- Với thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt gần 5.000 tỉ USD vào năm 2020, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN. Tuy nhiên DN Việt Nam có nguy cơ đứng ngoài cuộc.
Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, yếu kém lớn nhất của DN Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng là năng suất lao động (NSLĐ) rất thấp.
Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, NSLĐ của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong khối ASEAN, NSLĐ của ta chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar một chút, còn về cơ bản thấp hơn tất cả các nước. Ngay cả những ngành mũi nhọn như dầu khí, bưu chính viễn thông… cũng có NSLĐ thấp xa so với các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Yếu kém lớn nhất của DN Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng là năng suất lao động rất thấp. |
Trong giai đoạn từ 2011 - 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, còn giai đoạn 2014-2015 khoảng hơn 4%/năm, tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. NSLĐ của Việt Nam vẫn tăng, nhưng tăng chậm, bởi chủ yếu tăng dựa vào nguồn lực giá rẻ, lợi thế giá công lao động thấp. Nếu duy trì NSLĐ như hiện nay thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ.
NSLĐ thấp dẫn đến chi phí, giá thành cao, làm cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, DN Việt Nam kém khi hội nhập. Xét trong cộng đồng AEC thì 89% có năng lực cạnh tranh cao hơn và chỉ có 3% có năng lực cạnh tranh thấp hơn chúng ta.
Cùng với đó, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam thấp. Mặc dù cơ hội đang mở ra rất lớn cho các DN Việt Nam, tuy nhiên, theo số liệu của VCCI, sự tham gia của DN Việt trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, mới chỉ 36% DN Việt tham gia vào chuỗi sản xuất, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.
Theo bà Hằng, 2 yếu kém trên đều có cùng nguyên nhân là do DN chưa chú trọng đến đầu tư, đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do phần lớn DN có quy mô nhỏ bé, manh mún, tính liên kết lỏng lẻo.
Có đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa. Các DN có quy mô quá nhỏ bé, thường không có khả năng đẩy mạnh đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất. Điều này khiến cho DN Việt có nguy cơ đứng ngoài “cuộc chơi”, bị bỏ lại phía sau.
Trần Thủy