Trong đề nghị trên của Bộ Tài chính, đáng lưu ý, nội dung về thuế nhập khẩu xăng dầu gây tranh cãi trong thời gian qua cũng được đề nghị sửa đổi do chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định pháp luật.

Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa nhận được ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị trao đổi với Bộ Công Thương để có công văn đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Do việc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2016 của Chính phủ có yêu cầu gấp nên không thể chờ Bộ Công Thương tổng hợp vướng mắc, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 theo quy trình thông thường.

Do đó, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã trình Bộ Tài chính phương án báo cáo Chính phủ về những hạn chế trong thực hiện Nghị định 83 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, trình Chính phủ đưa vào nghị quyết phiên họp Chính phủ để giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 83.

{keywords}
Cục quản lý giá đề nghị sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng dầu

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, hiện nay Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã triển khai trong một khoảng thời gian nhất định (1,5 năm) với nhiều điểm đổi mới tích cực, góp phần minh bạch hoá công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy đã phát sinh một số vấn đề liên quan cần được tiếp tục nghiên cứu.

Trong đó, đáng lưu ý, nội dung về thuế nhập khẩu xăng dầu gây tranh cãi trong thời gian qua cũng được đề nghị sửa đổi. Cục Quản lý giá thừa nhận, trong bối cảnh tồn tại các mức thuế suất khác nhau (MFN, FTAs…), việc xác định thuế nhập khẩu trong công thức xác định giá cơ sở đối với xăng dầu quy định tại Nghị định 83, mặc dù đã được Thủ tướng chấp thuận theo phương án bình quân gia quyền các mức thuế nhưng chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung cơ sở pháp lý về việc yêu cầu cơ sở kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo khả năng kết nối dữ liệu hoá đơn bán hàng với cơ quan thuế như là một điều kiện của thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về chuyển loại xăng dầu trong kho ngoại quan làm cơ sở để triển khai thực hiện và nghiên cứu các nội dung cụ thể liên quan đến việc hướng dẫn kê khai giá của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và các thương nhân phân phối. Nội dung về tỷ giá ngoại tệ để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hiện cũng đang ở dưới dạng thông báo hướng dẫn của Bộ Tài chính, chưa được chính thức và cụ thể hoá thành quy định trong Nghị định.

Theo Dân Trí