Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường vừa tổ chức lễ cưới cho con gái được xem là đám cưới hoành tráng nhất tỉnh Cà Mau vào hai ngày 9 và 10 vừa qua. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vị đại gia thủy sản này đang mắc nợ ngày càng nhiều…

Đại gia… nợ nần chồng chất

Công ty CP Tập đoàn Phú Cường chuyên nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản, từng đạt kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD/năm và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành thủy sản. Phú Cường có 15 công ty, xí nghiệp chế biến thủy sản rải từ tỉnh Cà Mau đến Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long... với hơn 10.000 lao động.

Nhưng cuối năm 2013, ông Cường, Chủ tịch HĐQT, từng gửi đơn xin cứu xét khẩn cấp đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về… “đống” nợ 1.325 tỉ đồng. Cùng lúc đó, tại Kiên Giang, các công ty của Tập đoàn Phú Cường như: Công ty CP Thủy sản Kiên Giang, Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Kiên Cường, Công ty Thủy sản Tắc Cậu, Công ty Thủy sản Kiên Lương đang hoạt động rất chật vật vì áp lực trả lãi ngân hàng quá lớn. Riêng hai công ty Kiên Cường và Kiên Giang đã nợ hơn 453 tỉ đồng.

Tại Vĩnh Long, Phú Cường có Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Hùng Cường nhưng kể từ khi khánh thành chỉ hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp, nợ nần chồng chất. Trong khi đó, Phú Cường Jostoco dư nợ 246,7 tỉ đồng, lỗ 40 tỉ. Còn Minh Hải Jostoco dư nợ 282 tỉ đồng, lỗ lũy kế 275 tỉ...

{keywords}
Nhà máy đóng cửa.

Trong đơn cầu cứu gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cường phần nào xác nhận khó khăn của tập đoàn mình “đang gặp khó khăn nghiêm trọng”. Theo ông Cường tự thống kê, tính đến ngày 9.12.2013, có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn Phú Cường tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long… nợ các chi nhánh ngân hàng thương mại 1.325 tỉ đồng. Theo đó, ông Cường đề nghị được cấu trúc nợ với cách thức: gia hạn nợ 3 năm, trả nợ trong 5 năm tiếp theo; miễn hoặc giảm lãi suất và áp dụng lãi suất tốt nhất; xin cấp thêm hạn mức tín dụng 50 tỉ đồng cho mỗi doanh nghiệp.

Đáp lại lời xin cứu xét khẩn cấp này, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần từng có quan hệ tín dụng với Tập đoàn Phú Cường đều lắc đầu. Tại Agribank chi nhánh Cà Mau, Phú Cường còn nợ 223 tỉ đồng. Một cán bộ điều hành Agribank chi nhánh Cà Mau nói: “Chúng tôi muốn tiếp tục cho vay để thu hồi nợ nhưng tập đoàn chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không tài sản thế chấp, không cân đối được vốn tự có tham gia sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, việc vay vốn thời gian qua đầu tư ngoài ngành, chúng tôi không kiểm soát được, nợ phát sinh theo thời gian”.

Tương tự, ông Tăng Xuân Lãm, Giám đốc chi nhánh Vietinbank Cà Mau, là chủ khoản nợ 150 tỉ đồng của Phú Cường, nói: “Tập đoàn Phú Cường kiến nghị nhưng chúng tôi phải xem xét và xử lý trong khuôn khổ quy định. Với 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ xấu không trả thì làm sao có thể cho vay tiếp?”.

Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, ông Châu Công Bằng cũng xác nhận: “Tập đoàn Phú Cường đang bị xếp vào nhóm doanh nghiệp cực kỳ khó khăn”. Cũng theo ông Bằng, một trong những nguyên nhân khó khăn của Tập đoàn Phú Cường là đầu tư ngoài ngành.

Công ty của con gái đại gia cũng… ì ạch

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KHĐT Cà Mau cũng vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vào ngày 5.1.2016, về các dự án của Công ty Du lịch - Dịch vụ Minh Hải, do bà Ngọc Mai, con gái ông Cường làm giám đốc.Theo đó, nhiều dự án của công ty này dở dang, không tuân thủ quy trình, yếu kém về năng lực tài chính và nhân lực.

Như tại dự án hồ Vân Thủy, nơi diễn ra lễ cưới của bà Ngọc Mai, Sở TNMT chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài chính chưa định giá đất cho thuê, Cục Thuế Cà Mau chưa thu tiền sử dụng đất nên Sở Xây dựng Cà Mau vẫn chưa cấp giấy phép xây dựng. Nhưng những công trình cứ mọc lên ngay khu đất đó, gồm đảo Uyên Ương nơi diễn ra đại tiệc mừng bà Ngọc Mai lên xe hoa, dãy cà phê Bờ Hồ dọc tuyến đường 1.5…

Ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cà Mau từng ra quyết định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng, với mức phạt 40 triệu đồng, vào ngày 28.1.2015. Nhưng những công trình trái phép, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường suốt thời gian dài.

{keywords}

Đìu hiu cơ ngơi của đại gia khi hầu hết xí nghiệp phải ngưng hoạt động.

Dự án Khách sạn Phương Nam trên khu đất hơn 1.300m2, tại 2 mặt đường Phan Ngọc Hiển - Phan Đình Phùng đã 3 lần động thổ, khởi công nhưng vẫn để hoang. Trước đó, Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Minh Hải cho đập phá, bán phế liệu và thanh lý cơ sở cũ. Nhưng khu đất vàng này hiện vẫn trơ trơ, không hề có công trình khách sạn nhiều sao mọc lên như “hứa hẹn”. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KHĐT Cà Mau cũng vừa báo cáo đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chấm dứt việc triển khai dự án này.

Cũng tại Cà Mau, dự án Khu Du lịch sinh thái U Minh Hạ, Nhà hàng thủy tạ Đất Mũi… của Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Minh Hải làm chủ đầu tư, nhưng bỏ hoang nhiều năm nay vì thiếu vốn...

Theo Một thế giới