Dưa hấu lại ùn tắc, giá lại rớt thê thảm dù mới tháng trước, một hội nghị lớn đã được tổ chức sớm để họp bàn kế sách phòng chống căn bệnh này.
Những tồn tại lớn nhất ở "ngành" dưa hấu đã được mổ xẻ và hàng loạt giải pháp cũng đã được đề ra, bao quát tất cả các khâu như quy hoạch, sản xuất, tiêu thụ, kiểm dịch, thông quan, xuất khẩu.
Các kịch bản ứng phó chống ùn tắc dưa hấu đã được hoạch định như tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ Công an, Bộ GTVT sẽ tham gia, hỗ trợ cho Lạng Sơn điều tiết lưu thông xe, công chức hải quan cửa khẩu sẽ phải làm thêm giờ...
Dưa hấu phải đổ đống ra bán với giá rẻ mạt (ảnh: theo phunu) |
Đặc biệt, chiến lược đảm bảo "đầu ra" còn tính đến việc huy động cả các cấp chính quyền tham gia, như UBND 6 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương chủ động cam kết tiêu thụ dưa hấu.
Tổ chức chính trị như Trung ương Đoàn và các Đoàn cơ sở cũng sẽ phát động đoàn viên thanh niên tổ chức tiêu thụ dưa tại các cơ quan, trường học, tổ chức các điểm bán dưa tại khu vực đông dân cư...
Vậy mà, người tính không bằng trời tính!
Một tháng sau, quả dưa hấu vụ Tết Bính Thân đã rơi vào nghịch cảnh chuyện muôn năm cũ: rớt giá và ùn tắc.
Giá tại ruộng dưa ở Đức Linh, Bình Thuận bị ép dần, 2.000 đồng rồi 1.500 đồng và có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg, bằng 1/3-1/5 so với giá để có lãi. Anh Nguyễn Văn Thuận, một nông dân trồng dưa ở huyện này đã chia sẻ trong một bài báo rằng, giá mỗi ký dưa chỉ mua được một ổ bánh mì loại rẻ nhất. Năm trước và trước nữa, mỗi quả dưa hấu được so sánh chỉ ngang với một ly trà đá.
Ở cửa khẩu Tân Thanh, phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận được 200 xe và mỗi ngày, tồn đọng tới 350 xe.
Nguyên nhân cũng không có gì mới, vẫn do thương lái Trung Quốc hạn chế mua. Riêng năm nay, có thêm một lý do cực kỳ khách quan là mưa tuyết kỷ lục diễn ra nên nhu cầu thu mua dưa Tết của Trung Quốc giảm mạnh.
Vậy là, bài toán giải cứu đầu ra cho dưa hấu mà các bộ ngành từng bàn thảo kỹ lưỡng nay đã vỡ trận. Mọi tính toán lời lãi cũng bị đảo ngược một cách đắng cay.
Các bộ ước tính, với mức giá đang dao động từ 5.500-6.000 đồng/kg thì người nông dân đang có lãi khoảng 50-60 triệu đồng/ha, nhưng nay, như Hội nông dân huyện Đức Linh tính toán, mỗi sào, người nông dân sẽ phải lỗ đến 4 triệu đồng, nghĩa là phải lỗ đến ít nhất 40 -70 triệu đồng/ha.
Tại cuộc hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 2015 mới đây do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo: "Người nông dân không có kỷ luật thị trường, cứ canh tác và đòi hỏi ai đó sẽ tiêu thụ cho mình, rõ ràng, những yếu kém của nông nghiệp sẽ phải thay đổi mạnh mẽ, nếu không, sẽ thua ngay trên sân nhà".
Cứ cho rằng, người nông dân yếu kém, chưa biết nuôi trồng theo cơ chế thị trường ra sao cho hiệu quả thì câu hỏi ở đây vẫn là, trách nhiệm của những nghịch cảnh trên thuộc về ai? Chắc chắn, không thể đỗ hết lỗi cho người nông dân!
Nhìn lại báo cáo giải pháp của hai bộ, vẫn thấy có những điều cũ mà chưa được triển khai, như "xây dựng mô hình chuyên canh tập trung, đầu tư sơ chế, đóng gói trước tại vùng nguyên liệu", hay "xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu tại Lạng Sơn". Những giải pháp mới mang đậm màu sắc hành chính, chỉ giải quyết được phần ngọn như các bản cam kết tiêu thụ... và thậm chí, câu chuyện của thị trường này, cũng phải nhờ đến cả trường học, cơ quan ban ngành tham gia.
Một cuộc hội thảo hoành tráng, tổ chức chuyên nghiệp với những bản kế hoạch trên giấy được tổ chức rất nhanh nhưng rồi có thể sẽ ít có tác dụng khi những giải pháp căn cơ đi vào đời sống chậm trễ.
Quả dưa hấu- dù không phải là loại nông sản "tỷ đô và "mũi nhọn", nhưng đã được cả hệ thống đơn vị chức năng vào cuộc ồn ào, rốt ráo, rồi vẫn cứ long đong, lận đận 20 năm qua là bởi, đó là sản phẩm của một nền nông nghiệp chưa gắn với kinh tế thị trường, còn có sư manh mún, tự phát.
Như TS Lê Đăng Doanh chỉ ra một điểm cần tháo gỡ, "lâu nay nông nghiệp, công nghiệp ta chỉ chú ý kêu gọi sản xuất mà không chú ý làm phân phối. Khâu phân phối đang quá kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu tính kết nối". Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với hội nhập vẫn quá nhiều vấn đề phải bàn.
Những ngày này, ở Tiền Giang, Long An, nhiều nông dân lại đang đốn bỏ thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ vì ham giá cao, dù biết rằng, người mua vẫn chỉ là người Trung Quốc.
Nếu vậy, điều mà ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) đã chia sẻ "lơ mơ là ta thua Campuchia về nông nghiệp" có lẽ đang sắp trở thành hiện thực.
Phạm Huyền