Cây mua của dân chỉ từ 15-45 triệu, song khi bán sang tay cho khách, mỗi cây nhài Nhật anh lãi được 100-130 triệu đồng; còn cây sung, cây vối, cây sen lãi mỗi cây 200-300 triệu. Một khi theo nghiệp buôn cây này thì chẳng ai chịu bỏ nghề, bởi có những phi vụ nếu gặp được đúng cây, đúng khách thì lời không tưởng, dân buôn có thể kiếm được hàng tỷ đồng dễ như chơi.

Buôn cây mà như đánh bạc

Dân buôn cây bóng mát ở khu vực Láng Hòa Lạc luôn tự hào rằng, họ là những người làm đẹp cho đời, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Hãnh diện hơn, nghề của họ đã cứu sống được hàng chục vạn cây mỗi năm, những cây có tuổi thọ lên đến vài trăm khi người dân muốn chặt đi bán củi hoặc gỗ.

Anh Trần Văn Lâm - một mối buôn cây bóng mát nổi tiếng ở khu vực Láng Hòa Lạc - cho biết, anh mua cây chủ yếu từ những công trình giải tỏa, vườn nhà dân với giá cao gấp 10 lần giá bán củi hay bán gỗ.

Ví như hồi đầu năm, trong Bình Phước, bà con trồng cả vườn giáng hương để làm cọc tiêu. Nhưng quá trình tư vấn và làm sai kỹ thuật, cây phát triển khủng khiếp, chỉ hợp làm cây bóng mát và lấy gỗ, nếu giữ lại để làm cọc thì chúng sẽ ăn hết chất dinh dưỡng của cây tiêu. Lúc đó, anh biết tin, đã cho thu mua toàn bộ giáng hương với giá cao gấp 10 lần giá bà con định bán làm củi đốt lấy than.

{keywords}
Nghề buôn cây bóng mát như ngồi trên chiếu bạc, lúc thì siêu lợi nhuận nhưng lúc thì lỗ nặng

“Một năm tôi thu mua và bán hàng vạn cây, giá lên đến hàng mấy chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ, tạo việc làm cho hàng ngàn bà con”, anh Lâm khoe.

Tuy nhiên, dân buôn cây như anh cũng phải trải qua nỗi khó khăn vất vả riêng. Chẳng hạn, một số kỹ thuật như đánh bồn, đánh cây và vận chuyển,... những công việc vô cùng quan trọng, có thể nói quyết định sống còn của người làm nghề.

“Có những kỹ thuật phải học thuộc lòng khi đánh cây, đó là đúng mùa, đánh nhanh, cắt phẳng dễ, dùng thuốc chuyên dụng”, anh Lâm tiết lộ. Anh cho biết đang đánh gốc cây mà thợ bỏ đi ăn cơm thì coi như hỏng, tỷ lệ cây đó còn sống chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều. Do vậy, mỗi khi đánh cây, thợ thường phải quên ăn, quên ngủ, làm sao cho công việc hoàn thành nhanh nhất có thể.

Khi đưa được cây về khu tập kết rồi, mình cũng phải chăm sóc kỹ càng. Trời lạnh thì quấn chăn xung quanh thân để giữ ấm, trời nắng thì dùng lưới cách nhiệt che chắn. Nhiều khi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Sáng dậy chưa kịp làm gì đã phải lao ngay ra vườn để xem cây như thế nào.

“Mỗi khi như thế mà nhìn thấy cây nhú ra được cái lộc thì sướng lắm, quên luôn cả ăn uống bởi biết cây đã hồi sinh”, anh kể.

Nhớ lại những khó khăn khi mới vào nghề kinh doanh cây bóng mát, anh Lâm chia sẻ, thời gian đầu vào nghề, do kinh nghiệm không nhiều, anh chuyển 5 cây cho khách thì chết mất 4. Vụ làm ăn đó không những anh phải đền cho khách mà nguy hơn là mất uy tín.

Anh luôn tậm niệm rằng, tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng uy tín mất có thể mất tất cả. Vì thế, sau mỗi lần gặp phải vụ làm ăn rủi ro, anh chấp nhận lỗ nặng, thậm chí tặng hoàn toàn số cây đó cho khách, vừa để bù đắp cho họ vừa để giữ uy tín cho mình.

{keywords}
Với nghề này, kỹ thuật chăm sóc cây đúng sẽ giúp cây sống sót

Anh Hoàng Văn Thắng, một đầu mối buôn cây khác ở Láng Hòa Lạc, cũng nhận định, buôn cây bóng mát chẳng khác nào ngồi vào chiếu bạc. Cây sống thì còn thu được tiền gốc, tiền lãi, cây chết thì mất tất cả.

Anh Thắng cho hay, cây bóng mát có hai dòng, một là dòng phổ thông, hai là dòng cao cấp. Mỗi lần khách đặt mua đều lên đến tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Nhưng nghề buôn bán cây bóng mát có một đặc thù, khách đặt mua, mình phải chở cây đến và trồng luôn cho họ. Cây sống thì được thanh toán hết tiền, cây chết họ sẽ chỉ trả tiền theo tỷ lệ, chết bao nhiêu trừ tiền bấy nhiêu.

“Thế nên, nhiều khi theo nghiệp buôn cây tôi cũng thấy mình liều. Tiền bỏ ra mua cây toàn tính tiền tỷ mà không biết sau khi bán có thu về được đồng nào không”, anh nói.

Những phi vụ lời hàng tỷ đồng

Nói thế để thấy, rủi ro trong nghề này không hề ít, nhưng chẳng ai chịu bỏ. Bởi ai cũng biết, trong quá trình đi săn tìm cây bóng mát, không ít lần dân buôn vớ được cả “hòm vàng” nếu may mắn gặp được những cây thuộc loại quý hiếm. Các đại gia sẽ mua ngay để trồng trong vườn nhà, với mức giá có thể lên đến hàng tỷ đồng, anh Lâm kể.

Để chứng minh, anh Thắng giở cuốn sổ ghi chép số liệu kinh doanh của mình từ giữa tháng 6/2015 ra. Trong đó ghi hồi tháng 7, anh có mua được cây chè vàng của một hộ dân với giá 35 triệu đồng rồi bán sang tay ngay cho một đại gia với giá 1 tỷ đồng.

{keywords}
Nhiều phi vụ, dân buôn lãi được hàng tỷ đồng nhờ săn được cây cổ thụ quý hiếm, dáng độc lạ

Dân mình không biết giá trị của cây chè vàng nên cứ thấy thương lái Trung Quốc gom mua là đốn bán hết. Không ai nghĩ rằng, chè vàng thuộc hàng quý hiếm, gần như bị tuyệt chủng. Cây  này chữa được rất nhiều bệnh, thậm chí những tinh chất trong cây còn chữa được cả ung thư, hay đơn giản lá chè pha nước uống rất ngon.

Không đến mức “nhặt” được tiền tỷ, nhưng anh Lâm cũng tiết lộ, nếu may mắn anh có được vài phi vụ, mỗi phi vụ như thế thường lời vài trăm triệu đồng.

“Việt Nam mình có nhiều cây thuộc hàng quý hiếm, dáng độc, lạ nên nếu vớ đúng cây, đúng khách thì có thể bỏ túi vài trăm triệu ngay”, anh Thắng cho hay.

Năm 2015, anh Thắng trúng 6 vụ, gồm 1 cây sung, 3 cây nhài Nhật, 1 một cây vối và 1 cây sen đất. Tất cả đều là cây cổ, có dáng đẹp, quý. Khi đó, anh mua của dân chỉ từ 15-45 triệu, tùy cây, song khi bán sang tay cho khách, mỗi cây nhài Nhật anh lãi được 100-130 triệu đồng; còn cây sung, cây vối, cây sen anh lãi mỗi cây 200-300 triệu.

Theo anh Thắng, nghề buôn bán cây bóng mát càng ngày càng phát triển, dân buôn cũng đông lên trông thấy. Do vậy, để có nguồn cây dồi dào cung cấp cho khách, anh phải xây dựng mạng lưới thu mua rộng khắp các tỉnh thành.

“Quân của tôi nằm vùng khắp nơi, chỉ cần nghe tin chỗ nào chuẩn bị mở đường cần giải tỏa, chỗ nào có nhiều cây cổ thụ cần phá bỏ để xây công trình, nhà nào muốn chặt cây để xây nhà,... là quân của tôi lập tức đến xem. Nếu thấy cây khỏe, đẹp, độc đáo, quý hiếm thì hỏi mua ngay”, anh Thắng nói.

Tuấn Linh - Như Băng