác cũng đang rục rịch chuyển nhà máy sang VN.
Hồi cuối tháng 9, Công ty tư vấn Bất động sản Savills VN cũng có báo cáo khẳng dinh về một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ TQ sang ASEAN để tận dụng cơ hội từ các hiệp định sắp tới trong đó có AEC và TPP. Theo Savills, trong nửa năm 2015, FDI vào dệt may đóng góp nhiều tỷ USD. TPP khiến dòng vốn, bao gồm cả từ TQ và Đài Loan, Hồng Kong… đang đổ dồn vào VN.
Cùng với hàng loạt các hiệp định FTAs và làn sóng toàn cấu hóa thứ 3 này, VN đang có cơ hội lớn để đón dòng vốn đang chạy khỏi các thị trường không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi thế lần này lại là một câu chuyện khác, một thách thức của chính Việt Nam.
M.Hà