Nếu sau khi đã thực hiện các giải pháp cân đối thu- chi mà điều hành ngân sách địa phương vẫn khó khăn, thiếu nguồn thì có thể báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng cho phép ứng ngân sách Trung ương.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể tới các địa phương về việc điều hành nhiệm vụ tài chính- ngân sách cuối năm. Trong đó, Bộ đã đưa ra các nguyên tắc chung về việc sử dụng kinh phí 10% dự toán chi thường xuyên cuối năm và nguồn 50% dự phòng Ngân sách địa phương năm 2015 đang tạm giữ lại theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Theo đó, với các trường hợp địa phương có khả năng bị hụt thu ngân sách, không kể tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính đề nghị các cấp địa phương giảm chi dự toán chi NSNN năm 2015 tương ứng với số kinh phí đã đăng ký tạm giữ để bổ sung vào dự phòng. Căn cứ vào số dự toán giảm chi này, các đơn vị dự toán cấp I sẽ thực hiện giao số giảm chi cho từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc.
Bộ Tài chính cũng hướng dẫn khoản 50% dự phòng ngân sách địa phương đang giữ lại, kết hợp với số giảm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm sẽ được sử dụng đề bù đắp số hụt thu cân đối ngân sách địa phương năm nay.
Cụ thể, nếu nguồn bù đắp này mà lớn hơn số hụt thu thì các địa phương sẽ được sử dụng số dư này để đáp ứng nhu cầu chi cấp thiết phát sịnh, trong đó ưu tiên chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, nếu nguồn bù đắp nhỏ hơn số hụt thu cân đối ngân sách, địa phương sẽ được sử dụng thêm các nguồn lực tại chỗ như nguồn cải cách tiền lương còn dư, hay 30% quỹ dự trữ tài chính địa phương để bù đắp thiếu nguồn.
Nếu sau tất cả các giải pháp trên, điều hành ngân sách vẫn khó khăn thì các địa phương cần kịp thời báo cáo tới Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng Ngân sách Trung ương để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chi cho chế độ, chính sách cho con người.
Đến hết năm 2015, căn cứ kết quả thu thực tế của các địa phương, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý cụ thể đối với từng địa phương có khó khăn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các UBND tỉnh phải thực hiệm nghiêm việc cắt giảm kinh phí thường xuyên đã giao dự toán đầu năm, nhưng đến 30/6 chưa phân bỏ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai. Số kinh phí cắt giảm này sẽ được bổ sung vào dự phòng ngân sách địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, khoản tạm giữ lại số kinh phí 10% chi thường xuyên 8 tháng cuối năm và dự phòng ngân sách Trung ương năm nay là 4.150 tỷ đồng. Dự phòng ngân sách Nhà nước cả năm nay là 25.000 tỷ đồng.
Phạm Huyền