"Chốt sổ" kết quả thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư phát hiện vẫn còn 2.833 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền. Ba bộ Tài chính, Xây dựng, Lao động Thương binh và xã hội bị điểm tên đầu tiên trong danh sách "đẻ" giấy phép con.

Báo cáo tới Chính phủ tại phiên họp vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện đang có 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư.

Tuy nhiên, trong số này, có 2.833 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền. Tỷ lệ số "giấy phép con" này chiếm tới 48,6% tổng số các loại "giấy phép" hiện nay.

{keywords}

Trong số trên, nhiều loại giấy phép con ra đời ngay cả sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành. Cụ thể, Điều 7 Luật này đã quy định rõ, các loại điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ được quy định ở Luật, pháp lệnh và Nghị định. Nghĩa là, chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có đủ thẩm quyền để ban hành các điều kiện này. Các Bộ khi ban hành Thông tư hướng dẫn, các Quyết định hay công văn điều hành sẽ không được đưa ra nội dung về điều kiện kinh doanh.

Song, qua rà soát, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết có ít nhất 3 bộ vi phạm điều này. Chẳng hạn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán. Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản...

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh trên.

Kết quả rà soát cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Ví dụ như yêu cầu số lượng tối thiểu phương tiện, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành doanh nghiệp phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn, yêu cầu địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng,..

Những tồn tại này là đi ngược với yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất Chính phủ cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền mà Luật Đầu tư đã quy định trước ngày 15/2/2016.

Phạm Huyền