Thêm một mảnh đất vàng được đem ra đấu giá. Tuy nhiên, khác với những cuộc chiến kín tiếng trước đó, cuộc đánh chiếm đất vàng Khách sạn Kim Liên diễn ra rầm rộ với sự tham gia của hàng chục đại gia khắp khu vực miền Bắc.
Cho dù khoản tiền đặt cọc lớn, lên tới khoảng 11,2 tỷ đồng nhưng theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hạn cuối cùng đăng ký ngày 15/12, đã có 34 NĐT tham gia đấu giá mua 52,4% vốn tại CTCP Du lịch Kim Liên theo phương thức bán đấu giá trọn lô mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có kế hoạch tổ chức bán đấu giá vào ngày 22/12. Một kế hoạch nằm trong lộ trình thoái vốn của SCIC.
Cuộc tranh chiếm đất vàng Khách sạn Kim Liên gay cấn ngay từ trong quá trình đăng ký đấu giá khi mà hàng loạt các tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản (BĐS) cho tới du lịch, từ tổ chức cho tới các cá nhân lần lượt xuất hiện trong danh sách đăng ký mua trọn lô 52% vốn mà Nhà nước thoái khỏi CTCP Du lịch Kim Liên - DN hiện đang quản lý Khách sạn Kim Liên với 3,5ha đất vàng nằm ở vành đai 1 của Hà Nội.
Bán toàn bộ 52% cổ phần khách sạn Kim Liên cho tư nhân. |
Sự bất ngờ diễn ra đến những phút cuối cùng khi mà GP Invest chính thức có tên trong danh sách. Ngay lập tức, GP Invest được xếp vào nhóm các ứng viên nặng ký. Lý do mà GP Invest không thể nằm yên ngoài cuộc có lẽ là bởi GP Invest hiện là cổ đông của Khách sạn Kim Liên.
Hiện, GP Invest đang nắm giữ 6,62% vốn điều lệ Du lịch Kim Liên. Tính tổng, nhóm cổ đông GP Invest (gồm cả GP Bank) đang nắm giữ 33,5% vốn.
Tỷ lệ nắm này tương đối lớn, nhưng sẽ chả có mấy ý nghĩa nếu NĐT khác mua thành công 52,4% cổ phần từ SCIC. Nhóm GP sẽ hoàn toàn lép vế trong việc quyết định đường hướng kinh doanh của khu đất vàng có mặt tiền 2 tuyến phố chính là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch này. Cơ hội là chia đều cho tất cả mọi NĐT.
Trước đó, một đại gia xi măng Ninh Bình - Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) cũng đã nhảy vào cuộc đua thâu tóm KS Kim Liên. Tập đoàn Thaigroup - tiền thân là CTCP Xuân Thành Group - của bầu Thụy đã đăng ký mua trọn lô 52% vốn KS Kim Liên.
Nhiều DN lớn trong lĩnh vực BĐS, du lịch, bảo hiểm… như Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi, Tập đoàn Phúc Lộc, Đầu tư Văn Phú Invest, Tập đoàn Phú Mỹ… cũng đã tham gia.
Hàng chục tổ chức lớn đăng ký tham gia mua cổ phần khách sạn Kim Liên |
Bên cạnh đó, cũng có cả chục NĐT cá nhân với những gương mặt còn khá trẻ như ông Vũ Thế Cường (sinh năm 1992), bà Đào Thu Hoa (sinh năm 1990)…
Những DN tham gia đều là các ông lớn trên thị trường với vốn điều lệ hàng ngàn tỷ đồng như: Hanoitourist (2.850 tỷ đồng), REE (2.690 tỷ đồng), Thaigroup (2.500 tỷ đồng), Tập đoàn xây dựng miền Trung (2.089 tỷ đồng), Tập đoàn Phúc Lộc (2.000 tỷ đồng), Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi (1.089 tỷ đồng), Tập đoàn Trường Thinh (1.060 tỷ đồng)…
Theo kế hoạch, SCIC bán tổng cộng 3,65 triệu cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên với giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần. Với lượng đăng ký gấp hàng chục lần, nhiều khả năng giá có thể tăng vọt. SCIC có thể sẽ thắng lợi trong cuộc mua bán này. Tuy nhiên, không phải tất cả đất vàng đều bán được giá.
Miếng ngon không còn nhiều
Về độ hấp dẫn của Khách sạn Kim Liên, có lẽ không phải bàn nhiều. Lợi thế lớn nhất của Du lịch Kim Liên là mảnh đất 3,5ha giữa Thủ đô với 2 mặt tiền trên 2 tuyến phố sầm uất là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch, với 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng. Năm 2014, doanh thu của CTCP Du lịch Kim Liên đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng. DN này thường có mức cổ tức khoảng 15%.
Trên thực tế, không phải tới giờ mới có một mảnh đất đẹp, đất vàng mang ra bán đấu giá. Trước đó, nhiều mảnh đất thậm chí còn đẹp hơn đã được bán. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ sức nóng lại lớn như lần này.
Hồi cuối tháng 3/2015, IPO Trung tâm Hội trợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC), sở hữu hơn 6,8ha đất vàng tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, đạt mức giá bình quân khá thấp, 10.058 đồng/cổ phần và giá bán 80% cho cổ đông chiến lược là giá thấp nhất, tức 10.050 đồng/cp.
Bầu Thụy là cũng tham gia vào thương vụ đấu giá cổ phần khách sạn Kim Liên. |
Nhiều thương vụ bán tài sản nhà nước chưa thực sự kéo được đông đảo các NĐT tham gia, rất có thể bởi không ai muốn làm cổ đông nhỏ lẻ, thường không có tiếng nói trong định hướng phát triển DN. Không ai muốn nắm đằng lưỡi.
Trong thương vụ cổ phần hóa Tổng Công ty Rau quả - Nông sản Việt Nam (Vegetexco) hồi tháng 9, nhóm cổ đông bầu Hiển đã nắm 50% cổ phần. Phiên đấu giá Vegetexco đạt mức giá trung bình khá thấp, chỉ cao hơn mức giá khởi điểm 1 đồng, tức ở mức 10.052 đồng/cp. Với khoảng 400 tỷ đồng, bầu Hiển đã nắm giữ một DN hàng đầu trong lĩnh vực rau quả và đang thuê và sở hữu hơn 171.000 m2 đất ở TP.HCM, Hà Nội…
Những vụ thâu tóm đất vàng cũng nổi tiếng nhưng không có mấy NĐT tham gia khác như: Intimex với đất vàng ở Hồ Gươm, KS Thắng Lợi với đất vàng ở Hồ Tây…
Có thể thấy, trong làn sóng CPH các DNNN, không phải NĐT nào cũng có thể tiếp cận được các tài sản giá trị. Một cuộc chơi không công bằng sẽ khiến kế hoạch CPH vốn rất ưu việt của Chính phủ trở nên chậm chạm và kém hiệu quả.
Hiện tượng các đại gia ồ ạt đăng ký mua KS Kim Liên cho thấy một thực tế về sự hấp dẫn của các DN CPH. Trước đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi sở hữu nhiều BĐS đẹp trên con đường đẹp nhất Hà Nội, bắt đầu từ Hồ Hoàn Kiếm cũng đã được bán với giá thành công với giá rất cao, lên tới 82.000 đồng/cổ phần.
Mới đây là đất vàng triễn lãm Giảng Võ, đất Cao su Sao Vàng... hay hàng loạt DN CPH có quỹ đất lớn đều được các đại gia thâu tóm gọn ghẽ.
M. Hà