Trong khi người dân mong chờ tới thời điểm giảm thuế để được sở hữu ô tô với giá hợp lý, đề xuất cấp hạn ngạch mới được mua xe đang gây nhiều lo ngại. Bởi, điều này chẳng khác gì việc có ô tô lại là quyền của nhà giàu chứ không phải phần lớn người tiêu dùng Việt. 

Khao khát lên đời ô tô

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông, từ xe máy sang ôtô. Trong 5 năm tới nhu cầu về xe máy sẽ giảm dần, ngược lại nhu cầu về ô tô tăng mạnh. Đây là xu hướng khó có thể đảo ngược.

Tính đến nay, Việt Nam mới có bình quân 20 ô tô/1.000 dân, trong khi đó, ở các nước phát triển, con số này là từ 600-800 ô tô/1.000 dân. Còn tại khu vực ASEAN, Thái Lan có tỷ lệ cao nhất là 206 ô tô/1.000 dân. Như vậy, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam trong tương lai sẽ còn rất lớn.

Các dự báo cũng cho thấy, từ 2020-2030, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ôtô hóa, với tỷ lệ bình quân đạt 70 xe/1.000 dân. Ước tính, đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 7 triệu ô tô các loại.

{keywords}
Rất nhiều người Việt Nam có nhu cầu sở hữu ô tô với giá hợp lý (ảnh minh họa)

Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi từ xe máy sang ô tô đang diễn ra nhanh tại các đô thị lớn trên cả nước, là nơi có mức sống cao hơn so với những khu vực khác. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện tại Hà Nội có khoảng 535.000 ô tô và TP.HCM có khoảng 660.000 ô tô các loại. Dự báo, đến sau 2020, Hà Nội sẽ có trên 2 triệu ô tô và TP.HCM sẽ có khoảng 2,7 triệu ô tô các loại, gấp gần 5 lần hiện nay.

Năm 2015, thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng 55%, dự báo năm 2016 tăng trưởng thấp, cũng ở mức 30% so với 2015. Từ 2017 trở đi, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm và thuế tiêu thụ đặc biệt với xe dung tích nhỏ giảm, sẽ làm cho giá ô tô tiếp tục giảm, giúp cho nhiều người dân có điều kiện sở hữu ô tô.

Theo TS. Phạm Xuân Mai, Trưởng bộ môn Ô tô, Đại học Bách Khoa TP.HCM, xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô là không thể đảo ngược. Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một quốc gia công nghiệp. Đã là quốc gia công nghiệp, thì các ngành kinh tế phải phát triển và ôtô sẽ là phương tiện giao thông phổ cập, đó là quy luật tất yếu của xã hội, có lối sống công nghiệp và hiện đại. Nhiều nước đã đi trước rồi và Việt Nam cũng sẽ phát triển theo hướng đó.

Ô tô chỉ dành cho người giàu?

Việc gia tăng nhanh chóng số lượng ô tô, sẽ gây sức ép rất lớn lên hạ tầng, nhất là tại các đô thị. Vì vậy, có nhiều lo ngại về tình trạng tắc đường sẽ ngày càng trầm trọng hơn ở các đô thị lớn. Để đáp ứng hạ tầng cho ô tô và giải quyết nạn tắc đường, cần đầu tư vào hệ thống hạ tầng, giao thông đô thị. Đây chính là chìa khóa giải bài toán ách tắc lâu nay. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần số vốn rất lớn, hoàn toàn vượt xa khả năng của các đô thị hiện nay.

Chẳng hạn, để làm hạ tầng cho ôtô tại Hà Nội, phải xây dựng các thành phố vệ tinh, di dời trường học, bệnh viện, công sở nhà máy, ra khỏi nội đô và phát triển hệ thống giao thông kết nối,... cần đến hàng trăm tỷ USD trong 10-15 năm tới. Số vốn này quá lớn, không biết lấy đâu ra.

{keywords}
Hạ tầng giao thông đô thị là nguyên nhân chính khiến cơ quan chức năng tìm nhiều biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân

Trong khi không giải quyết được nhanh hạ tầng, thì các cơ quan chức năng đang tính đến giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong thành phố. Mới đây, trong kế hoạch triển khai công tác quản lý về giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP. Hà Nội đã thể hiện quyết tâm tìm ra phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Nhiều thông tin cho thấy, lãnh đạo TP sẽ không thực hiện việc cấm mua phương tiện, vì đó là quyền của công dân, nhưng phương án đang được tính tới là cấp hạn ngạch cho người dân mua ô tô. Cụ thể, trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng ở Hà Nội, sẽ cấp một số lượng hạn ngạch nhất định; sau đó tổ chức đấu giá quyền mua xe. Những ai trả giá cao nhất sẽ được quyền mua.

Như vậy, việc này cũng có nghĩa là sẽ hạn chế khả năng mua xe của đa số người dân. Chỉ những người giàu có, nhiều tiền, mới có điều kiện sở hữu ô tô. Điều này được đưa ra khi Quốc hội đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, tạo điều kiện giảm giá, giúp tầng lớp bình dân cũng được tiếp cận với ô tô.

Thực tế, với thuế phí như hiện nay, tầng lớp người giàu Việt Nam vẫn mua xe sang, siêu xe tăng mạnh nhất khu vực. Vậy nên, nếu thêm 1 khoản phí mua hạn ngạch mua ô tô chắc cũng không ảnh hưởng gì. Ngược lại, với tầng lớp bình dân, người nghèo... thì việc mua ô tô giá rẻ còn khó, nếu thêm khoản phí nữa thì ô tô mãi mãi xa vời.

Nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm này. Cho dù có ưu tiên phát triển hạ tầng trước, sau đó mới hạn chế, nhưng như vậy sẽ gây thiệt thòi và thiếu công bằng, TS. Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Ô tô Việt- Đức, nhận xét.

Chẳng hạn, với những người mua ô tô, nhưng chỉ để cuối tuần đi ra ngoại thành, ngoại tỉnh chơi, không hề gây tắc nghẽn giao thông thành phố, mà cũng phải qua đấu thầu, trả giá cao mới được mua xe là bất công.

Giải pháp thu phí trông giữ xe thật cao, hạn chế tối đa các điểm dừng đỗ xe cá nhân,... khiến người sử dụng luôn phải tốn nhiều tiền và thấy phiền phức khi đi vào trung tâm thành phố, mà từ bỏ, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng được nhiều ý kiến đồng tình hơn cả. Tuy nhiên, cùng với đó là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, cũng như có những điểm trông giữ xe bên ngoài khu vực cần hạn chế, với chi phí thấp và thuận tiện.

Trần Thủy