Tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc khiến Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận một đồng nhân dân tệ yếu dần để lại thúc đẩy xuất khẩu. Do vậy thế giới khó tránh khỏi một cuộc chiến tiền tệ tiếp tục kéo dài trong năm 2016.

Hai mặt của đồng nhân dân tệ

Trong những ngày đầu năm mới 2016, thị trường tiền tệ Trung Quốc lại biến động mạnh trở lại. Cùng với diễn biến tăng nhanh của đồng USD, Ngân hàng Trung ương TQ (PBoC) đã liên tục hạ tỷ giá tham chiếu 7 phiên liên tiếp.

Ngay đầu năm mới, đồng nhân dân tệ (NDT) đã rớt xuống mức thấp nhất 5 năm so với đồng USD. Chênh lệch giá giao dịch giữa đồng NDT trên thị trường nội địa và trên thị trường quốc tế liên tục được mở rộng khiến nhiều người lo ngại đồng tiền này có thể còn giảm tiếp. Thị trường chứng khoán nước này còn biến động.

Với nguồn dự trữ ngoại hối vẫn còn rất lớn, khoảng 3,3 ngàn tỷ USD, TQ có cơ sở để kiểm soát được tình hình nếu muốn. Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng kéo dài suốt trong cả năm 2015 đã khiến Bắc Kinh hao tiền tồn, mất khoảng 500 tỷ USD trong khoảng thời gian này.

{keywords}
Đồng NDT của Trung Quốc giảm giá mạnh trong năm 2015.

Câu chuyện chính quyền TQ nỗ lực kìm chế đồng NDT khỏi mất giá có lẽ khác biệt hoàn toàn với nỗ lực vực dậy một nền kinh tế quy mô khổng lồ đang tăng trưởng chậm lại với một quán tính rất lớn.

TQ lo ngại một đồng NDT lao dốc sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính và ảnh hưởng tới chiến lược lâu dài xây dựng một đồng tiền mạnh trên thế giới. Nhưng, theo nhiều chuyên gia, sự giảm tốc đáng lo ngại của nền kinh tế TQ có thể tạo ra rủi ro rất lớn, ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tới chiến lược trỗi dậy trở thành nền cường quốc hàng đầu trên thế giới. Một đồng tiền yếu dần có  thể là một lựa chọn hợp lý.

Tham vọng cùng một lúc đạt được nhiều mục đích, từ nâng cao vị thế đồng NDT cho tới kéo kinh tế tăng trưởng cao trở lại có thể là nguyên nhân khiến PBoC đã đưa cơ chế quản lý đồng NDT sang một trang mới từ giữa tháng 8/2015, chuyển từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ.

Với quy chế xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên diễn biến trên thị trường, liên tiếp trong 3 ngày từ 11-13/8/2015, PBoC đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,1%, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống còn 6,45 NDT/USD, mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm trước đó.

Bắc Kinh sau đó đã nhiều lần can thiệp để ngăn chặn NDT giảm giá. Nhiều thời điểm, đồng tiền này đã tăng trở lại. Mặc dù vậy, trên đồ thị, xu hướng giảm giá khá rõ ràng. Lựa chọn vực dậy nền kinh tế vẫn là ưu tiên số 1.

{keywords}
Cuộc chiến giảm giá tiền tệ diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc chiến tiền tệ

Phát biểu trên Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ đầu năm 2016, nhà đầu cơ nổi tiếng George Soros cho rằng, nguy cơ hạ cánh cứng của nền kinh tế TQ sẽ làm gia tăng áp lực giảm phát triển toàn cầu.

NĐT có tên tuổi gắn liền với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998 cho biết ông đặt cược vào sự mất giá của các đồng tiền châu Á so với đồng USD. Theo đó, các nước trong khu vực sẽ giảm giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế TQ giảm tốc.

Không chỉ có Soros đưa ra dự báo như vậy, trước đó, rất nhiều nhà kinh tế cho rằng, một cuộc chiến tiền tệ tại châu Á là khó tránh khỏi. Kinh tế TQ giảm tốc một cách khó kiểm soát và nếu muốn lấy lại tăng trưởng kinh tế nhanh Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoại trừ việc để đồng tiền này suy yếu để thúc đẩy xuất khẩu kích thích tăng trưởng kinh tế.

Khảo sát trên CNNMoney cho thấy, đồng NDT còn giảm giá, có thể về mức 7,5 NDT đổi 1 USD. Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo như một mục tiêu đã vạch ra sẽ góp phần khiến đồng NDT tiếp tục xuống giá.

Indonesia là nước đầu tiên ở ĐNA trong năm 2016 phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với quyết định lần đầu tiên trong vòng một năm qua giảm lãi suất chủ chốt bớt 0,25% xuống còn 7,25%.

{keywords}
NDT được dự báo còn giảm tiếp.

Dự báo trên Bloomberg cho rằng, đồng rupiah của Indonesia sẽ giảm thêm khoảng 6% tính đến cuối 2016. Các đồng tiền khác trong khu vực đều được dự báo giảm giá trong năm nay. Mức độ giảm nhiều ít còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe nền kinh tế TQ và chính sách tiền tệ của nước này.

Trong năm 2015, rất nhiều đồng tiền ở cả châu Á và thế giới đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế yếu đi ở khắp nơi trên thế giới. Đồng Tenge của kinh tế mới nổi Kazakhstan - nước có 2 đối tác thương mại lớn nhất là TQ và Nga giảm hàng chục phần trăm. Đồng real Brazil sụt giảm tới 33% so với USD. Hàng loạt các đồng tiền giảm giá đã khiến chỉ số Dollar index tăng 9% trong năm 2015.

Theo ông Soros, TQ có nguồn lực lớn để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ ảnh hưởng lan tỏa khắp thế giới. Trước đó, đại diện Mizuho cho rằng, việc phá giá đồng NDT có thể châm ngòi cho sự tháo chạy của dòng vốn và tác động tiêu cực đến kinh tế nước này. Đà giảm giá của NDT trong 2015 được cho là chủ ý của PBoC. Trong khi đó, mỗi sự hắt hơi sổ mũi của TQ đều ảnh hưởng tới toàn thế giới, tới cả Mỹ và châu Âu.

Trên CNBC, cuối 2015, Societe Generale cho rằng, việc đồng NDT giảm giá sâu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Các nhà tạo lập chính sách các nước có thể điều chỉnh chính sách và/hoặc giới đầu tư có thể nhấn chìm nhiều đồng tiền của các thị trường mới nổi.

V. Minh