Chăm chỉ, hòa đồng, không mấy khi làm ai mất lòng, nhưng công việc của bạn vẫn “dậm chân tại chỗ”, rất có thể là vì những sai lầm ngớ ngẩn sau đây.

1. Lúc nào cũng xin lỗi

Câu nói “xin lỗi” như được treo trước cửa miệng bạn vậy. Trước bất cứ ý kiến, bổ sung nào của người khác, bạn đều “xin lỗi” xong mới nói lên quan điểm của mình. Nghe qua thì có vẻ như lời xin lỗi cho bạn thái độ mềm mỏng, khiêm nhường, biết nhận khuyết điểm, nhưng lúc nào cũng xin lỗi chỉ khiến bạn trong mắt đồng nghiệp trở nên có phần “giả” và mất tự nhiên.

2. Quá thể hiện

Bạn có nhiều ý tưởng hứng khởi mong muốn được chia sẻ, có nhiều giải pháp khi nhìn thấy vấn đề của người khác,… nhưng nếu quá thường xuyên “lấn át” người khác trong các cuộc họp hay buổi nói nói chuyện, chưa chắc mọi người đã ấn tượng về khả năng của bạn. Trái lại, họ có thể cảm thấy ức chế khi cứ bị nói hết phần và cho rằng bạn chỉ là một người giỏi thể hiện.

{keywords}
Đừng xin lỗi liên tục nếu bạn chẳng làm gì sai. Ảnh: minh họa

3. Ôm hết việc vào người

Nếu một mình bạn có thể hoàn thành hết mọi việc, công ty đã chẳng cần phân ra thành các phòng ban, các chức vụ khác nhau làm gì. Hãy biết cách phân phối công việc hợp lý, và nhờ người khác giúp đỡ nếu bạn cảm thấy cần. Năng lực làm việc nhóm cũng là một năng lực quan trọng sẽ được đưa ra đánh giá trước khi cấp trên "cất nhắc" bạn lên một vị trí cao hơn, vì có biết làm việc tập thể, bạn mới có thể lãnh đạo được người khác đúng không?

4. Quá tự mãn

Một chiếc giỏ đầy sẽ không thể mang thêm đồ được nữa. Nếu như lúc nào bạn cũng tự tin rằng mình đã có tất cả, thậm chí có nhiều hơn người khác, thì bạn sẽ chẳng thể nào có thêm hay học hỏi thêm được điều gì hay. Những người lãnh đạo cũng sẽ không nhìn ra tiềm năng phát triển gì ở một người kiêu ngạo. Bởi họ luôn cho là mình đúng, khó nhận góp ý của người khác, lại hay “vênh mặt” với người cấp dưới,… những người như thế sẽ không thể tiến bộ được.

5. Không mở rộng mối quan hệ

Hãy nhớ, bạn không chỉ cần tạo dựng những mối quan hệ để kiếm được việc làm mà còn cả để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Kết nối với nhiều người mới luôn có thể đem đến cho bạn những cơ hội, bài học kinh nghiệm, hay đơn giản chỉ là sự chia sẻ. Bạn có thể thường xuyên tham gia vào những buổi dã ngoại của công ty, hoặc chủ động bắt chuyện khi gặp ai đó mà mình biết. Thông tin và mối quan hệ không bao giờ là thừa.

6. Quá gương mẫu

Có thể bạn đang tự hỏi, gương mẫu thì có gì là sai? Không sai, nhưng nếu bạn chỉ làm việc theo nguyên tắc mà không có sự sáng tạo gì mới, thì chính điều đó lại cản đường thành công của bạn. Dù luôn là người đi sớm về muộn, hoàn thành công việc đúng hạn, nhưng ngày này qua ngày khác, nếu bạn vẫn giữ nguyên một cách làm, không thụt lùi, nhưng cũng chẳng tiến lên, thì dần dần sẽ trở thành “cỗ máy” đích thực. Và bạn biết đấy, chẳng ai muốn cho một “cỗ máy” lên làm sếp cả.

7. Than thở tối ngày

Sự thật là khi than thở, bạn chẳng giải quyết được nhu cầu gì ngoài nhu cầu nói. Nói mãi rồi công việc vẫn còn đó, hạn chót vẫn còn đó và vẫn chưa có gì được hoàn thành. Nhiều người còn coi những người hay than thở là “tỏ ra vẻ bận rộn”, vì trước mắt họ, bạn chỉ đang nói mà chẳng thấy làm gì để cải thiện tình hình. Với một dáng vẻ mệt mỏi và uể oải, than vãn tối ngày, sẽ chẳng có ai muốn giao việc cho bạn cả.

8. Không giao tiếp với sếp

Nhiều người, vì nhiều lý do, như sợ ánh mắt đồng nghiệp, sợ phạm sai lầm, sợ bị để ý, mà chẳng bao giờ giao tiếp trực tiếp với cấp trên của mình. Những ý kiến, quan điểm của họ, quanh đi quẩn lại chỉ chia sẻ với những đồng nghiệp gần nhất, hoặc tệ hơn là những bạn bè sau giờ làm việc, những người chẳng liên quan gì đến họ về mặt chuyên môn. Hãy nhớ, sếp cũng “chỉ là người”, và nếu bạn có thể thẳng thắn đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới vì công ty, dù ít nhiều, đúng sai, cấp trên cũng sẽ thấy được sự tận tâm của bạn trong công việc. Đó cũng là cách nhanh nhất để người khác ấn tượng và nhớ đến bạn.

Theo Khỏe và đẹp