Những cú sốc đến từ bên ngoài: Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá NDT… đã khiến VND có một năm đầy biến động so với USD. Trong một thế giới phẳng, túi tiền người Việt đã gặp những cú sốc do những biến động toàn cầu.

Cuối năm không được yên

Lần đầu tiên trong gần một thập kỷ (từ 2006), ngày 16/12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất đồng USD và để ngỏ khả năng sẽ có 4 đợt tăng trong năm 2016.

Quyết định của Fed đã khiến USD “chợ đen” tại Việt Nam trong những ngày cuối năm vọt lên 22.800 đồng, trong khi USD giao dịch tại các NH đứng kịch trần đồng trong 7 phiên liên tục và chưa có dấu hiệu suy giảm.

{keywords}

Lãi suất tiền gửi đối với cá nhân và tổ chức đều được kéo về 0% nhưng USD vẫn nóng.

2015, thị trường ngoại hối đã liên tục sôi sục trước, trong và sau năm bảy kỳ họp của Fed và rúng động mỗi lần Trung Quốc phá giá NDT.

USD tự do cũng như NH trồi sụt liên tục. Giá USD chợ đen có lúc đã lên tới gần 23 ngàn đồng (hồi cuối tháng 8), trước khi rớt mạnh trở về 22.500-22.600 đồng/USD.

Với chính sách thắt chặt tiền tệ và kế hoạch tăng lãi suất vài ba lần trong năm 2016 của Fed và sự bất ổn của đồng NDT trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chưa thoát ra khỏi đà suy giảm tăng trưởng, đồng VND của Việt Nam đứng trước một năm 2016 đầy thử thách với nhiều dự báo khá bi quan: có thể giảm 5-7%...

2015, cam kết USD không vượt quá 2% đã bị vỡ từ những tác động của những cú sốc trong một thế giới phẳng. Nhưng qua đó cũng cho thấy một chính sách tỷ giá linh hoạt và những quyết định kịp thời trong điều hành tiền tệ.

Cam kết và nguồn lực

Như 3 năm trước đó, bước vào 2015, NHNN đưa ra mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND không có nhiều thay đổi so với 2012, 2013 và 2014 với mức biến động tăng khoảng 2%. Việc thực hiện thành công cam kết của những năm trước đã tạo ra niềm tin, sự ổn định cho sản xuất, xuất khẩu và phục hồi của nền kinh tế.

Với nguyên tắc tôn trọng cung cầu thị trường, cơ quan điều hành chỉ can thiệp sao cho biến động tỷ giá ở mức hợp lý nhất để đảm bảo ổn định vĩ mô và hỗ trợ DN. 

{keywords}

So với các năm khó khăn trước đó, 2015 là năm mà “nguồn lực” có thể dùng để hỗ trợ thực thi chính sách tiền tệ của NHNN dồi dào nhất. Lạm phát thấp, liên tục ở mức dưới 1% so với mục tiêu 5%; dự trữ ngoại hối ở mức cao nhất, thị trường vàng được bình ổn… Bên cạnh đó, việc điều hành được xác định theo một lộ trình dài hơi với nhiều công cụ được sử dụng đồng bộ như: lãi suất, cung tiền, tỷ giá… cho giới điều hành một sự tự tin đáng kể.

Tuy nhiên, những cú sốc từ bên ngoài buộc NHNN buộc phải điều chỉnh tỷ giá 3 lần, mỗi lần 1% vào các ngày 7/1, 7/5 và 19/8. Thêm vào đó, lần đầu tiên sau 4 năm, NHNN trở lại với phương án điều chỉnh biên độ tỷ giá. Biên độ đã được điều chỉnh lên +-2% vào ngày 12/8 và lên +-3% vào ngày 19/8. Điều này đồng nghĩa với biến động đồng VND được nới rộng tổng cộng +5% trong năm 2015.

Tỷ giá USD/VND tại các NH đồng loạt lên mức kịch trần 22.547 đồng/USD, ứng với tỷ giá bình quân liên ngân hàng 21.890 đồng và biên độ 3%. Chợ đen cũng chứng kiến nhiều đợt nổi sóng, có lúc USD đã lên tới 22.950 đồng/USD trước khi trở lại quanh ngưỡng 22.700 đồng/USD.

Đối diện mỗi đợt sốt, NHNN đưa ra những tuyên bố vững chắc, đi kèm thêm các biện pháp can thiệp… Tuy nhiên, cú sốc phá giá 4,6% đồng NDT của Trung Quốc bắt đầu từ 11/8 thực sự là một điều khó cưỡng và buộc chúng ta phải tuân theo luật chơi chung để giành được sự ổn định, lợi thế và bảo vệ nguồn lực của chính mình.

Chính vì thế, các chuyên gia và tổ chức trên thế giới như World Bank (WB), HSBC, ANZ… đều nhìn nhận rằng, chính phủ đã cho rằng đó là cách tốt nhất để ứng phó với tác động tiêu cực từ cú sốc phá giá NDT.

Cái giá trong cuộc chơi toàn cầu

Trong một báo cáo cuối 2015, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi và ứng phó khá hiệu quả với những tác động từ bên ngoài.

Đánh giá về quyết định điều chỉnh tỷ giá lần đầu tiên trong năm (ngày 7/1), Ngân hàng HSBC cũng đồng thuận với NHNN VN. HSBC cho rằng, việc thay đổi tỷ giá sớm được xem như bắt kịp với các loại tiền tệ khác ở những thị trường mới nổi.

Một thực tế mà các chuyên gia luôn nhắc đến là những lần điều chỉnh tỷ giá, bao gồm cả 2 lần đầu trong năm, mang yếu tố khách quan nhiều hơn. Xu hướng mạnh lên của đồng USD so với phần lớn các đồng tiền khác và chính sách nới lỏng tiền tệ áp dụng khắp nơi trên thế giới đã gây ra áp lực cho đồng VND.

Xu hướng mạnh lên của USD được dự báo từ trước nhưng cú phá giá 4,6% của đồng NDT là một bất ngờ ngay cả đối với các nước và tổ chức lớn. Mức độ mất giá của đồng VND còn thấp hơn nhiều so với các đồng tiền trong khu vực như Ringgit của Malaysia và đồng Rupiah của Indonesia khi các quốc gia này đã giảm giá nội tệ hàng chục phần trăm.

Nếu như trước đây, mỗi cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng thừa hàng hóa 1929-1933 có ảnh hưởng không nhiều hoặc rất chậm tới các nước xa xôi, thì giờ đây tác động, nhất là trên thị trường tài chính gần như ngay lập tức.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ cho vay dưới chuẩn của Mỹ đã lây lan ra cả thế giới. Cuộc khủng hoảng trên TTCK tại Trung Quốc rồi cú phá giá NDT hồi giữa 2015 của nước này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới gần như tất cả các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn thì Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng này. Việc dự báo các cú sốc từ bên ngoài không hề dễ nhưng đó là bài toán phải giải của các nhà điều hành trong nước. Đó là cái giá phải trả khi bước vào một thế giới phẳng.

Áp lực tỷ giá 2016 được dự báo vẫn còn rất lớn. Chính sách tỷ giá của NHNN thời gian qua có tính thích ứng tốt. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt mới quan trọng. Khả năng linh hoạt, điều chỉnh như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thâm hụt thương mại, khả năng lạm phát, mức nợ công cao và cả các cú sốc có thể xảy ra.

M. Hà