Mặc dù đã cảnh báo nhiều, nhưng trên thị trường vẫn âm ỉ dịch vụ cho “vay nóng” thông qua các tờ rơi và mạng Internet. Khoản cho vay tối đa chỉ 3 triệu đồng/lần, nhưng điều đáng nói là lãi suất có thể lên đến 365%/năm.

Tại TPHCM, một số công ty đang tung ra dịch vụ cho vay trực tuyến, với lời lẽ quảng cáo như “cho vay nhanh”, “vay nóng lãi suất thấp” hay “vay tiền nhanh trong ngày”. Lợi thế của dịch vụ cho vay này là thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh, còn người vay thì không cần thế chấp. Chỉ có điều, một khi đã vay mà không trả kịp thời hạn thì người vay sẽ chóng mặt với cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Theo hướng dẫn trên một trang web cho vay, sau khi xác nhận thông tin đăng ký, nhân viên sẽ liên hệ với khách hàng để giao hợp đồng. Trong khoảng một giờ, nếu hợp đồng được duyệt, khách hàng có thể nhận được tiền vay tại 4.000 điểm giao dịch của MoMo – một dịch vụ thu và chi hộ tiền giải ngân.

{keywords} 

Lãi suất cho vay tính theo ngày, tuần và tháng. Cụ thể, khoản vay trong một tuần lãi suất là 7%, còn một tháng là 30%/tháng. Như vậy, tiền lãi mỗi ngày là 1%.

Để vay được các khoản vay này, người vay phải đủ 22-60 tuổi và có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở lên. Khi muốn sử dụng dịch vụ, người vay phải cung cấp chứng minh nhân dân và một trong các giấy tờ còn hiệu lực như hộ khẩu, bằng lái xe, hộ chiếu, hóa đơn điện nước, cà vẹt xe, giấy tờ chứng nhận sở hữu tài sản.

Không chỉ tung hoành tại TPHCM, dịch vụ này còn có mặt tại các thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và Đồng Nai.

Theo một luật gia hiện đang công tác tại một tòa án ở TPHCM, luật các tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận với khách hàng. Còn theo Bộ luật Dân sự 2005, lãi suất thỏa thuận này không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Do đó, nếu hai bên phát sinh tranh chấp và kiện cáo, khi đưa ra tòa án để xử lý, phần lãi suất vượt quá quy định 150% lãi suất cơ bản sẽ không được chấp nhận. Trên thực tế, vẫn có không ít tổ chức tín dụng đang áp dụng mức thỏa thuận cao hơn quy định, nhưng vì đây là quan hệ dân sự, nên chỉ xử lý và áp dụng Bộ luật Dân sự khi có tranh chấp giữa khách hàng và tổ chức cho vay.

Cũng theo vị này, Bộ luật Hình sự quy định việc cho vay bị xem là phạm tội cho vay nặng lãi nếu cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên (tức 10x 150% lãi suất cơ bản)), và có tính chất chuyên bóc lột (tức hành vi cho vay nặng lãi chuyên nghiệp, là nguồn sống của bên cho vay).

Theo Bộ luật Hình sự, mức phạt cho vi phạm này là phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm nếu phạm tội thu lợi bất chính lớn.

Vị luật gia này cho biết thêm, với lãi suất 365%/năm và cho vay chuyên nghiệp, công ty trên chắc chắn đã phạm tội cho vay nặng lãi. Theo đó, nếu phát hiện, cơ quan quản lý vẫn có thể tuýt còi công ty này, chứ không cần phải đợi phát sinh tranh chấp giữa khách hàng và công ty cho vay.

Được biết, theo quyết định của NHNN vào tháng 11-2010, lãi suất cơ bản được NHNN quy định là 9%/năm. Trong nhiều năm qua, NHNN đã không còn định kỳ công bố lãi suất cơ bản.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết hiện tại lãi suất cơ bản vẫn dùng mức 9%/năm, do vậy tổ chức cho vay không được cho vay với lãi suất cao hơn mức 13,5%/năm. Việc cho vay với lãi suất đến 365%/năm là phạm tội cho vay nặng lãi và khi bị phát hiện sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

(Theo Sài Gòn Tiếp thị Online)