- Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc, EU cũng là thị trường lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ. Hiệp định thương mại EVFTA được kỳ vọng sẽ mang tới những làn sóng đầu tư, thương mại mới giữa 2 nền kinh tế.

Kỳ vọng lớn
“Các đối tác không thể so sánh được với EU trong quan hệ với VN. EU ưu tiên cho sự phát triển bền vững và lâu dài của VN. EU muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho VN”, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại VN, người trước đó từng là Đại sứ Bỉ tại VN chia sẻ.

Ông Bruno Angelet cho rằng EU có thể trở thành đối tác tốt nhất của VN trong tương lai, trong bối cảnh VN đang trở thành một trong những quốc gia năng động và gần gũi với EU nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA) hôm 2/12, một hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt, hai bên đã sẵn sàng trở thành khối liên kết mới, vượt lên trên quan hệ hợp tác, phát triển thương mại thông thường.

Theo đó, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang tới làn sóng đầu tư, thương mại mới giữa 2 nền kinh tế. Hiện tại EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của VN sau Trung Quốc, trong khi đó EU là thị trường lớn thứ 2 của VN sau Hoa Kỳ.

“Trong 10 năm trở lại đây, VN xuất khẩu ra thế giới 100 phần thì xuất sang EU chiếm 20 phần, với một số hàng hóa nổi bật như: điện tử, điện thoại (tới 30%). Năm 2014, EU là NĐT lớn thứ 6 tại VN thì sang năm 2015, EU là NĐT lớn thứ 3. Xu hướng này sẽ rõ ràng hơn khi EVFTA có hiệu lực”, vị đại sứ EU mới chia sẻ.

Ông Angelet cũng khẳng định, EU là một nhà tài trợ lớn cho VN, đặc biệt cung cấp vốn hỗ trợ không hoàn lại. EU không làm tăng gánh nặng nợ công của VN. EU ưu tiên cho sự phát triển bền vững và lâu dài của VN.

{keywords}

Hiệp định thương mại EVFTA được kỳ vọng sẽ mang tới những làn sóng đầu tư, thương mại mới giữa 2 nền kinh tế.

Trước đó, trong tuyên bố báo chí chung giữa Thủ tướng Chính phủ VN Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, 2 bên cho rằng EVFTA sẽ góp phần phát triển kinh tế và xã hội của cả hai bên thông qua việc tăng cường tiếp cận thị trường của mỗi bên. Hiệp định cũng sẽ mang lại một làn sóng đầu tư chất lượng cao từ cả hai phía, hỗ trợ VN chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thông minh và có sức cạnh tranh hơn. Hiệp định sẽ giúp VN, với tư cách một nền kinh tế thị trường, hội nhập thành công vào kinh tế toàn cầu.

Còn nhiều khó khăn

Hiện tại, theo ông Angelet, 2 bên đang nỗ lực xây dựng lộ trình định hướng chung để hiệp định có thể được ký kết và có hiệu lực vào khoảng năm 2018. Bên cạnh đó, 2 bên phải chuẩn bị nguồn lực để đảm bảo thực thi hiệp định một cách tốt nhất.

“Hiệp định không chỉ có thương mại, mà còn vươn ra nhiều lĩnh vực khác như công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, cải các thể chế và an ninh khu vực…”, ông Angelet chia sẻ.

Một khó khăn được đại diện EU nêu ra là vấn đề tài khóa. Theo đó, khi tham gia nhiều FTAs, trong đó có EVFTA, VN sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo cân bằng tài khóa. Cắt giảm thuế xuất nhập khẩu, nên nguồn thu sẽ giảm. VN phải có giải pháp cân đối.

“Trong lĩnh vực tài chính công và thuế, EU cũng đã có nội dung hợp tác hỗ trợ, cần bằng cán cân tài khóa. EU cũng sẽ giúp Bộ Tài chính trong hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị tài chính công”, ông Angelet chia sẻ.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia trong nước, vấn đề đáng lo ngại nhất là: Luật chơi trong các FTAs rất cao và không phân biệt theo trình độ phát triển của các nước. Khi tham gia vào các cuộc chơi như vậy, nếu sản phẩm của DN Việt không đáp ứng được các yêu cầu chung thì sẽ khó thâm nhập các thị trường phát triển.

Về vấn đề hàng rào kỹ thuật, đại diện EU cho biết, tổ chức này đang việc tích cực với Bộ Công thương liên quan tới hỗ trợ kỹ thuật, như vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Đây là một vấn đề quan trọng đối với DN VN. Nó có thể quyết định tới việc xuất khẩu của các DN.

Trên thực tế, cấu trúc hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là bổ sung lẫn nhau, không có cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dễ tăng xuất khẩu vào liên minh này. Các DN Việt phải nâng cao chất lượng, thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật của phía EU, từ vấn đề bảo vệ người lao động, người tiêu dùng, cho đến bảo vệ môi trường, về biến đổi khí khậu, bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã…

Cũng như TPP, EVFTA có yêu cầu về xuất xứ. Hàng dệt may VN phải có nguồn gốc vải trong nước… Sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản… cũng chỉ được gỡ bỏ dần trong thời gian 7 năm. Nhiều mặt hàng nông sản nhạy cảm vẫn phải tuân theo hạn ngạch như: gạo, ngô ngọt, đường, tỏi, nấm, bột sắn…

Một vấn đề cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư và thương mại của 2 bên là tình hình an ninh trong khu vực.

“Chúng tôi nhìn ra thách thức ở Biển Đông mà VN đang phải đối mặt. Các bên cần giải quyết trên cơ sở đàm phán, tôn trọng tự do hàng hải, hàng không”, ông Angelet nói.

Bên cạnh đó, vấn đề thời gian chuẩn bị cho EVFTA không còn nhiều, dự kiến chỉ còn khoảng 2 năm. Đây là khoảng thời gian không dài để các DN chuẩn bị trước khi 65% dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0%. Các dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm.

M. Hà