Với đề xuất giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể đến năm 2019, nhiều mẫu xe nhỏ sẽ giảm tới 42%, tức là chỉ còn hơn nửa so với hiện nay. Tuy nhiên, nỗi lo lớn ập đến: ôtô tăng mạnh, đường sá yếu kém thì không biết lấy đường đâu mà đi. Để làm hạ tầng cho ôtô, cần hàng nghìn tỷ USD, con số quá lớn không biết lấy ở đâu.
Giá rẻ, xe nhiều
Giá ô tô giảm mạnh, sẽ khiến cho nhu cầu tăng cao. Các dự báo cho thấy từ 2020 - 2030, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ôtô hóa, với tỷ lệ bình quân đạt 70 xe/1.000 dân, ước tính sẽ đạt khoảng 7 triệu xe vào năm 2025. Tuy nhiên, nhìn về mặt hạn chế, việc giá xe rẻ hơn sẽ gây sức ép lớn lên hạ tầng.
Trong khi đó, mật độ mạng lưới giao thông của Việt Nam, rất thấp so với các nước trên thế giới. Hạ tầng giao thông tại tp Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện chỉ chiếm 7 - 9% diện tích đô thị so với trên thế giới là 20-25%.
Trong số đó, trên 50% là đường nhỏ hẹp. Tại TP Hồ Chí Minh, chiếm tới 65% là đường có bề ngang dưới 7 m, không đáp ứng cho ôtô lưu thông với số lượng lớn.
Xe ô tô ngày càng gia tăng tại nhiều thành phố lớn |
Không những thế, hệ thống giao thông lại không được quy hoạch bài bản, không phù hợp với sự phát triển. Phương tiện cá nhân tăng nhanh, trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ngày càng vô phương đối phó như hiện nay.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, đến nay, Hà Nội có trên 5,5 triệu xe các loại, trong đó có 535.000 ôtô và gần 5 triệu xe máy; TP Hồ Chí Minh có hơn 6,5 triệu xe gắn máy và khoảng 660.000 ô tô.
Đây là lý do khiến nhiều người lo ngại việc thuế giảm mạnh sẽ làm số lượng xe tăng nhanh và gây áp lực lên hạ tầng giao thông.
Vốn lớn chưa biết lấy ở đâu
Đó là quy luật tất yếu của xã hội, có lối sống công nghiệp và hiện đại. Nhiều nước đã đi trước rồi và Việt Nam cũng phải phát triển theo hướng đó.
Hạ tầng phát triển chưa tương xứng |
Ở các nước phát triển, bình quân có từ 600 - 800 xe/1.000 dân. Tại khu vực Asean, Thái Lan có tỷ lệ 206 xe/1.000 dân, còn Việt Nam hiện mới chỉ có 20 xe/1.000 dân, nhu cầu rất lớn, đòi hỏi phải phát triển nhanh và mạnh hạ tầng để đáp ứng.
Tuy nhiên, đáp ứng hạ tầng cho ôtô không hề dễ dàng. Tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Trưởng bộ môn Ôtô, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo đến 2020, tp Hồ Chí Minh sẽ có 2,7 triệu ô tô các loại, gấp gần 5 lần hiện nay.
Để loại bỏ xe máy và chuyển sang sử dụng ôtô, theo định hướng quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ có 15 đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông gồm 4 vành đai và cao tốc nối các tỉnh, có 6 tuyến xe điện ngầm, 3 tuyến xe điện nổi và 25 tuyến xe buýt nhanh, đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân.
Kinh phí để thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông cần khoảng 470 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2025. Đây là số vốn khổng lồ, không biết lấy đâu ra? Trong khi đó, để làm tuyến tàu điện ngầm từ chợ Bến Thành đến Suối Tiên, với số vốn khoảng 2,5 tỷ USD mà 20 năm nay vẫn chưa xong. Chưa kể Hà Nội và các địa phương khác, cũng như khoảng 5.000 km đường cao tốc đang "khát" vốn trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, suy nghĩ ôtô nhiều gây kẹt xe, tắc đường nên hạn chế người dân mua xe hay sử dụng xe là lạc hậu. Kinh tế đi lên, nhu cầu đi lại bằng xe ôtô của người dân là bình thường. Không thể vì ùn tắc giao thông mà không cho người dân tiếp cận với ô tô giá rẻ.
Nhưng nếu không giải quyết được hạ tầng cho ô tô, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ khó tránh khỏi và gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Đây chính là vòng thách thức chưa thấy hướng giải quyết.
Các số liệu cho thấy, với 60 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên tại tp Hồ Chí Minh hiện nay, đã gây ra thiệt hại khoảng 8.450 tỷ đồng mỗi năm.
Đề xuất thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt. Theo đó, sẽ giảm mạnh với xe có dung tích nhỏ, tiêu hao ít nhiên liệu, để khuyến khích sử dụng. Cụ thể, xe có dung tích xi lanh từ 1.0L trở xuống, sẽ giảm từ 45% hiện nay xuống còn 20% và xe dung tích từ 1.0L đến 1.5L, cũng giảm từ 45% xuống 25% vào năm 2019. Như vậy, với việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đến năm 2019, giá nhiều mẫu xe nhỏ sẽ giảm tới 42%, tức là chỉ còn hơn nửa so với hiện nay. |
Trần Thủy