Trước sức ép của dư luận bức xúc về việc chênh lệch thuế xăng dầu và áp lực từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu dầu nhưng vẫn giữ nguyên thuế xăng.
Ngày 17/3/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi với hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/3/2016.
Theo đó, cả ba mặt hàng dầu gồm diesel, diesel sinh học, madut và dầu hoả đều giảm thuế chỉ còn ở mức 7%. Trong đó, diesel và dầu madut giảm 3% so với trước, dầu hoả giảm 6% so với trước.
Mặt hàng xăng máy bay và nhiên liệu động cơ máy bay cũng giảm từ 10% xuống còn mức thuế 7%.
Tuy nhiên, xăng khoáng và xăng sinh học không giảm thuế, vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu là 20%.
Bộ Tài chính khẳng định, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (Biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Tuy nhiên, so với biểu thuế AITGA theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN và từ thị trường Hàn Quốc theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc thì mức thuế dầu diesel, madut, dầu hoả đều đã về mức 0% từ năm 2016.
Riêng mặt hàng xăng từ Hàn Quốc, thuế là 10%. Việc giảm thuế như trên vẫn còn giữ khoản chênh lệch giữa thuế MFN áp cho xăng dầu trong nước và các thị trường ngoài ASEAN, Hàn Quốc chênh nhau tới 7% đối với mặt hàng dầu và 10% đối với xăng từ Hàn Quốc.
Phạm Huyền