Dù ở trong những ngôi nhà tầng khang trang nhưng người dân được tái định cư sau khi nhường đất cho mỏ sắt Thạch Khê đang hàng ngày đối mặt với cuộc sống khó khăn. Dự án treo nhiều năm, người dân không có nghề mưu sinh, không có nước sạch…
‘Khóc’ trong nhà tầng trăm triệu
Hơn 5 năm sống trong những ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng từ tiền đền bù của dự án mỏ sắt Thạch Khê, cứ ngỡ 51 hộ dân, 357 nhân thôn Xuân Trường (xã Thạch Đỉnh, Thạch Hà, Hà Tĩnh), sẽ có một cuộc sống sung túc hơn.. nhưng thực tế thì ngược lại.
Được sống trong khu dân cư hạ tầng tốt, nhà cửa đẹp đẽ hơn nhưng khi nói đến cuộc sống thì tất cả đều người dân đều ngán ngẩm. Thiếu nước sạch và không có việc làm là hai vấn đề lớn khiến cuộc sống của các hộ dân khốn đốn.
Ông Trưởng thôn Lê VănTuế cho biết, không có việc làm nơi ở mới nên nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, thậm chí máy bơm nước phục vụ cho sinh hoạt hư hỏng cũng không có tiền để sửa.
Với số tiền đền bù hơn 1 tỉ đồng, sau 5 năm, chia năm sẻ bảy cho bảy người con, gia đình ông Nguyễn Duy Hướng thuộc diện khó khăn nhất thôn. Nhà giờ chỉ còn hai ông bà, không có nghề nghiệp gì để duy trì cuộc sống nên phải bán từng vật dụng trong nhà lấy tiền ăn.
“Ngày xưa còn biết bám vào mấy sào ruộng cũng đủ sống nay ruộng không có chỉ biết ngồi cửa nhìn ra”, ông Hưởng nói.
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hồng đổi những khó khăn mà những hộ dân tái định cư phải gánh chịu. |
Ông Hưởng chua chát kể, khi ông bà xây nhà 200 triệu rồi sắm tivi nhưng năm 2013 đã phải bán rẻ chiếc ti vi để lấy tiền mua gạo. Có bộ bàn ghế được con gái sắm cho, cũng phải bán đi.
Nhà ông bà Nguyễn Duy Vinh sau khi xây nhà đã mua mấy con bò về làm vốn. Tuy nhiên, không lâu sau khi hết tiền, hết gạo ông bà đành bán con bò đi lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Bây giờ đi thuê ruộng để sản xuất ông bà phải thuê máy cày.
Không nghề, thiếu ruộng nhưng người dân cũng chẳng thể phát triển buôn bán kinh doanh. Chị Lài – một người dân thôn Xuân Trường cho biết: “Xung quanh xóm mới chưa ai buôn bán chi, nhà tui trích một ít vốn nhỏ để mở tạp hóa, năm đầu cũng bán được nhưng đến năm hai thì dân không có tiền nợ hết, hụt vốn đành dẹp, không chỉ nhà tui mà có nhà bên cạnh mở được ít rồi dẹp vì dân mua không có tiền trả”.
Chuyển tới khu tái định cư, mỗi gia đình được cấp 300m2 đất nhưng lại không có đất sản xuất nông nghiệp nên phải đi thuê ruộng để sản xuất. Tuy nhiên, do giá thuê cao, năng suất kém, thủy lợi không có nên… người dân nơi đây đang rơi vào tình trạng thiếu ăn kéo dài.
Tìm về nhà cũ
Sau thời gian ổn định nơi ở mới nhưng không có việc làm nhiều hộ dân quay về nơi ở cũ để sản xuất nông nghiệp. Dù không có điện, ở cảnh nhà hoang nhưng họ vẫn cố bám trụ để mưu sinh.
Cất căn nhà trị giá tỉ đồng, thuộc hàng to nhất, đẹp nhất xóm nhưng chủ yếu cho hai đứa con và mẹ già ở, còn vợ chồng chị Hoàng Thị Huyền quay về đất vườn xưa dựng lều gần moong mỏ để nuôi bò, thả gà kiếm tiền thu nhập nuôi các con ăn học.
Tìm về làng cũ, sống trong các ngôi nhà hoang cũ để làm nông nghiệp kiếm sống. |
Không riêng nhà chị Hoàng, đến bây giờ đã có 15 hộ quay về tận dụng mặt bằng còn sót lại, sống tạm bợ để có thêm thu nhập từ sản suất nông nghiệp. Suốt 5 năm sống cảnh không điện, ở tạm trong căn nhà đổ nát nhưng nhiều gia đình vẫn chấp nhận vì đây đang cách duy nhất có thu nhập để sống.
Ông Nguyễn Đình Thành cùng vợ đã tìm về nhà cũ 5 năm qua kể: “Nhiều lần các con khuyên cha mẹ về nơi ở mới nhưng về đó không có việc lấy chi mà ăn. Ở đây mặc dù không có điện, ở nhà hoang hơi bất tiện tí những vẫn sướng hơn vì có việc kiếm ra tiền”, ông Thành chia sẻ.
Không có điện các hộ dân ở đây thắp sáng bằng cách dùng acquy tích điện, họ cảm thấy cuộc sống vẫn ổn vì có đất để sản xuất nông nghiệp. |
Ông Thành cho biết thêm, "nhiều gia đình họ quay về lén lút xúc bán cát trái phép, đất chính quyền đã thu hồi mà chúng tôi ở là sai nhưng cũng không có cách nào hơn. Đói là đầu gối cũng phải bò”.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch xã Thạch Đỉnh cho biết: “Dân quay về chỗ cũ để sinh sống và sản xuất là sai, nhiều lần chính quyền đã cương quyết, nhưng vì cuộc sống nên vẫn ở liều. Về nguồn nước tái định cư nhiễm phèn và nhiễm mặn rất nặng, chính quyền nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay nguồn nước sạch vẫn ở đang là dự án, còn nguồn điện cao áp phục vụ dân tái định cư đến nay vẫn chưa được thắp sáng”.
Anh Nguyễn Duy Long, quay về nuôi trang trại gà, còn thời gian rảnh anh đi chăn bò thuê cho các hộ dân quay về sống gần moong mỏ sắt Thạch Khê. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương cũng thừa nhận tình trạng người dân tái định cư mỏ sắt thiếu đói và không có nước sinh hoạt. Dự án sẽ khởi động lại trong thời gian tới với sự tham gia tích cực từ Ngân hàng BIDV.
Mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên diện tích gần 3.900 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với hơn 25.000 nhân khẩu. Đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á. Dự án ra đời từ 2007 do Công ty ty cổ phần sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào năm 2010, tuy nhiên sau đó triển khai chậm trễ vì thiếu vốn và ngưng trệ nhiều năm nay. |
Thanh Hoài