- Thạch Khê được xem là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng quặng khai thác có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm, tiến độ khai thác ở Thạch Khê vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ 2016, mỗi năm ngành thép sẽ cần khoảng 20 triệu tấn quặng sắt để phục vụ luyện thép. Tuy nhiên, lượng quặng trong nước hiện chỉ đáp ứng được một nửa, còn lại các DN đang phải nhập khẩu. Nguy cơ DN thép thiếu tự chủ về nguyên liệu đang cận kề.

Dở dang vì thiếu vốn

Để đảm bảo phát triển ổn định, từ năm 2007, Việt Nam đã tính tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), với mục tiêu cung ứng nguyên liệu quặng sắt cho nhà máy thép trong nước có nhu cầu.

Công ty cổ phần mỏ sắt Thạch Khê (TIC) ngày 17/5/2007 đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, có vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty.

{keywords}

Việc góp vốn của các cổ đông vẫn còn quá thấp và quá chậm khiến dự án Thạch Khê bị ngưng trệ 8 năm nay

Giai đoạn từ 2009 đến 2011, TIC chỉ khai thác thử ở một số điểm nông, sâu trong đất liền. Công tác giải phóng mặt bằng dở dang, xây dựng các khu tái định cư gần như chưa có gì... Tiến độ chậm chạp kéo dài, tới đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá lại toàn bộ dự án để xem xét tính khả thi, nhất là về năng lực của các cổ đông.

Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC, theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông,... nhưng rồi mọi chuyện vẫn không tiến triển thêm chút nào.

Đến nay, việc góp vốn của các cổ đông vẫn còn quá thấp và quá chậm, mới chỉ đạt khoảng 50% vốn điều lệ theo quy định, chưa kể vốn vay khi đi vào khai thác. Do vậy, thiếu vốn trầm trọng đang là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với TIC.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 6/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại một lần nữa có ý kiến chỉ đạo về việc huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Phó Thủ tướng yêu cầu, hết ngày 15/7/2015, nếu các cổ đông vẫn không góp đủ vốn, các cổ đông hiện hữu được phép điều chỉnh tỷ lệ góp vốn. Trường hợp các cổ đông hiện hữu vẫn không huy động đủ vốn, TKV được tăng góp vốn để thực hiện dự án, sau khi Bộ Công Thương đã xem xét.

Ngày càng mờ mịt

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Đúc luyện kim Việt Nam, cho rằng, với tình hình hiện nay mỏ Thạch Khê, khó lòng có thể cho ra quặng sắt. Ngoài chuyện thiếu vốn, thì điều kiện địa hình mỏ Thạch Khê rất phức tạp, vượt quá khả năng của TIC.

Mỏ Thạch Khê nằm sát bờ biển, lại sâu xuống dưới mực nước biển từ -8m đến -500m, trong khi Hà Tĩnh là khu vực thường xuyên phải chịu mưa bão lớn, ít nhất 4 tháng mỗi năm, rất không thuận lợi cho việc khai thác lộ thiên.

{keywords}

Trong khi dự án dở dang, gần 4.000 hộ dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề, phải vật lộn với ô nhiễm, thiếu nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp

Theo tính toán của các chuyên gia thuỷ văn, lưu lượng nước chảy vào mỏ, lúc khai thác lên tới 3.171.804 m3/ngày đêm (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm). Để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, khó khăn nhất là tháo khô và thoát nước mỏ. Giải pháp dự kiến được áp dụng: làm hệ thống giếng khoan để hạ thấp mực nước, kết hợp với thoát nước cưỡng bức bằng trạm bơm đặt ở đáy mỏ và trên bờ mỏ. Cùng với đó là xây dựng bờ ngăn ổn định mỏ, tránh nước biển tràn vào - điều này hết sức khó khăn mà cổ đông chính trong TIC là TKV không có kinh nghiệm, ông Cường cho biết.

Từ năm 1984 đến năm 2007, đã có hàng chục tổ chức tư vấn uy tín đến từ Nga, Đức, Nhật,... tham gia lập dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các dự án trên đều không thể triển khai được.

Ông Cường cho rằng, để khai thác hiệu quả mỏ sắt Thạch Khê, cần phải thuê tư vấn là các tập đoàn hàng đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm mới có thể đảm đương được. Các công ty của Việt Nam đến nay chưa đủ khả năng. Cùng với đó, phải kêu gọi sự tham gia góp vốn khai thác từ các tập đoàn sắt thép lớn của nước ngoài mới đảm bảo đem lại thành công. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khá bất lợi với quặng sắt Thạch Khê.

Hiện tại giá quặng sắt trên thị trường thế giới đã giảm mạnh so với năm 2014, chỉ còn 45 USD/tấn. Các dự báo cho biết năm 2016 giá quặng sẽ giảm về mức 40 USD và năm 2017 còn dưới 39 USD/tấn. Trong khi đó, giá thành 1 tấn quặng sắt Thạch Khê khai thác lên, theo tính toán ở mức từ 50 USD trở lên. Như vậy xét về hiệu quả kinh tế lúc này rất khó khả thi.

Trong khi dự án dở dang, gần 4.000 hộ dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề, phải vật lộn với ô nhiễm, thiếu nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Người dân sống trong tình cảnh đi cũng dở, ở không xong suốt nhiều năm qua.

Không những thế, cả dự án thép tỷ đô bị "đắp chiếu" suốt 5 năm qua. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp do tập đoàn thép Kobelco (Nhật Bản) đầu tư tại Nghệ An, công suất 2 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1 tỷ USD, được khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn bất động chờ nguyên liệu.

Kobelco đầu tư nhà máy sản xuất sắt xốp là do TIC cam kết đảm bảo, từ năm 2013, sẽ khai thác đại trà hàng triệu tấn quặng sắt mỗi năm, cung cấp cho các nhà máy luyện thép. Thế nhưng, các cổ đông của TIC đã không góp đủ vốn nên Kobelco buộc phải ngừng lại.

Trần Thủy